Ông Giai xem lại cuốn sổ ghi chép những vụ TNGT có nạn nhân được các thành viên của chốt cứu giúp |
Nằm ven QL18 nườm nượp phương tiện qua lại, 5 năm qua, chốt sơ cấp cứu nạn nhân TNGT thôn Đông Du (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) sơ cứu, hỗ trợ cho hàng trăm nạn nhân TNGT. Đây là chốt sơ cấp cứu nạn nhân TNGT cuối cùng còn hoạt động ở Bắc Ninh và chốt này cũng đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Cứu giúp bất kể ngày đêm
Sáng 28/10, ông Ngô Ngọc Giai (SN 1959, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ thôn Đông Du) cẩn thận sắp xếp lại túi đồ sơ cấp cứu nạn nhân TNGT. Ông Giai giải thích, túi đồ phải luôn sẵn sàng để cứu giúp các nạn nhân khi TNGT xảy ra.
Từng có 25 năm công tác tại Viện Quân y 110, đến năm 2006, ông Giai nghỉ hưu về mở phòng khám nha khoa tại căn nhà nhỏ của gia đình ngay chân cầu Đông Du, ven QL18. Từ đó, ông chứng kiến không biết bao nhiêu vụ TNGT xảy ra. “Không đành lòng để nạn nhân nằm giữa đường đau đớn, tôi lại tự mình xách dụng cụ ở phòng khám chạy ra sơ cứu vết thương cho họ. Trường hợp nào bị thương nặng, sơ cứu xong, tôi lại bắt xe đưa họ tới viện điều trị”, ông Giai cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Chánh văn phòng Ban ATGT Bắc Ninh nhìn nhận, mô hình sơ cấp cứu nạn nhân TNGT rất thiết thực, hiệu quả trong công tác đảm bảo TTATGT. “Văn phòng Ban ATGT tỉnh đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí để duy trì và nhân rộng các chốt sơ cấp cứu nạn nhân TNGT ven các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn”, ông Thái nói. |
Lần sơ cấp cứu từ thiện đầu tiên của ông là vào tháng 8/2006. Nghe hàng xóm nói cách nhà 1km có vụ TNGT, nạn nhân bị gãy chân không cử động được, ông lập tức mang túi cứu thương chạy ra hiện trường. Thấy người điều khiển xe máy bị thương nặng, chân trái gãy gập, ông nắn lại khớp rồi dùng nẹp, băng gạc cố định chân cho họ trước khi người nhà đến đưa đi viện.
Đến năm 2010, dự án “Nâng cao năng lực tỉnh hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” do Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ tại Bắc Ninh, phòng khám ven QL18 của ông Giai kiêm chức năng chốt sơ cấp cứu nhân đạo nạn nhân TNGT. Ông Giai có thêm hai thành viên hỗ trợ cứu giúp nạn nhân TNGT là bà Nguyễn Thị Thận (60 tuổi, y tá của thôn Đông Du) và bà Nguyễn Thị Ký (62 tuổi, y tá về hưu).
“Địa bàn ở đây khá xa trung tâm, xe cấp cứu nhiều khi phải 20-30 phút mới tới nơi, nên việc sơ cấp cứu kịp thời rất cần thiết. Vậy nên, cứ có tin báo TNGT là chúng tôi lại khoác đồ nghề lên đường, bất kể ngày đêm, mưa nắng. Nhiều đêm sơ cấp cứu nạn nhân xong, đứng ven đường vẫy xe đưa nạn nhân đi viện mãi không được, chúng tôi đành ra đường dang tay chặn xe lại, thuyết phục các xe chở nạn nhân đi. Có hôm cấp cứu nạn nhân xong thì trời gần sáng”, ông Giai nói.
Bà Nguyễn Thị Thận (thành viên chốt sơ cấp cứu) cho biết, chốt có ba thành viên nhưng hoạt động chủ yếu vẫn là ông Giai. “Vì lo cho sức khỏe của tôi với chị Ký nên chỉ những vụ TNGT nghiêm trọng, nhiều nạn nhân bị thương, ông Giai mới điện cho hai chị em đi hỗ trợ. Ông Giai đã cứu giúp cho không biết bao nhiêu nạn nhân TNGT”, bà Thận nói.
>>>Xem thêm video:
Sẽ hỗ trợ mô hình
Trong 5 năm hoạt động chính thức, chốt sơ cấp cứu nạn nhân TNGT thôn Đông Du đã cứu giúp được 315 ca, trong đó có 223 ca TNGT, 55 ca tai nạn lao động, còn lại là những ca các cháu nhỏ bị ngã, bỏng... Các thành viên tham gia chốt sơ cấp cứu hoàn toàn tự nguyện, không có sự hỗ trợ nào.
Nhưng nỗi lo nhất của các thành viên tại chốt là sự thiếu trầm trọng trang thiết bị cùng những nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu. Trong số các trang thiết bị gồm: Tủ thuốc, túi cứu thương, cáng cứu hộ, bảng biển… được dự án cấp từ khi mới triển khai, chỉ duy nhất chiếc tủ thuốc còn sử dụng được, còn lại đều cũ hoặc hư hỏng. Các nhu yếu phẩm như: Bông băng, thuốc sát trùng, cầm máu, găng tay, nẹp cố định vết thương… do Hội Chữ thập đỏ trang cấp hàng năm chỉ đủ sử dụng trong một vài tháng.
Vì thế, ông Giai thường tự bỏ tiền ra mua các dụng cụ y tế cần thiết như: Bông, băng, gạc, nẹp, nước rửa vết thương… Những hôm rảnh việc, ông vào nhà cháu trong xóm xin những miếng gỗ nhỏ về vệ sinh sạch sẽ để làm nẹp, sang nhà cô hàng xóm làm thợ may xin những mảnh vải không dùng để làm băng.
“Chúng tôi còn cậu con trai đang học ngoài Hà Nội, tôi bán hàng tạp hóa chả được là bao. Việc thiện nguyện của ông ấy, vợ con ủng hộ nhưng sức ông ngày càng già yếu, chắc chỉ làm công tác sơ cấp cứu nhân đạo nốt năm nay”, bà Nguyễn Thị Thông (vợ ông Giai) cho biết.
Ông Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bắc Ninh cho hay, năm 2010, được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Đức, Bắc Ninh lập ba chốt sơ cấp cứu nạn nhân TNGT tại các “điểm đen” về TNGT của huyện Quế Võ và TP Bắc Ninh, nhưng đến nay chỉ còn chốt sơ cấp cứu của ông Giai hoạt động.
“Bên cạnh việc thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ cho các chốt sơ cứu nhân đạo cũng đang rất khó khăn. Để đảm đương tốt nhiệm vụ sơ cấp cứu, các tình nguyện viên không chỉ cần lòng nhiệt tình, tâm huyết mà phải có vốn kiến thức, kỹ năng y tế nhất định, có cả điều kiện gia đình nữa. Nếu được đầu tư đúng mức, hệ thống chốt sơ cứu nhân đạo chắc chắn sẽ góp phần đắc lực vào việc giảm thiểu tổn thất, thương vong do TNGT gây ra”, ông Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận