Quét sạch xe quá tải bằng biện pháp “mềm nắn, rắn cương”
“Cứ chấp hành tốt như thế này, các bác chạy xe an toàn, anh em chúng tôi cũng bớt vất vả hơn” là lời bộc bạch của Thiếu tá Nguyễn Đình Tùng sau khi kiểm tra ngẫu nhiên kích thước thành thùng hàng của một xe tải ben chở đầy vật liệu xây dựng đang di chuyển trên tỉnh lộ 495B.
Lực lượng CSGT Công an huyện Thanh Liêm lập chốt kiểm tra trên tuyến đường tỉnh 495B.
Suốt gần 1 tiếng kiểm tra, dừng tới 5 - 6 xe các loại, nhưng Thiếu tá Tùng và các chiến sĩ trong tổ công tác của Công an huyện Thanh Liêm không phát hiện bất cứ trường hợp nào vi phạm.
Thiếu tá Tùng cho biết, giờ muốn bắt xe vi phạm cũng khó. Sau thời gian dài lực lượng chức năng làm căng, người dân chấp hành tốt lắm. Các xe không chỉ giữ đúng kích thước thành thùng mà còn luôn chở hàng đúng tải. Hi hữu lắm mới có trường hợp chở hơi cao 1 chút do lợi dụng đi đường gần, hoặc chở từ mỏ ra máng bên sông Đáy. Những trường hợp này, chúng tôi phải áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới xử lý được.
Ông Ngô Quang Tuyên (55 tuổi, trú xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, lái xe 90C-000.51) cho biết: Mỗi ngày 2 lần, tôi lại đánh xe lên đây mua đá mạt. Quãng đường từ mỏ ở xã Thanh Nghị về Xuân Khê dài khoảng 65 km, nhưng có hôm có tới 3 chốt kiểm tra. Tính ra có trốn cũng chẳng được nên xe tôi luôn chở đúng tải và giữ thùng nguyên bản.
So với thời điểm trước chiến dịch, ông Tuyên cho biết: Mỗi chuyến trừ đi tất cả tôi vẫn được cầm về 200.000 đồng. So với trước, tiền thu về ít hơn nhưng cũng đỡ lo tai nạn, đỡ phải sửa chữa xe. Tính chung lại là khỏe. Tôi mong nhà nước và các lực lượng cứ làm nghiêm, làm mạnh như thế này mãi.
Ngoài kiểm tra tải trọng với các xe có dấu hiệu, lực lượng CSGT thường xuyên đo kiểm tra kích thước thành thùng hàng. (Ảnh: Đội tuần tra số 2 kiểm tra trên tuyến tránh TP Phủ Lý)
Tương tự, khi tổ tổ công tác thuộc Đội tuần tra số 2 của Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam dừng kiểm tra xe trên tuyến tránh TP Phủ Lý, lái xe Trương Văn Quyết (29 tuổi, trú TT Kiện Khê) cũng vui vẻ cho biết: "Suốt 10 năm làm lái xe chưa bao giờ em thấy thoải mái như giờ. Trước có thời gian em lái xe cơi thùng lớn, chạy đường nội đồng cứ phải trốn trốn nấp nấp, lại còn lo nổ lốp, lật xe. Giờ lốp đi được gần 1 năm rồi mà thấy vẫn như không.
Thiếu tá Trần Văn Thạo cho biết: Xe ở các địa phương giờ chấp hành rất tốt. Lác đác còn 1 số trường hợp vi phạm nhưng mức quá tải không đáng kể chỉ trên 10% một chút.
2 tuyến đường kể trên là 2 tuyến huyết mạch đối với dòng xe tải. Bởi đây là 2 tuyến đường chính dẫn vào các khu mỏ, nhà máy mi măng, xưởng chế xuất của huyện Thanh Liêm và huyện Kim Bảng. Trước đây, PV Báo Giao thông đã rất nhiều lần phản ánh về tình trạng xe cơi nới thành thùng có dấu hiệu chở quá tải ở khu vực này. Sau khi phản ánh, tình hình chỉ tạm lắng được 1 thời gian rồi đâu lại vào đấy. Thế nhưng, đợt này rất khác. Đi khắp các tuyến đường, từ liên xã tới đường huyện, đường tỉnh, PV tuyệt nhiên không bắt gặp bất cứ trường hợp nào cơi nới thành thùng hay chở hàng có ngọn.
Chỉ tay vào tấm biển “Nơi cưỡng chế cắt thùng xe” được chôn cố định tại khu đất gần chốt kiểm soát, Thiếu tá Thạo kể: Mấy ngày đầu anh em còn tuyên truyền vận động người dân, chủ doanh nghiệp ký cam kết, tự đưa xe đi cắt. Sau xe nào cố tình không thực hiện thì anh em lập biên bản cho vào bãi cưỡng chế cắt tại chỗ. Một số thành phần còn cất xe tạm lánh, nghe ngóng... sau thấy anh em làm ngày làm đêm, làm triệt để. Rồi cả nước cùng làm nên rồi tất cả mọi người cùng chấp hành.
Cao điểm không có điểm dừng
Ông Dương Văn Hội - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nam cho biết: Đối với công tác quản lý vận tải và kiểm soát tải trọng xe, tỉnh Hà Nam là một trong những tỉnh vào cuộc sớm và khá quyết liệt. Tuy nhiên với đặc thù là tỉnh cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, tỉnh có nhiều mỏ khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng nên có khi chỉ làm được một thời gian là vi phạm lại tái diễn.
Tấm biển "Nơi cưỡng chế cắt thành thùng xe" thể hiện sự quyết liệt của lực lượng chức năng Hà Nam đối với các lái xe, chủ phương tiện cố tình không chấp hành.
Đối với lực lượng TTGT, từ sau khi kế hoạch liên ngành 12593 kết thúc, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động của Trạm KTTT trong giờ hành chính và bố trí một tổ sử dụng cân sách tay lưu động kiểm tra tại khu vực đầu nguồn hàng. Tuy lực lượng mỏng, chỉ có 5 cán bộ chuyên làm công tác trật tự vận tải nhưng mỗi năm vẫn xử lý vi phạm hành chính mức phạt từ 1,6 - 1,7 tỷ đồng.
Cùng với TTGT và CSGT, các Trung tâm Đăng kiểm ở Hà Nam cũng tham gia rất tích cực. Dù là trung tâm tư nhân hay nhà nước, tất cả cùng đồng loạt “nói không với xe vi phạm kích thước thành thùng”.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 90-02D (thuộc Công ty XD Mỹ Đà) kể: Trong thời kỳ cao điểm của cuộc chiến chống xe cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải, Trung tâm gặp rất nhiều sức ép từ phía các chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải. Có doanh nghiệp vận tải có lượng xe lớn nhất nhì tỉnh, lại là khách hàng thân thiết của trung tâm, họ tới đặt vấn đề với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư gọi tôi lên hỏi “Có làm được không?”. Tôi trả lời dứt khoát: “Không được! Vì có giúp 1 xe hay 100 xe cũng là sai”. Sau đó một thời gian khách hàng cũng thông cảm và ngày càng gắn bó với trung tâm hơn.
Đánh giá về kết quả của chiến dịch chống xe quá tải ở Hà Nam lần này, ông Nguyễn Quang Tuyển - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Điểm mạnh của Hà Nam là sau khi kế hoạch phối hợp liên bộ 12593 kết thúc, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32/CT- TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì và tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Kế hoạch xác định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, trong đó lực lượng CSGT tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm quá tải trên các tuyến giao thông đường bộ, lực lượng TTGT tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm quá tải trọng tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến, bãi, nơi tập kết hàng hóa; từng lực lượng thực hiện độc lập theo đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đã được pháp luật quy định và chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe trên tuyến, địa bàn phụ trách theo đúng yêu cầu.
Công an tỉnh phân công ứng trực 5 tổ tuần tra kết hợp với Công an cấp huyện khép kín địa bàn; lực lượng TTGT tổ chức kiểm tra tại nơi phương tiện xuất phát, đầu nguồn hàng theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất sử dụng trạm cân lưu động, cân xách tay. Vừa qua, các lực lượng tiếp tục vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nên đến nay các vi phạm về kích thước thành thùng và tải trọng xe cơ bản đã được kiểm soát.
Để duy trì kết quả đạt được, ông Nguyễn Quang Tuyển đề nghị, thời gian tới, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quá tải trọng, tự ý cơi nới thành thùng xe; phải khẳng định và cho nhân dân thấy rõ, chúng ta không chỉ làm nghiêm trong các đợt cao điểm mà làm thường xuyên, liên tục để kéo giảm TNGT, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội mùa Xuân sắp tới, càng phải quyết liệt hơn, trên tinh thần “không có vùng cấm” và tập trung kiểm tra, xử lý ở những nơi còn tiềm ẩn, nơi có nguy cơ tái diễn như khu vực 2 huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và trên tuyến đê sông Hồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận