Ngày 20/3, lãnh đạo 3 Cục Đường thủy nội địa VN, Cảnh sát giao thông và Đăng kiểm VN cùng chủ trì hội nghị bàn kế hoạch, phương án phối hợp lực lượng liên ngành tổ chức cao điểm lập lại trật tự ATGT đường thủy trên hồ thủy điện Hòa Bình từ Km0-Km30 và Km 33-Km58 hạ lưu sông Đà thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đợt phối hợp này nằm trong kế hoạch liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy năm 2019. Liên ngành thống nhất ưu tiên chọn địa bàn trên bởi vài năm gần đây, dù liên ngành cấp địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng “điểm nóng” trên vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng tàu chở khách du lịch lễ hội đền Thác Bờ không có đăng ký, đăng kiểm.
“Dự kiến từ cuối tháng 3/2019 đến tháng 5/2019, lực lượng của 3 Cục sẽ phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương bắt đầu triển khai cao điểm tuyên truyền, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải khách du lịch trên hồ thủy điện Hòa Bình. Mục tiêu là kéo giảm số lượng tàu du lịch không đăng ký, đăng kiểm; đồng thời đánh giá đúng nguyên nhân để tham mưu cấp có thẩm quyền, địa phương các giải pháp phù hợp để xóa “điểm nóng” về vi phạm ATGT đường thủy trên”, ông Giang nói.
Hồ thủy điện Hòa Bình được ví như "Hạ Long trên cạn", nhưng theo Sở GTVT và Công an tỉnh Hòa Bình, trong số khoảng 290 tàu chở khách du lịch trên hồ Hòa Bình hiện có, có tới 145 tàu đã quá hạn đăng kiểm định kỳ và 57 tàu không có đăng ký, đăng kiểm, chiếm hơn 60% tổng số tàu.
Ông Lê Ngọc Quản, Phó giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, vận tải khách trên đường thủy tại địa phương chủ yếu diễn ra tại hồ Hòa Bình, với sản lượng năm vận chuyển hơn 400.000 khách du lịch. Trong 2 tháng lễ hội đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 160 trường hợp phương tiện, cảng bến vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là phương tiện chở khách không có đăng ký, đăng kiểm.
“Lượng phương tiện chở khách du lịch trên hồ Hòa Bình thời gian qua gia tăng nhanh chóng, trong khi công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do người dân mua phương tiện trôi nổi, tự ý hoán cải từ tàu chở hàng sang chở khách nên không đáp ứng được các điều kiện để cấp chứng nhận đăng kiểm", ông Quản cho biết.
Cũng theo ông Quản, dù các ngành chức năng nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng một bộ phận chủ phương tiện lấy lý do điều kiện kinh tế khó khăn, không chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, vi phạm quy định về vận chuyển khách du lịch trên đường thủy.
Được biết, năm 2019 Cục Đường thủy nội địa VN là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp liên Cục Đường thủy nội địa VN, Cảnh sát giao thông và Đăng kiểm VN về công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận