Nhân ngày lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT được tổ chức vào ngày 20/11 tới, Báo Giao thông trao đổi với Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng về các giải pháp trước mắt và lâu dài để kéo giảm thiệt hại do TNGT.
Ông Khuất Việt Hùng (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Duy Các (ở Đoan Hùng, Phú Thọ), có con trai và con dâu bị tử vong TNGT trong đợt tháng 9 vừa qua
Để giao thông mỗi ngày an toàn hơn
Ông có thể chia sẻ thêm về thông điệp xuyên suốt 11 năm qua của ngày lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT đó là “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”?
Thông điệp xuyên suốt 11 năm qua của ngày lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT đó là “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, không chỉ đơn thuần là tưởng nhớ người đã mất mà còn nhắc nhở chúng ta phải hành động để nỗi tiếc thương, niềm đau xót đó trở thành động lực làm cho giao thông mỗi ngày an toàn hơn. Chúng ta nhớ người đã mất vì người đang sống.
Tôi tin rằng, đây chính là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại bức tranh toàn cảnh về những mất mát to lớn, đau thương dai dẳng do TNGT để lại, từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân để phòng tránh TNGT; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác đảm bảo ATGT, góp phần kéo giảm số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT.
Đồng thời, kêu gọi sự giúp đỡ, sẻ chia từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT.
Sau 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, thời điểm này, đất nước đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Vậy hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT có gì khác biệt, thưa ông?
Những năm trước chủ đề ngày lễ tưởng niệm thường gắn với chủ đề năm ATGT quốc gia, tuy nhiên, năm nay có sự kết hợp giữa chủ đề Ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT năm 2022 của Liên hợp quốc “Thượng tôn pháp luật, xây dựng giao thông an toàn gắn với phòng, chống dịch Covid-19” và chủ đề năm ATGT của Việt Nam “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, để tạo nên chủ đề: “Thực thi quy định pháp luật về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Trước dịch Covid-19, trong số các hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT, Ủy ban ATGT Quốc gia còn phối hợp với Giáo hội phật giáo VN tổ chức lễ cầu siêu, tuy nhiên 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch, hạn chế các hoạt động đông người, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị Trung ương Hội phật giáo VN tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân TNGT trong nghi lễ cầu siêu của các cơ sở tôn giáo.
Sang năm, khi điều kiện phòng, chống dịch tốt hơn, hoạt động này sẽ được tổ chức trở lại.
TNGT gây thiệt hại 400 tỷ đồng mỗi ngày
Những hậu quả do TNGT gây ra để lại hậu quả nặng nề và tác động thế nào đối với phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do TNGT.
Tại Việt Nam trong những năm qua, TNGT được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn quốc vẫn xảy ra 9.212 vụ TNGT, 5.221 người bị cướp đi mạng sống cùng với 6.140 người bị thương tật.
Điều đó ảnh hưởng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế và làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn, thân thiện trong mắt bạn bè, đối tác. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam, TNGT gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày chúng ta mất khoảng 400 tỷ đồng.
Trong một năm, tăng trưởng kinh tế được khoảng 7% thì TNGT lấy đi gần 3%. TNGT gây thiệt hại trực tiếp đến phương tiện và tài sản có thể đong đếm được nhưng thiệt hại về sức khỏe và sinh mạng thì không thể nào định lượng được.
Hơn nữa, TNGT cướp đi cha, mẹ của những đứa con thơ, cướp đi nơi nương tựa lúc tuổi già của các bậc trưởng lão. Tương lai của những em bé bị mất cha mẹ do TNGT sẽ trở nên bất định.
Đối với một doanh nghiệp, nếu TNGT làm 1 người công nhân bị thương hay thiệt mạng thì chắc chắn dây chuyền sản xuất sẽ bị gián đoạn; một sinh viên không may qua đời do tai nạn có thể khiến cho tương lai của một gia đình, dòng họ bị chôn vùi.
TNGT không phải là thiên tai, dịch bệnh; là thiệt hại có thể dự báo và phòng tránh được, nên nếu chết vì TNGT là điều rất đáng tiếc, không ai có thể chấp nhận được. Về khía cạnh tâm linh, có vị đại lão hòa thượng nói với tôi rằng, chết do TNGT là cái chết bất đắc kỳ tử, linh hồn của những nạn nhân TNGT không có sự chuẩn bị cho cái chết, cho nên rất khó được siêu thoát vì họ vẫn tin mình đang sống, không thể chấp nhận phải rời xa người thân, gia đình, bỏ lại những hoài bão, dự định, khát vọng sống.
Tất cả những thiệt hại đó cho chính bản thân nạn nhân và xã hội. Đây là thực trạng đòi hỏi chúng ta vừa cần có giải pháp mạnh vừa phải kiên trì, quyết liệt để kéo giảm TNGT.
Khát vọng không còn thương vong do TNGT
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi gia đình có mẹ bị tử vong tại tỉnh Tuyên Quang
Để giảm thiệt hại về TNGT, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
Chủ đề ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT năm 2022 của Liên hợp quốc là “Thượng tôn pháp luật, xây dựng giao thông an toàn gắn với phòng, chống dịch Covid-19”. Thượng tôn pháp luật chính là xây dựng văn hóa giao thông, các quy định pháp luật chính là giá trị chuẩn mực mà xã hội cần theo đuổi, cần bảo vệ.
Tôi cho rằng, mỗi người cần phải tin vào quy định pháp luật thì mới thực hiện theo và khi thực hiện các quy định giao thông, họ sẽ là người có văn hóa giao thông.
Đây cũng chính là lý do vì sao Việt Nam lựa chọn chủ đề cho ngày lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT năm 2022 là “Thực thi pháp luật về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Đi kèm xuyên suốt là thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, nhớ về những người đã mất để nhắc nhở những người còn sống phòng tránh để cứu bản thân và những người khác, không để TNGT xảy ra.
Bên cạnh đó, thúc đẩy tuyên truyền, vận động thay đổi thói quen, kiến thức, kỹ năng để làm sao tuân thủ luật lệ, tham gia giao thông an toàn ngày càng trở thành thói quen, thành phản xạ của đông đảo mọi người.
Nhiều nước trên thế giới đang hướng tới tầm nhìn không thương vong do TNGT, liệu Việt Nam có theo đuổi tầm nhìn này?
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên đặt mục tiêu tầm nhìn không thương vong do TNGT đường bộ vào năm 1998 và sau đó rất nhiều quốc gia khác đã xây dựng chiến lược về tầm nhìn không thương vong.
Tôi cho rằng, đây là khát vọng hết sức chính đáng và nhân văn mà mọi người, mọi cộng đồng, mọi quốc gia, dân tộc cùng hướng đến.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cũng đưa vào khát vọng về tầm nhìn không thương vong, mong rằng đến năm 2045, Việt Nam sẽ không còn thương vong do TNGT nữa.
Để thực hiện tầm nhìn này có rất nhiều việc cần làm, trong đó có các hoạt động tuyên truyền vận động, hoạt động ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT cũng là một trong những hoạt động truyền thông.
Trân trọng cảm ơn ông!
Từ năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 đến nay được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước.
Năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại Việt Nam năm 2022 với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” và chủ đề “Thực thi quy định pháp luật về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Trọng tâm là chương trình truyền hình trực tiếp “Người bạn đường” gắn với Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2022 vào lúc 20h30 ngày 19/11 với sự phối hợp với Đài Truyền hình VN và sự đồng hành của Công ty ô tô Toyota VN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận