TS Khuất Việt Hùng. Ảnh: Thành Vũ
Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Một trong những nội dung đáng chú ý là Chiến lược đưa ra định hướng đến năm 2045 không còn thương vong vì TNGT ở Việt Nam.
Liệu mục tiêu này có thực hiện được trong điều kiện giao thông Việt Nam? Báo Giao thông trao đổi với TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia xung quanh vấn đề này.
Khát vọng nhân văn, chính đáng
Thưa ông, vì sao lại xác định tầm nhìn "không còn thương vong", một mục tiêu không hề đơn giản, bởi từ nay đến năm 2045 cũng không còn quá quá dài?
Mọi người thường dùng từ “tầm nhìn” nhưng theo tôi nếu để hiểu cho đúng thì phải gọi là khát vọng.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ do Ủy ban ATGT Quốc gia thống nhất chỉ đạo. Ủy ban ATGT Quốc gia đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược và sẽ ban hành trong thời gian tới.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng
Không có người chết vì TNGT là khát vọng của của mọi cá nhân, của mọi dân tộc trên thế giới. Chắc chắn không ai lại mong muốn có người chết vì TNGT.
Đây là khát vọng hết sức chính đáng và nhân văn mà mọi người cùng hướng đến. Nếu tất cả chúng ta, từ người xây dựng, thực thi pháp luật, người xây dựng cầu, đường, lái xe khách, xe tải, người đi xe máy, xe đạp hay đi bộ… đều hướng đến và luôn tâm niệm về khát vọng này, chắc chắn tai nạn sẽ giảm.
Thế rồi, người thiết kế xe, thiết kế đường, thiết kế những trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn… cũng làm công việc của mình với khát vọng đó, khi không may xảy ra tai nạn sẽ giảm thiểu thiệt hại đến sức khoẻ của người tham gia giao thông và người liên quan.
Những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng làm việc với tâm thế nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất để giảm thiểu tổn hại sức khoẻ, giữ lại sinh mạng cho nạn nhân, làm sao không có người chết vì TNGT và cố gắng phục hồi sức khỏe nhanh nhất cho những người không may bị thương.
Điều này giải thích tại sao Chiến lược đề cập các giải pháp triển khai đồng bộ, hệ thống cả 5 trụ cột trong đảm bảo ATGT là quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và ứng phó sau tai nạn.
Xây dựng pháp luật, xây dựng con đường, sản xuất phương tiện, người tham gia giao thông phải hướng đến khát vọng này. 5 trụ cột này gắn kết với nhau và không thể tách rời.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trong điều kiện giao thông của Việt Nam hiện nay, việc đặt ra mục tiêu không xảy ra thương vong vì TNGT có phần không thực tế?
Tôi không cho là như vậy. Bạn hãy cho tôi biết một người tử tế liệu có tồn tại ở trên đời? Khi đó lại phải hỏi thế nào là người tử tế? Thế nhưng tại sao ai cũng mong mình và những người quanh mình là người tử tế?
Nếu con người không hướng đến sự hoàn mỹ về đạo đức và thể chất thì có còn động lực cho giáo dục, thể thao, y học hay các hoạt động nghiên cứu phục vụ cho sự hoàn thiện của con người hay không?
Tôi khẳng định, khát vọng không còn người thương vong do TNGT là khát vọng chân chính.
Giống như vấn đề xoá đói, giảm nghèo, ai cũng muốn đất nước không còn người nghèo, không ai còn đói, rét. Phải có ước mơ mới có giải pháp và mới có những hành động cụ thể để xóa đói, giảm nghèo.
Rồi phòng chống tham nhũng, tội phạm. Ai cũng mong muốn không còn tham nhũng, tội phạm. Chắc chắn không ai đặt câu hỏi theo kiểu “trong hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam…” cho những mong muốn, khát vọng đó.
Khi chúng ta có khát vọng thì mới có động lực để suy nghĩ, để hành động hiện thực hoá nó. Chúng ta không thể nói có điều kiện này, điều kiện kia mới thực hiện.
Tại sao chúng ta phải xây dựng hệ thống quản lý hoàn hảo, hạ tầng thân thiện, phương tiện, con người an toàn hay hệ thống cứu hộ, cứu nạn hiệu quả?
Khát vọng không có người thương vong do TNGT là khát vọng chính đáng và chỉ có khát vọng này mới thúc đẩy quá trình xây dựng, thực thi quy định pháp luật; thúc đẩy quá trình hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế để có hạ tầng an toàn, thân thiện và tiêu chuẩn phương tiện, có thể xảy ra va chạm nhưng con người được bảo vệ ngày càng an toàn hơn.
Bên cạnh đó là thúc đẩy tuyên truyền, vận động thay đổi thói quen, kiến thức, kỹ năng để làm sao tuân thủ luật lệ, tham gia giao thông an toàn ngày càng trở thành thói quen, thành phản xạ của đông đảo mọi người.
Cuối cùng, trường hợp không may xảy ra tai nạn thì đã có hệ thống cứu hộ, cứu nạn hiện đại, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, đảm bảo không có va chạm, ùn tắc để nhân viên y tế với chuyên môn giỏi kịp đến cứu chữa người bị nạn.
Không phi thực tế
Một hốc cứu nạn được Tổng cục Đường bộ VN xây dựng trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Đắk Glei, Kon Tum (Trong ảnh: Chiếc xe tải mất phanh, tài xế đã cho xe chạy vào hốc cứu nạn và không xảy ra thương vong, chụp ngày 9/5/2020)
Như ông nói thì ai cũng có khát vọng, ước mơ, song phải làm gì, làm thế nào để khát vọng, ước mơ đó thành hiện thực mới là điều quan trọng?
Nếu con người không có khát vọng, không có ước mơ bay lên không trung thì làm gì có máy bay, có tàu bay lên vũ trụ? Cho nên khát vọng không có người thương vong do TNGT là đúng quy luật phát triển của loài người.
Mục tiêu này không có gì là phi thực tế và mỗi quốc gia, dân tộc đều hướng đến khát vọng này.
Năm 2045 sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam. Tại sao chúng ta không có quyền ước mong đến ngày đó sẽ không còn thương vong do TNGT?
Còn 25 năm nữa, chúng ta có thời gian thay đổi, làm được nhiều điều, từ quy định pháp luật đến thiết kế bộ máy làm công tác đảm bảo ATGT; từ lực lượng chức năng đến công tác chỉ đạo phối hợp; thiết kế lại hệ thống quy định pháp làm cơ sở pháp lý ứng dụng công nghệ hiện đại vào đời sống trong đảm bảo trật tự ATGT.
Thậm chí còn phải thay đổi lại quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để làm sao hệ thống pháp luật có thể phản ứng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả đối với những biến chuyển của khoa học công nghệ trong đời sống xã hội.
Đặc biệt là vấn đề liên quan đến đời sống, sức khỏe, sinh mạng của hàng triệu người.
Đối với hạ tầng, tại sao chúng ta đã nghĩ ra hốc cứu nạn, hộ lan bánh xoay? Đơn giản là vì nếu không may xảy ra tai nạn thì sẽ hạn chế được thương vong.
Hay phân tách làn riêng giữa phương tiện ô tô và mô tô, các phương tiện phi cơ giới riêng.
Thiết kế ra con đường để người lái xe tự có cảm giác đi chậm lại mà không cảm thấy bị ức chế. Đó là hạ tầng thân thiện cho người tham gia giao thông.
Cùng đó nghiên cứu dây an toàn, mũ bảo hiểm để nếu không may xảy ra tai nạn sẽ giảm thiểu thương vong. Rồi nghiên cứu phương tiện ngày càng thông minh có thể tự phanh, tự ổn định để trong trường hợp lái xe có sơ sảy, mất tập trung có thể xảy ra xung đột thì xe có thể tự phanh, tự điều chỉnh an toàn.
Đối với con người, phải làm sao để luôn tâm niệm rằng, việc tham gia giao thông đúng quy định, có văn hóa là mong muốn và niềm hạnh phúc của họ.
Càng nhiều người có động cơ này thì giao thông càng an toàn. Bên cạnh đó, có kỹ năng lái xe hay thậm chí đi bộ ngày càng tốt hơn, không chỉ tuân thủ các quy định mà còn có thể ứng phó với các tình huống xảy ra.
Có khát vọng thì chúng ta mới nỗ lực tập huấn, đào tạo cho tất cả lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông đến người làm y tế cơ sở, người lái xe, đến lực lượng tình nguyện, để họ đều có kỹ năng sơ cứu.
Tiếp đó là nỗ lực để đảm bảo trong vòng 30 phút lực lượng cứu thương chuyên nghiệp tiếp cận được hiện trường, thậm chí nhanh hơn thời gian đó.
Một số nước họ chỉ đặt ra mục tiêu là 8 phút cho một số khu vực, nếu không có khát vọng thì làm sao họ đặt ra mục tiêu này? Để được 8 phút thì từ hạ tầng, phương tiện, con người, đến tổ chức giao thông phải chặt chẽ, hiện đại và cực kỳ hiệu quả.
Đây là khát vọng hết sức rõ ràng và những người làm công tác ATGT phải luôn tâm niệm điều đó. Nếu không sẽ không còn động lực, không còn nhiệt huyết.
Theo Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu được xác định là hàng năm giảm bền vững 5 - 10% số người chết và bị thương do TNGT.
Giai đoạn 2021 - 2030: Tập trung xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; 100% các tuyến đường xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, đang khai thác được thẩm tra, thẩm định ATGT. Bên cạnh đó, 100% các tuyến quốc lộ, đường tỉnh (từ cấp III trở lên) xây dựng mới và 75% chiều dài mạng lưới quốc lộ đang khai thác đạt mức độ ATGT từ 3 sao trở lên theo tiêu chuẩn của chương trình đánh giá ATGT đường bộ toàn cầu.
Giai đoạn 2031 - 2045: Hàng năm kéo giảm TNGT đường bộ cả ba tiêu chí về số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương, hướng đến mục tiêu sẽ không có người chết do TNGT đường bộ.
Chắc chắn để thực hiện được mục tiêu đó sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, đâu là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng đến năm 2045, sẽ không còn người thương vong do TNGT ở Việt Nam?
Chúng ta đừng quên Việt Nam đã chiến thắng trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Nếu lúc đi kháng chiến mà các bậc tiền bối cũng ngồi đo đếm, tính xem mình có bao nhiêu quân, bao nhiêu vũ khí đạn dược rồi so sánh với Pháp, với Mỹ thì chắc khó có thể có niềm tin vào thắng lợi cuối cùng và không bao giờ Tổ quốc thống nhất, có được tự do, độc lập.
Công tác đảm bảo ATGT cũng tương tự, vì đây là cuộc chiến thực sự, cuộc chiến giữ gìn sinh mạng cho nhân dân. Khi có khát vọng, trong thiết kế xây dựng, nâng cấp con đường, tổ chức giao thông, nhập khẩu, sản xuất phương tiện sẽ an toàn hơn.
Hay đầu tư nâng cấp bệnh viện đến cấp xã, huyện, đào tạo bác sỹ có đủ năng lực để cứu thương; lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm ngày càng tinh túy, thực sự là hiệu quả, thực sự liêm chính.
Có nhiều điều không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Có nghĩa là không cứ phải có kinh tế như các quốc gia phát triển mới làm được. Tại sao Việt Nam thành công chống Covid-19 mà Mỹ và một số nước châu Âu, thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản hiện còn đang rất khó khăn?
Tại sao từ “cả hệ thống chính trị vào cuộc” ở Việt Nam trong đảm bảo ATGT nói riêng và các vấn đề khác hay và ý nghĩa như vậy?
Bởi vì có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng một mục tiêu, cùng một động lực, hướng đến một khát vọng.
Số tiền, thu nhập của người dân, số km đường hay số bệnh viện, số giường bệnh, số bác sỹ... có được là rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố động lực. Người Việt Nam có thể làm được những kỳ tích thì sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến chống lại TNGT.
Biết rằng phải kiên trì, sẽ có những lúc gặp khó khăn, thách thức.
Nhưng nếu chúng ta nhận thức được, có sự chuẩn bị về tinh thần và quyết tâm và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng không có thương vong do TNGT thì ngày đó sẽ sớm thành hiện thực.
Cảm ơn ông!
Nhiều nước thực hiện Tầm nhìn không thương vong (Vision Zero)
Khởi nguồn từ Thụy Điển vào năm 1995 và được Quốc hội Thụy Điển chính thức phê chuẩn vào năm 1997, Tầm nhìn không thương vong (Vision Zero) là quan điểm cho rằng tai nạn giao thông là vấn đề hoàn toàn có thể phòng tránh, không ai đáng bị thiệt mạng do tai nạn giao thông và cần làm mọi giải pháp để đạt được tầm nhìn đó.
Ngoài việc yêu cầu người tham gia giao thông phải chấp hành các quy định và không mắc lỗi thì Tầm nhìn không thương vong (Vision Zero) và Tiếp cận an toàn hệ thống (Safe System Approach) nâng cao tiêu chuẩn và khả năng phản ứng, xử lý của hệ thống (quản lý, hạ tầng, phương tiện, con người và ứng phó sau tai nạn) với những trường hợp người tham gia giao thông có những sai sót nhằm giảm thiểu thương tích và những thiệt hại về sức khoẻ của nạn nhân.
Từ năm 1997, Tầm nhìn không thương vong (Vision Zero) ngày càng được nhiều quốc gia chính thức lựa chọn áp dụng. Ngoài Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Canada, Ấn Độ…, nhiều quốc gia trong Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... áp dụng mặc dù tên gọi có thể khác nhau.
Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu về ATGT Đường bộ lần thứ 3 tại Thụy Điển năm 2020 đã ra tuyên bố cam kết toàn cầu về thực hiện Tầm nhìn không thương vong (Vision Zero) và Tiếp cận hệ thống trong quá trình thực hiện giải pháp an toàn bền vững và dài hạn.
Hội nghị có đại diện hơn 140 nước với khoảng 1700 đại biểu, trong đó có 80 Bộ trưởng tham dự. Tất cả các quốc gia khu vực ASEAN đều cử đoàn tham gia, đông nhất là đoàn Thái Lan có 40 đại biểu. Việt Nam cử 3 đại biểu gồm lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia làm trưởng đoàn cùng các lãnh đạo Vụ ATGT (Bộ GTVT) và lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tham gia Hội nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận