Ngày 27/1, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, chủ tịch UBND tỉnh này vừa có công văn chỉ đạo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và các sở, ngành có liên quan cùng UBND huyện Ngọc Hiển và huyện Trần Văn Thời về phương án thí điểm giải tỏa các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, rạch.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thống nhất phương án số 360 ngày 4/12/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thí điểm giải tỏa hàng đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi.
Nguồn kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách Nhà nước theo quy định; nguồn vốn đối ứng của người dân và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng lưu ý, trong quá trình triển khai đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng trình tự, quy định, không để xảy ra yêu cầu, khiếu nại phức tạp, dẫn đến phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo số liệu điều tra, thống kê của huyện Trần Văn Thời và huyện Ngọc Hiển, tính đến ngày 26/9/2023, tổng số hộ tham gia hoạt động nghề đáy và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, rạch tại tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc và tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi là 143 hộ/471 lao động chính.
Trong đó, số hộ tham gia hoạt động nghề đáy là 129 hộ/436 lao động chính, số hộ tham gia hoạt động khai thác thủy sản khác là 14 hộ/35 lao động chính.
Theo phương án số 360 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 sẽ giải tỏa nghề đáy trên tuyến sông Tắc Thủ - Sông Đốc với số lượng 82 hộ; trên các tuyến sông thuộc địa bàn xã Đất Mũi sẽ giải tỏa 47 hộ.
Căn cứ vào nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách Nhà nước, sẽ thực hiện công tác chuyển đổi nghề, bố trí tái định cư phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, trong năm 2023, qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đường thủy nội địa phát nhiều trường hợp cây cọc, hàng đáy và miệng đáy, đống chà (dụng cụ dùng để bắt cá trên sông) gây cản trở giao thông đường thủy nội địa.
Do đó, Thường trực Ban ATGT tỉnh đã đề nghị chính quyền các địa phương có văn bản chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, phường để xảy ra vi phạm kịp thời chấn chỉnh.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các vật chướng ngại trên đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng khai thác thủy sản tạo vật chướng ngại, gây mất ATGT.
"Trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm tra. Nếu các địa phương nào nêu trên còn để tình trạng khai thác thủy sản tạo vật chướng ngại trên đường thủy nội địa, Thường trực Ban ATGT tỉnh sẽ báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Theo thông tin từ Ban ATGT tỉnh Cà Mau, trong năm 2023, qua kiểm tra trên các tuyến đường thủy nội địa, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cây cọc, hàng đáy và miệng đáy, đống chà (dụng cụ dùng để bắt cá trên sông)... gây cản trở giao thông.
Trên tuyến sông Gành Hào thuộc địa bàn xã Lý Văn Lâm, đoàn kiểm tra phát hiện 11 hàng đáy với 11 miệng đáy, 225 cây cọc các loại. Còn đoạn sông thuộc xã Hòa Thành có 7 hàng đáy với 8 miệng đáy, 136 cây cọc cặm các loại, hai đống chà.
Trên tuyến kênh Bạc Liêu - Cà Mau, đoạn qua xã Định Bình, có hai hàng đáy với hai miệng đáy, hai vó cất lưu động; đoạn qua xã Tắc Vân tồn tại 6 hàng đáy với 6 miệng đáy.
Còn trên tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, lực lượng chức năng phát hiện đoạn thuộc xã An Xuyên tồn tại 175 cây cọc các loại, 58 đống chà; đoạn qua xã Tân Thành tồn tại 115 đống chà. Ngoài ra, trên tuyến sông Gành Hào đoạn qua phường 7 tồn tại 45 cây cọc các loại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận