Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong tháng 1/2020, có 40 địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Các địa phương khác sử dụng cân xách tay tiếp tục kiểm soát tải trọng xe. Lực lượng chức năng cũng sử dụng cân xách tay kiểm tra trên 10 nghìn xe, trong đó có 995 xe vi phạm, tước gần 300 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, do lực lượng Thanh tra giao thông các sở GTVT chỉ kiểm soát xe quá tải trên các tuyến quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, các lực lượng khác buông lỏng nên tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại trên một số tuyến quốc lộ và đường địa phương, nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, nhà máy, khu công nghiệp, cảng mỏ, bến thủy nội địa. Bên cạnh đó, tình trạng cơi nới kích thước thành thùng để chở quá tải, lưu thông công khai trên nhiều tuyến đường, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông cũng diễn ra phổ biến.
"Các xe tải, xe ben có kích thước thành thùng vượt quá quy định, chở quá tải lưu thông trên QL1 (tỉnh Lạng Sơn); tình trạng xe container, xe tải nặng cơi nới thành thùng, chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên đường gom của đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đê tả Đáy (Hà Nội); xe tải chở đất, đá quá tải lưu thông trên Q.37, QL18 (các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; xe tải nặng chở keo, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên QL1 (Quảng Trị)...", Tổng cục Đường bộ VN thông tin.
Để kiểm soát tốt xe quá tải trong tháng 2, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng công an, thanh tra giao thông thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32 về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
"UBND các tỉnh, thành phố có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên cần chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải", Tổng cục Đường bộ VN đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận