Kỳ 1: Bước ngoặt cuộc đời sau TNGT: Nỗi ân hận muộn màng
Kỳ 2: Bước ngoặt cuộc đời sau TNGT: Chồng chất nợ nần, gia đình ly tán
Kỳ 3: Bước ngoặt sau TNGT: Nỗ lực làm lại cuộc đời sau biến cố
Những cái chết thương tâm do tai nạn giao thông hoàn toàn có thể được ngăn ngừa nếu mỗi người tham gia giao thông đều thượng tôn pháp luật. Báo Giao thông ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý xung quanh vấn đề này.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:
Chú trọng hậu kiểm sau cấp phép
Hiện chúng ta đã xây dựng được bộ quy định quản lý doanh nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe. Chỉ cần thực hiện đúng, đủ đã là rất tốt.
Để doanh nghiệp vận tải, lái xe chấp hành đúng, đủ quy định, công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện nghiêm.
Bên cạnh việc rà soát, kiểm tra hồ sơ của các doanh nghiệp vận tải khi xem xét cấp phép kinh doanh vận tải (tiền kiểm), cơ quan quản lý cũng cần chú trọng công tác hậu kiểm.
Để được cấp giấy phép, cùng với hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp, phương tiện, lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải còn phải xây dựng quy trình đảm bảo ATGT nộp kèm theo.
Quy trình này đã bao gồm phương án tổ chức lao động, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; lắp đặt và tổ chức theo dõi thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát để kịp thời cảnh báo lái xe vi phạm…
Song đến nay, có bao nhiêu cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (cụ thể là sở GTVT) thực hiện công tác hậu kiểm, xem các đơn vị vận tải triển khai ra sao? Nếu không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng thì đã xử lý thế nào?
Bên cạnh xử lý các đơn vị vận tải vi phạm, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép, không thể để tình trạng cấp xong rồi để đấy, mặc các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm.
Cục Đường bộ VN cũng cần khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý hợp đồng vận tải của xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; nâng cấp phần mềm tiếp nhận dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên phương tiện theo hướng thông minh hơn, tích hợp tính năng cảnh báo nhằm nâng cao công tác đảm bảo TTATGT theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Có như vậy mới tạo được hiệu quả trong thực thi, tăng tính răn đe, nâng cao ý thức các doanh nghiệp, lái xe trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Cấp thiết xây dựng cơ sở dữ liệu người lái xe
Hiện nay, Bộ GTVT đã triển khai rộng rãi việc cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua cổng dịch vụ công quốc gia cấp độ 4. Việc liên thông cơ sở dữ liệu giấy khám sức khoẻ người lái xe giữa Bộ GTVT và Bộ Y tế đến nay đã thực hiện khá tốt, tạo thuận lợi cho người dân trong cấp đổi GPLX.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải trong quá trình tuyển dụng lái xe vẫn còn lúng túng khi tiếp nhận hồ sơ xin việc, khó xác định giấy khám sức khỏe của ứng viên có thực chất hay mua bán.
Để nâng cao chất lượng tài xế, cần liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe người lái xe theo hướng cho phép doanh nghiệp hoặc người cần khai thác sử dụng, từ đó giúp các doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn tài xế phù hợp với nhu cầu.
Kết quả khám sức khỏe định kỳ hàng năm của lái xe cũng là cơ sở để cơ quan quản lý thu hồi GPLX đối với những tài xế không đảm bảo sức khỏe, đặc biệt với tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích.
Bên cạnh dữ liệu về sức khoẻ người lái xe, Bộ Công an và Bộ GTVT cũng cần liên thông dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế kinh doanh vận tải trong quá trình hành nghề. Từ đó, làm cơ sở xem xét, cân nhắc trong quá trình cấp đổi GPLX hay tuyển dụng tại các doanh nghiệp.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia:
Cần lên án những tài xế cố tình vi phạm gây TNGT
Chúng ta cần phê phán, lên án những tài xế cố tình vi phạm gây TNGT. Cùng đó, cũng nên có cái nhìn bao dung hơn bởi không ít vụ TNGT xảy ra do gặp tình huống bất ngờ khiến lái xe không kịp xử lý.
Sau tai nạn, bản thân họ vướng phải vòng lao lý, dằn vặt; kinh tế gia đình kiệt quệ; cuộc sống người thân bị ảnh hưởng.
Việc nâng cao kỹ năng, phẩm chất đạo đức, hiểu biết về pháp luật trật tự ATGT, trách nhiệm của người lái xe vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Cùng đó, cần xây dựng hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ để cải thiện an toàn cho người lái xe.
Tại các nước trên thế giới, giao thông thông minh sử dụng Internet vạn vật (IoT) mang đến sự giao tiếp giữa những chiếc xe ô tô với nhau, giúp cải thiện các tính năng hỗ trợ lái xe, giữ an toàn cho người lái xe.
Người lái xe hoàn toàn có thể được cảnh báo và biết được tốc độ, chiều hướng của xe đi phía trước để có hướng xử lý phù hợp, tránh va chạm giao thông.
Hiện các tính năng hỗ trợ người lái xuất hiện nhiều trên các mẫu ô tô hiện đại, song việc kết nối chúng lại sẽ hữu ích hơn nhiều trong đảm bảo ATGT.
TS Nguyễn Minh Hiếu, chuyên gia giao thông:
Xem xét trách nhiệm doanh nghiệp trong bố trí lái xe
TNGT xảy ra trách nhiệm trước hết thuộc về người lái xe vì họ là người trực tiếp điều khiển phương tiện.
Tiếp đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp, cần phải kiểm tra xem các doanh nghiệp đã phân bổ công việc, bố trí lái xe hợp lý hay chưa, đặc biệt vào khung giờ "đen" từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau; công tác theo dõi, giám sát phương tiện, người lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe tại các doanh nghiệp đã được thực hiện nghiêm túc và chú trọng hay chưa.
Mỗi chuyến xe bên cạnh dữ liệu giám sát hành trình cần phải gắn với thông tin người lái xe thực hiện hành trình, từ đó có cơ sở thống kê thời gian làm việc của lái xe, cập nhật lên hệ thống quản lý chung.
Thông số này phải tương thích với thời gian các xe hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để xử lý tài xế hoặc doanh nghiệp khi để xảy ra tình trạng lái xe quá thời gian quy định, dẫn đến mệt mỏi và nguy cơ gây tai nạn.
Nhiều nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn
Đại diện Cục CSGT cho biết, qua phân tích các vụ TNGT, cơ quan chức năng nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của tài xế, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn yếu kém. Trong đó, vi phạm về tải trọng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT.
Ngoài ra, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường vẫn còn phổ biến. Tình trạng người lái xe trong cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy dù đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.
Để tiếp tục kéo giảm TNGT, thời gian tới, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như điều khiển phương tiện trong tình trạng đã sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện quá tải trọng…
CSGT cũng thường xuyên duy trì các chuyên đề, kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện và chuyên đề về kiểm soát tải trọng xe, trên tinh thần xử lý "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Đặc biệt, quá trình thực thi công vụ, CSGT kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Lam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận