Một số bạn đọc phản ánh với PV Báo Giao thông về việc bị lập biên bản vi phạm hành chính vì vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện đi trong khu đông dân cư. Tuy nhiên, từ vị trí đặt biển khu đông dân cư (R.420) đến nơi bị bắt lỗi vi phạm đã qua nhiều ngã ba, ngã tư giao nhau mà không hề có biển nhắc lại.
Chưa hết, đoạn đường mà họ đi qua có 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ trên mỗi chiều đường. Nhưng biển hiệu lệnh R.420 không được đặt trên giá long môn hay cột cần vươn mà chỉ được đặt bên lề đường bên phải theo chiều lưu thông.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, người dân yêu cầu các tổ CSGT làm nhiệm vụ trên đường phải cung cấp kế hoạch - chuyên đề mà đơn vị xây dựng, ban hành nhưng không được chấp thuận.
Qua trao đổi, Thiếu tá Diệp Xuân Quyền - Đội trưởng Đội Xử lý, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trung bình hàng năm, Phòng có nhận được khoảng 10 đơn khiếu nại của công dân về những thắc mắc nói trên. Từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng đã nhận được 7 đơn khiếu nại của công dân trên khắp cả nước về nội dung này.
“Tất cả các đơn khiếu nại của công dân đều được Phòng tiếp thu, sau đó kiểm tra, xác minh và trả lời đầy đủ, chi tiết. Điển hình như trường hợp ông N. V. H (SN 1977, trú ở Lê Chân, Hải Phòng) khiếu nại đến lần 2 vụ việc: Ngày 3/10/2019, ông bị tổ công tác của Phòng lập biên bản VPHC vì chạy quá tốc độ quy định từ 5 - 10km/h. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế ông không thấy biển báo được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn, mà chỉ thấy biển báo bên phải đường theo hướng đi, rất khó nhìn. Tuy nhiên, sau khi được phân tích đầy đủ, chi tiết các quy định của pháp luật thì ông H. đã hoàn toàn đồng tình và chấp nhận lỗi vi phạm”, Thiếu tá Quyền nói.
Về hiệu lực của biển số R.420 “Khu đông dân cư”, Thiếu tá Quyền cho biết: Công văn số 8484/BGTVT-KHCN ngày 31/7/2017 của Bộ GTVT “Về việc hướng dẫn một số nội dung trong quá trình triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT" đã hướng dẫn cụ thể: Biển R.420 “Bắt đầu khu đông dân cư” có hiệu lực từ vị trí đặt biển đối với tất cả các tuyến đường trong khu đông dân cư đến vị trí đặt biển báo số R.421 - “Hết khu đông dân cư”
Phần quy định kỹ thuật chung của nhóm biển hiệu lệnh trong QCVN 41:2016/BGTVT tại Khoản 38.3, Điều 38 có quy định: “Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lệnh”. Đây là quy định kỹ thuật chung, tổng quát phổ biến, còn có quy định chi tiết, cụ thể trong từng biển, vì vậy khi sử dụng từng biển bao gồm cả phần quy định kỹ thuật và phần chi tiết; chẳng hạn, đối với biển R.420 và các biển hạn chế khu vực (ZONE) thì hiệu lực mang tính khu vực.
Như vậy, hiệu lực của biển R.420 không bắt buộc phải đặt biển báo nhắc lại mà có hiệu lực trong cả khu vực đến khi gặp biển báo R.421.
Về quy định đặt biển trên giá long môn, cột cần vươn đối đường “rộng”, Thiếu tá Diệp Xuân Quyền cho biết: Công văn số 8484/BGTVT-KHCN cũng nói rất rõ: Trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ hai làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn, thì có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.
Xuất phát từ thực tiễn, đối với một số tuyến đường có thể lắp đặt biển báo trên giá long môn hoặc cột cần vươn hoặt đặt thêm biển bên tay trái theo chiều đi để người tham gia giao thông dễ dàng tiếp cận thông tin, tạo thuận lợi cho việc lưu thông. Việc lắp đặt này là không bắt buộc đối với tất cả những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ hai làn đường trở lên mà tùy thuộc vào nguồn lực kinh phí, mức độ cần thiết mà có thể lắp đặt thêm hoặc không (chẳng hạn, nếu đường vắng, mật độ giao thông thấp, nguồn kinh phí khó khăn thì không cần thiết).
Về yêu cầu các tổ CSGT làm nhiệm vụ trên đường phải cung cấp kế hoạch - chuyên đề mà đơn vị xây dựng, ban hành, Thiếu tá Quyền phân tích: Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an “Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” (TTATGT) đã quy định rất rõ.
Cụ thể, theo Điểm 1 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA về Nội dung công khai của CAND trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính gồm: a. Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; b. Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của Cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; c. Trang phục, số hiệu CAND và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định; d. Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện; đ. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; e. Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Điều 6 Nghị định này cũng đã quy định rất rõ các hình thức công khai của CAND. Cụ thể, căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai: 1. Đăng tải trên Công thông tin điện tử; trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; 2. Đăng Công báo; 3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; 4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; 5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng CAND theo quy định của pháp luật.
“Về hình thức công khai, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện biện pháp “Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an”. Mọi công dân đều có quyền đến trụ sở của Phòng để thực hiện giám sát việc công khai kế hoạch – chuyên đề của lực lượng”, Thiếu tá Quyền cho biết.
Cũng theo Thiếu tá Quyền: Mọi công dân khi tham gia giao thông cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Khi bị lực lượng CSGT dừng phương tiện thì phải chấp hành các hiệu lệnh của lực lượng chức năng và xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật. Người dân có quyền quay phim, ghi hình lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ nhưng phải đứng ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT, không được làm ảnh hưởng đến quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và an ninh, trật tự. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận