Xã hội

Bớt bị phạt oan khi có quy chuẩn biển báo mới

09/04/2020, 12:00

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ mới sắp có hiệu lực sẽ giúp người tham gia giao thông bớt bị phạt oan.

img
Quy chuẩn 41:2019 bỏ quy định bắt buộc mà tùy điều kiện lưu lượng xe, cơ quan quản lý quyết định có cần thiết phải gắn biển báo trên giá long môn hay không (Trong ảnh: Biển báo đặt trên giá long môn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Ảnh: Tạ Tôn

Người tham gia giao thông kêu bị phạt oan

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn OTO+ cho biết, theo điều 20 của Quy chuẩn 41 ban hành năm 2016, trên đường có 2 làn chạy trở lên trên cùng một chiều, biển phải được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn, có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy. “Tuy nhiên, tại nhiều vị trí biển báo không được lắp đúng quy định, nhiều tuyến đường có xe tải, xe khách lớn di chuyển, che khuất tầm nhìn nên không thể thấy biển báo. Nhiều tài xế bị xử phạt vi phạm tốc độ đã xảy ra cãi vã với CSGT khi cho rằng họ bị “bẫy” vì biển báo thấp, nhỏ, không đúng quy chuẩn”, ông Thắng nói.

Là người bị xử phạt lỗi vượt phải khi chở khách lưu thông trên QL10 về Thái Bình mới đây, anh Nguyễn Văn Tiến (tài xế GrabCar) khá bức xúc cho biết, QL10 có 2 làn đường, khi di chuyển ở làn sát dải phân cách, anh gặp xe đi trước chạy rất chậm, bấm còi xin vượt nhiều lần nhưng không được nhường đường. Sau khi đi quãng đường dài, hết kiên nhẫn anh Tiến xi-nhan vượt sang bên phải, đi một đoạn thì bị CSGT xử phạt. “Tôi đi theo tốc độ quy định và nhanh hơn xe đang đi ở làn bên trái (đang đi chậm hơn), không vi phạm quy định về cấm vượt phải, trong khi CSGT lại cho rằng tôi đã vi phạm”, anh Tiến giãi bày.

Chia sẻ về trường hợp của anh Tiến, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc phân làn và quy định tốc độ giới hạn cho phép chưa hợp lý và còn nhiều bất cập. Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận tài xế hiện nay còn hạn chế nên tình trạng chiếm làn, đi với tốc độ thấp hơn tốc độ giới hạn vẫn phổ biến.

“Theo Quy chuẩn 41 năm 2016, vẫn còn nhiều biển báo chưa sát thực tế, kích thước và cỡ chữ không bảo đảm quy định. Nhiều biển báo bị mờ, hư hỏng, cong vênh, có ký hiệu rất khó hiểu, có thể trở thành “bẫy” đối với người đi đường. Chính những yếu tố này đã làm giảm khả năng nhận biết của người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT”, ông Thanh phân tích thêm.

Quy chuẩn mới sẽ bớt gây tranh cãi

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) thừa nhận, thực tế không phải ở tuyến đường nào cũng có điều kiện về kinh phí để thực hiện lắp giá long môn. Có nhiều đoạn tuyến là đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã xuống thôn, cũng có từ 2 làn xe trở lên, lưu lượng xe ít không cần thiết phải gắn biển trên giá long môn hay cột cần vươn, gây lãng phí.

Để loại bỏ tranh cãi này, cuối năm 2019, Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn 41:2019, sửa đổi Quy chuẩn năm 2016 và sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới, loại bỏ quy định buộc treo biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn trên đường có mỗi chiều chạy xe từ 2 làn trở lên như QL1. Theo đó, quy chuẩn quy định biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.

“Có một bộ phận người tham gia giao thông dù đã nhìn thấy biển nhưng vẫn cố tình viện lý do không gắn biển trên giá long môn hay cột cần vươn để tranh cãi với lực lượng chức năng”, ông Lăng nói và cho biết: Quy chuẩn mới không bắt buộc, không phải là cấm. Đối với các tuyến đường có lưu lượng xe lớn, tùy từng điều kiện lưu lượng xe trên từng tuyến đường lớn hay nhỏ mà cơ quan quản lý giao thông sẽ lắp biển ở đâu sao cho người tham gia giao thông dễ quan sát nhất.

PGS. TS. Vũ Hoài Nam, giảng viên Trường Đại học Xây dựng cho rằng, quy chuẩn năm 2019 về cơ bản kế thừa quy chuẩn năm 2016, đã sửa đổi và tháo gỡ một số vấn đề gây tranh cãi không cần thiết. Các tranh cãi liên quan đến tốc độ, khái niệm vượt phải, vượt trái, các làn đi nhanh hơn nhau... khiến người dân bức xúc đều cơ bản được quy định cụ thể.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Lăng, Quy chuẩn mới lần này không làm xáo trộn hay phải thay thế đồng loạt các biển báo mà chủ yếu được cập nhật viết lại cho chặt chẽ hơn, tránh tối đa việc hiểu nhầm gây tranh cãi và hạn chế tình trạng cắm quá nhiều biển cảnh báo, khắc phục các bất cập của quy chuẩn trước với thực tế áp dụng. Ví dụ như trước kia quy định biển báo quay vuông góc với hướng tham gia giao thông, có người lại tranh luận, yêu cầu đi đo vuông góc là phải 90 độ mới chịu, nay quy định là biển báo hướng đối diện với hướng giao thông là đủ, mục đích là nhìn rõ biển báo, bớt tranh cãi.

Xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là ô tô con

Điểm đáng chú ý trong quy chuẩn mới là xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là ô tô con như quy định gây tranh cãi thời gian qua. Cụ thể, ô tô con là ô tô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả chỗ người lái. Xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg được xem là xe con trong tổ chức giao thông.

Giải thích về quy định này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, quy định này trên thực tế đã gây một số khó khăn cho việc quản lý hoạt động xe tải dưới 1,5 tấn ở những đô thị lớn cấm xe tải đi vào nội đô theo giờ như Hà Nội và TP HCM. CSGT Hà Nội đã kiến nghị điều chỉnh quy định này vì xe tải dưới 1,5 tấn đi tự do làm giao thông nội đô hỗn loạn.

“Việc sửa đổi theo hướng xe con là xe con, xe tải là xe tải thống theo quy định về đăng kiểm phương tiện để tránh hiểu lầm trong công tác đăng kiểm, thuế hay niên hạn, cước phí. Trong tổ chức giao thông thì các xe bán tải (xe pickup), xe VAN dưới 950kg cũng được xem là xe con cho phù hợp với thực tiễn về kích cỡ và thực tế sử dụng”, ông Lăng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.