Báo Giao thông trao đổi với Thiếu tá Giáp Văn Khương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.
Công khai danh sách vi phạm trên Facebook, Zalo…
Trong khi nhiều nơi kêu khó, nhờ đâu mà việc phạt nguội xe máy tại Bắc Giang lại khá hiệu quả, thưa ông?
Thời gian qua, CSGT Công an tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền và xác minh, xử phạt.
Hàng trăm trường hợp bị phạt nguội trên 12 lần
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh Bắc Giang đã gửi thông báo phạt nguội và lập biên bản xử phạt hơn 1.582 trường hợp, thu phạt hơn 9,15 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt nguội xe máy 463 trường hợp.
Ngoài ra, lực lượng CSGT còn ghi nhận trên 100 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm với tần suất từ 12 lần trở lên đối với lỗi vi phạm "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" và "Không đội mũ bảo hiểm".
Điển hình như xe máy BKS 98D1-646.88 đã bị lập 26 biên bản vi phạm, trong đó có 6 biên bản vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, 20 biên bản không đội mũ bảo hiểm, tổng số tiền phạt là 15,4 triệu đồng. Xe máy BKS 98D2-004.28 bị lập 24 biên bản vi phạm, tổng tiền phạt 14 triệu đồng; Xe máy BKS 98D1-999.37 bị lập 18 biên bản vi phạm với tổng số tiền 9,9 triệu đồng.
Định kỳ 1-2 ngày, Phòng CSGT và công an các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ trích xuất camera, ghi nhận các trường hợp vi phạm, sau đó tổng hợp, đăng tải danh sách trên trang thông tin điện tử công an tỉnh.
Cùng đó, các cán bộ CSGT sẽ chia sẻ bài viết trên mạng xã hội Zalo, Facebook; Phòng CSGT, công an cấp huyện, cấp xã đồng loạt đăng tải trên trang Facebook, Zalo của đơn vị. Đặc biệt, các bản tin phạt nguội của lực lượng công an đều được Báo Bắc Giang điện tử đăng tải hằng ngày.
Các bản tin thu hút lượt xem, lượt theo dõi tăng đột biến so với các bản tin thông thường, do đó hiệu quả tuyên truyền rất cao. Thực tế, nhiều chủ xe đã chủ động đến nộp phạt sau khi đọc được, dù chưa nhận thông báo qua đường bưu điện của CSGT.
Riêng với xe máy, hằng tuần lực lượng CSGT sẽ tổng hợp danh sách phạt nguội, tra cứu chủ sở hữu để thu âm thành bản tin phát thanh, rồi phát tại các ngã ba, ngã tư và trên hệ thống truyền thanh phường, xã. Các bản tin đều nêu rõ biển số, chủ sở hữu, thời gian, địa điểm vi phạm. Giải pháp này giúp người vi phạm dễ dàng nghe thấy, biết được vi phạm của mình để chủ động nộp phạt.
Ngoài tuyên truyền, chắc chắn CSGT vẫn phải gửi thông báo cho người vi phạm, thưa ông?
Đúng vậy. Đối với thông báo phạt nguội xe máy, CSGT gửi đến công an các phường, xã để xác minh, trực tiếp gửi thông báo đến người vi phạm. Lâu nay, nhiều người vi phạm chưa nhận được thông báo đa phần do thông tin chủ phương tiện trên dữ liệu đăng ký xe có thể đã cũ. Nhiều dữ liệu không có năm sinh, hoặc số điện thoại đã thay đổi nên bưu điện không gửi được đến tay họ.
Tuy nhiên, việc lực lượng công an cơ sở gửi thông báo sẽ đảm bảo nhanh chóng chuyển đến tay người vi phạm. Trường hợp xe đã bán hoặc cho tặng, lực lượng công an cấp xã cũng chủ động xác minh chủ sở hữu hiện tại là ai để phản ánh về CSGT. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị chủ sở hữu cũ thông tin với chủ sở hữu hiện tại nội dung bị phạt nguội để đến nộp phạt.
Vi phạm nhiều lần sẽ được sàng lọc riêng
Cách thức nào giúp CSGT Bắc Giang có thể phát hiện và phạt nguội tới cả chục lần đối với một trường hợp?
Như tôi đã nói, định kỳ hằng tháng, CSGT sẽ tổng hợp, rà soát lại toàn bộ vi phạm theo lũy kế từ khi triển khai để sàng lọc, phát hiện xe máy vi phạm nhiều lần nhưng chưa nộp phạt. Với các trường hợp này, CSGT trực tiếp phối hợp với công an cấp xã xác minh người vi phạm, đôn đốc việc nộp phạt.
Do đó, việc vào cuộc có trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở có vai trò rất quan trọng. Nhiều trường hợp xe đã mua bán qua nhiều chủ, chủ xe thay đổi chỗ ở, đi làm ăn xa, công an phải đến xác minh nhiều lần.
Hệ thống camera giám sát trên đường tại Bắc Giang được lắp đặt thế nào, số lượng bao nhiêu, thưa ông?
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.305 camera giám sát, trong đó có 124 camera có tính năng xử phạt giao thông. Các dữ liệu xử phạt được tập trung tại công an tỉnh, có phân quyền xử phạt đến Phòng CSGT và công an cấp huyện.
Quy trình xử phạt cụ thể ra sao?
Khi có hình ảnh, thông tin xe vi phạm, CSGT sẽ gửi thông báo đến người vi phạm và hướng dẫn nộp phạt tại trụ sở công an cấp huyện nơi phát hiện vi phạm hoặc tại nơi cư trú. Đồng thời, chúng tôi cập nhật thông tin phương tiện vi phạm trên trang thông tin của Cục CSGT để người dân có thể tra cứu.
Quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày gửi thông báo nếu người vi phạm không đến nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo về cơ quan đăng kiểm để tạm dừng đăng kiểm đối với các trường hợp không chấp hành nộp phạt. Riêng đối với xe máy, thông báo vi phạm còn được gửi đến công an các phường, xã để lực lượng này xác minh, đôn đốc.
Phạt nguội cả người ngồi sau xe máy vi phạm
Việc phạt nguội khó khăn do nhiều xe máy chưa sang tên đổi chủ, vậy Bắc Giang khắc phục thế nào?
Đúng là hiện nay việc xử phạt đối với xe máy còn gặp nhiều khó khăn do nhiều phương tiện đã sang tên đổi chủ nhiều lần. Cùng đó, xe máy chưa có chế tài dừng đăng kiểm như xe ô tô…
Để khắc phục điều này, chúng tôi phải tăng cường công tác tuyên truyền, đề nghị công an cấp xã phối hợp xác minh, tập trung tối đa lực lượng xử lý.
Xử phạt người điều khiển đã khó, phạt người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm còn khó hơn. CSGT Bắc Giang làm gì để người vi phạm tâm phục, khẩu phục?
Quá trình xác minh người điều khiển, CSGT cũng xác minh người ngồi sau để tiến hành xử phạt. Để họ tâm phục, khẩu phục, việc trích xuất dữ liệu, lấy lời khai với người điều khiển phải thực hiện chặt chẽ, chất lượng hình ảnh phải rõ ràng, thể hiện đầy đủ ngày, giờ vi phạm.
Cần lưu vết vi phạm trên VNeID
Có ý kiến cho rằng, muốn phạt nguội triệt để cần giao công an cơ sở điều tra cơ bản từng hộ dân có mấy xe, đã sang tên đổi chủ chưa, nếu không thực hiện sẽ có biện pháp. Quan điểm của ông thế nào?
Hiện nay, lực lượng CSGT đã triển khai định danh biển số, đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để xác minh, xử phạt. Đối với các xe mô tô chưa có đủ thông tin chủ xe, lực lượng CSGT tiến hành cập nhật, bổ sung dữ liệu thông tin chủ xe, căn cước công dân, số điện thoại...
Dự kiến thời gian tới, toàn bộ dữ liệu chủ xe sẽ được đồng bộ, bổ sung tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử phạt xe mô tô.
Theo tôi, cùng với định danh biển số xe hiện nay, việc tổng rà soát thông tin chủ phương tiện là rất cần thiết, tăng hiệu quả trong xử lý vi phạm.
Cũng có ý kiến cho rằng, ngoài gửi về nơi cư trú, thông báo phạt nguội có thể bị lưu vết lên cơ sở dữ liệu dân cư để tiện tra cứu.Theo ông, điều này có cần thiết?
Theo tôi, điều này là cần thiết, nên làm vì VNeID cũng là một kênh thông tin hữu ích, quan trọng để chủ sở hữu phương tiện và người điều khiển phương tiện biết vi phạm của mình để chủ động đến cơ quan công an xử lý.
Cảm ơn ông!
Nhiều chủ xe vi phạm phớt lờ thông báo
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hệ thống giám sát và phát hiện xử lý vi phạm được áp dụng đối với tất cả phương tiện ô tô và xe máy ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Khi hệ thống giám sát phát hiện ô tô và xe máy vi phạm, lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo đến chủ phương tiện đó để yêu cầu chấp hành việc xử phạt. Tuy nhiên, hiện nay, người điều khiển xe ô tô chấp hành quyết định xử phạt đầy đủ hơn, bởi xe ô tô còn liên quan đến đăng kiểm và thực hiện nghiêm việc sang tên đổi chủ.
Còn với xe máy, loại phương tiện này không bị ràng buộc bởi quy định đăng kiểm. Bên cạnh đó, không ít phương tiện được mua bán, đổi chủ nhiều lần nên nếu có vi phạm, lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc xác định chủ xe. Chưa kể, rất nhiều người đi xe máy vi phạm dù nhận được thông báo, họ vẫn không chấp hành và cố tình không đến nộp phạt.
"Lý do chủ yếu là xe máy ít bị ràng buộc về tính pháp lý như đối với xe ô tô. Ngoài ra, dù xe máy đã định danh nhưng vẫn bị sang tên đổi chủ nhiều lần, giá trị xe thấp nên người vi phạm vẫn né tránh quyết định phạt nguội đó", đại diện Cục CSGT nhìn nhận.
Không chịu nộp phạt, không được đăng ký xe mới
Đại diện Đội CSGT đường bộ số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, để phạt nguội xe máy hiệu quả, cơ quan quản lý phương tiện cần áp dụng việc xử phạt đối với những chủ xe chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ để định danh biển số, nhất là với những xe có biển 3 hoặc 4 chữ số.
Khi các biển số đã được định danh và xe đó kê khai chính chủ, lực lượng công an các đơn vị sẽ dễ dàng hơn khi tra cứu thông tin để thực hiện xử phạt.
Còn theo luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để ràng buộc các chủ xe máy phải kê khai chính chủ, hiện Thông tư 24/2023 của Bộ Công an đã có quy định rõ ràng.
Cụ thể, khoản 15 Điều 3 của thông tư quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt sẽ không được giải quyết đăng ký xe khác. Sau khi chấp hành, người đó mới được đăng ký chính chủ cho xe mới.
Hoàng Lam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận