Ô tô đưa đón học sinh lộ nhiều bất cập
15h10 chiều 22/3, PV Báo Giao thông ghi nhận trên các tuyến phố Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Nguyên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hàng chục chiếc xe đưa đón học sinh đỗ thành hai hàng chiếm hết lòng đường, để chờ đón học sinh đưa về nhà sau buổi học.
35 phút sau, khi tiếng trống trường vang lên, phía trong sân trường, các giáo viên cầm bảng ghi số thứ tự xe để học sinh xếp hàng. Cánh cổng trường mở cũng là lúc hàng dài các em học sinh lần lượt theo chỉ dẫn của giáo viên bước lên ô tô đưa đón theo đúng số thứ tự ghi trên bảng.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng các em học sinh lên nhầm xe phải trở xuống. Khi học sinh lên xe, giáo viên đếm số lượng sau đó bác tài nhanh chóng cho xe di chuyển khỏi vị trí xung quanh cổng trường.
Đáng chú ý, theo quan sát, phía trên xe, các em học sinh đứng ngồi nhốn nháo và không có bất kỳ sự nhắc nhở nào về việc các em phải thắt dây an toàn để đảm bảo an toàn khi xe di chuyển.
Chỉ khoảng 20 phút sau khi tan học, hàng chục chiếc xe đưa đón học sinh cũng rời vị trí, tỏa đi các hướng để đưa học sinh về nhà. Tuy nhiên, ghi nhận của PV, tình trạng ô tô đưa đón học sinh đỗ tràn lan dưới lòng đường xung quanh các tuyến phố này, ảnh hưởng giao thông lại diễn ra trong khoảng thời gian dài từ sáng sau khi đưa các em đến trường cho đến khi đón về nhà bởi hầu hết các trường không có sân bãi riêng cho các phương tiện này đỗ trong lúc chờ đón học sinh.
Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, đến tháng 10/2023, trên địa bàn thành phố có trên 110 trường học trong và ngoài công lập sử dụng xe đưa đón học sinh với số lượng 1.519 phương tiện do 186 đơn vị vận tải ký hợp đồng phục vụ.
Trong khoảng thời gian đến và tan trường, số lượng phương tiện này đổ ra khắp các tuyến phố đã làm tăng thêm gánh nặng hạ tầng giao thông đô thị. Chưa kể, để bảo đảm thời gian, nhiều lái xe điều khiển phương tiện đã lấn làn, dừng đỗ trái quy định gây ùn tắc giao thông.
Quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng TTGT Hà Nội phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến phương tiện này, đơn cử như: Vi phạm về điều kiện phương tiện, niêm yết không đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe ô tô chở hành khách theo quy định; không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định, người điều khiển xe ô tô không có giấy phép lái xe, không mang theo giấy đăng ký xe, dừng xe không đúng quy định; Chở người không có hợp đồng vận chuyển theo quy định, sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mà trên xe không có hợp đồng vận chuyển theo quy định.
Xe đưa đón đỗ dưới lòng đường làm ảnh hưởng giao thông, mỗi giờ đến trường hoặc tan học, giao thông vô cùng hỗn loạn.
"Đáng lo ngại, xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng phụ huynh tự gom nhóm học sinh trong cùng khu chung cư, khu phố và chủ động thuê xe cá nhân để đưa đón con đến trường. Loại xe này rất khó kiểm soát vì không đăng ký kinh doanh vận tải", Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Hà Nội cho hay.
Chị Mai Thảo (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, do không có thời gian đưa đón con, chị cùng một số hàng xóm cùng chung cư đã thuê một tài xế xe 7 chỗ để đưa đón con từ nhà đến trường tiểu học trên địa bàn, mỗi tháng chi phí khoảng 800 nghìn đồng.
"Vì trường công ở phường nên không tổ chức xe đưa đón, bất đắc dĩ, tôi mới phải gom nhóm học sinh để cùng thuê xe chở các con đến trường. Tài xế này ở cùng khu chung cư nên cũng yên tâm hơn", chị Thảo chia sẻ.
Tại nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định vẫn còn, theo ghi nhận vẫn hiện tượng sử dụng xe ba bánh tự chế, độ từ chiếc xe máy, loại bỏ bớt các loại phụ kiện. Phía sau xe được thiết kế dạng thùng với 3 hàng ghế ngồi dành cho học sinh, quây kín bằng các khung sắt bên hông và có mái che sơ sài.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, những chiếc xe tự chế, không có thiết kế được thẩm định, không đăng ký, đăng kiểm sử dụng đưa đón học sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Hậu quả của việc xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn đến nay ai cũng đã thấy rõ. Điển hình vào cuối năm 2019, cháu L.H.L (6 tuổi), học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway (nay đổi tên thành Deway) có trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội được phát hiện tử vong trên ô tô đưa đón của nhà trường. Chiếc xe này chưa có giấy phép, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải.
Năm 2021, liên tiếp xảy ra những vụ học sinh bị văng khỏi xe đưa đón gây hậu quả thương tâm tại Sơn La và Đắk Lắk khiến 2 học sinh tử vong.
Tháng 2/2023, tại Đồng Nai, xe ô tô BKS 60B-043.93 chở học sinh đến Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa), tài xế trong lúc lùi xe vào khu vực vỉa hè trước cổng trường để các em xuống xe đã thiếu quan sát, cán tử vong một học sinh lớp 3.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, xe đưa đón học sinh hiện nay được coi như 1 loại xe dịch vụ hoạt động trên cơ sở hợp đồng vận tải ký giữa nhà trường và doanh nghiệp vận tải. Các phương tiện được sử dụng là xe chở khách thông thường, không phải xe buýt chuyên dụng chở học sinh (school bus) như ở nước ngoài. Đáng ngại, một số doanh nghiệp còn đưa xe từng được sử dụng chở khách du lịch và tuyến cố định liên tỉnh nhưng đã cũ nát để chở học sinh, tiềm ẩn nguy cơ lớn về mất an toàn.
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận: Hiện nay, việc quản lý xe đưa, đón học sinh đang rất lộn xộn, phân tán, không có quy hoạch. Các xe đưa, đón học sinh chủ yếu là xe hợp đồng, do tư nhân quản lý, xe chạy tự do, đưa đón học sinh không theo một quy định cụ thể nào gây ra những vụ việc đau xót như: học sinh văng khỏi xe đưa đón xuống đường tử vong ở Sơn La, Đắk Lắk hay "bỏ quên" học sinh trên xe khiến bé 6 tuổi tử vong ở Hà Nội.
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ VN) cũng nhìn nhận: Thời gian qua, hoạt động đưa đón học sinh xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc, do thiếu cơ chế để quản lý chặt chẽ. Dịch vụ này vẫn diễn ra tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, chưa gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo.
Trong khi đó, theo Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thời gian tới, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa, đón học sinh sẽ ngày càng nở rộ. Do đó, cần thiết phải có những quy định cụ thể để quản lý về an toàn, chất lượng phương tiện, người lái với những đặc thù riêng.
"Những phương tiện này chỉ được phục vụ học sinh, không được tham gia kinh doanh vận tải nào khác. Khi các xe hoạt động có luồng tuyến rõ ràng, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng dễ dàng giám sát vi phạm", ông Công nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận