Liên tiếp xảy ra TNGT tự ngã do nồng độ cồn
Những ngày cuối năm, trong nhóm thông báo của Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel liên tục xuất hiện những dòng tin về việc hỗ trợ các nạn nhân đi xe máy tự ngã dẫn đến bị thương do đã sử dụng rượu bia.
Khoảng 0h40 sáng 4/2, thành viên H.G. B cho biết, anh vừa hỗ trợ xong một nạn nhân va chạm xe máy tại khu vực gần trường Đại học Công nghiệp (Hà Nội) nghi bị gãy ngón tay. Nạn nhân có sử dụng rượu bia.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, có những ngày, chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ từ 0h đến hơn 1h sáng, tại nhóm thông báo này có tới 5 thông tin hỗ trợ nạn nhân tự ngã do uống rượu bia từ các đội viên báo về.
Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cho biết, mỗi ngày, Đội hỗ trợ từ 8-17 người bị tai nạn giao thông (TNGT), đại đa số liên quan đến việc sử dụng rượu bia (chiếm đến 80%).
"Uống rượu bia tham gia giao thông rất nguy hiểm, không chỉ gây TNGT cho người tham gia giao thông khác mà còn cho chính bản thân mình thế nhưng, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người sau khi sử dụng rượu bia vẫn vô tư điều khiển phương tiện bình thường để di chuyển về nhà.
Dịp Tết có nhiều cuộc tất niên, tụ tập, lượng người sử dụng rượu bia vì thế cũng tăng cao dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNGT do sử dụng rượu bia", anh Việt nhìn nhận.
Theo anh Việt, Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel với tinh thần "không để ai bị bỏ rơi" luôn hỗ trợ các nạn nhân hết sức, không phân biệt họ là nạn nhân hay người gây tai nạn.
Những thương tích xảy ra chủ yếu ở những người gặp tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia có thể là xây xát, gãy tay chân, đa chấn thương, mất máu cấp, chấn thương sọ não.
Nhiều thương tích tiềm ẩn nguy cơ cao về tử vong, cũng có những chấn thương khiến việc điều trị sau TNGT trở nên rất tốn kém.
"Chúng ta không thể cấm sử dụng rượu bia, tại khu vực nông thôn lại càng khó. Ở các thành phố lớn, uống rượu bia có thể sử dụng các loại xe taxi, xe công nghệ đưa về nhà nhưng ở nông thôn các dịch vụ này không phổ biến.
Tôi chỉ có lời khuyên dành cho mọi người khi đi chúc Tết, nếu có thể đừng uống rượu bia, nếu không tránh được, cố gắng lựa chọn loại rượu có nồng độ thấp, uống chỉ 1-2 chén để đảm bảo tinh thần vẫn còn minh mẫn, kiểm soát được hành vi.
Nếu uống say cũng mất đi không khí dịp Tết, thậm chí có thể gây ra va chạm, xích mích; trong trường hợp này, nên để người thân không uống rượu bia đưa về để đảm bảo an toàn", anh Việt nói.
Xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn, bảo vệ bình an mỗi gia đình
Thống kê của Bộ Công an, trong ngày đầu nghỉ Tết (ngày 8/2 tức ngày 29 Tết), lực lượng CSGT toàn quốc kiểm tra, xử lý 2.457 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm gần 28% tổng số vi phạm giao thông); tăng hơn 1.000 trường hợp so với ngày đầu nghỉ Tết Quý Mão 2023 năm ngoái (ngày 29 Tết Quý Mão, lực lượng CSGT xử lý 1.392 trường hợp vi phạm nồng độ cồn).
Xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với lực lượng CSGT toàn quốc nhằm góp phần giảm TNGT do rượu bia.
Thực hiện chỉ đạo này, Cục CSGT cho biết, dịp Tết, CSGT toàn quốc sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, đẩy mạnh kiểm soát quyết liệt, xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn, theo phương châm "không có vùng cấm - không ngoại lệ - không ngày nghỉ".
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, khi việc xử phạt được thực hiện trên tinh thần không có vùng cấm, không thể can thiệp; đồng thời thông báo tới đông đảo nhân dân được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn về lâu dài, số lượng vi phạm lỗi nồng độ cồn sẽ giảm đi. Thói quen, văn hóa giao thông mới sẽ có điều kiện hình thành trở lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận