Tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 17.000 gia đình người Khmer, với hơn 75.000 nhân khẩu (chiếm 7,58% dân số).
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và phát huy hiệu quả.
Diện mạo vùng dân tộc thiểu số thay đổi nhờ hạ tầng phát triển
Nhất là việc ưu tiên chăm lo phát triển hạ tầng giao thông, khuyến học khuyến tài luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm.
Từ đó, đưa diện mạo nông thôn mới thay đổi theo hướng phát triển nhiều mặt (điện, đường, trường, trạm…), trình độ dân trí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được nâng cao, nhất là vùng dân tộc Khmer, góp phần làm thay đổi diện mạo, nhận thức của bà con phum sóc.
Ông Thạch Liêm (ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) chia sẻ, trước đây, cuộc sống gia đình khó khăn, đường sá đi lại rất khó khăn, phải đi đường mòn, sình lầy, có hôm trời mưa trơn trượt té là về nhà luôn, vì trễ giờ học, nhiều cây cầu nhỏ hẹp không đảm bảo an toàn giao thông, chứ không được bê tông hóa, nhựa hóa thuận lợi, an toàn như bây giờ.
"Kinh tế khó khăn quá, nhà lại có 7 người con, nên vợ chồng tôi đi làm thuê làm mướn, còn vợ tôi ông thì gánh rau cải ra chợ bán kiếm thêm thu nhập, nhưng nhất quyết tôi không để các con nghỉ học giữa chừng, vì chỉ có con đường học mới thoát khỏi đói nghèo", Liêm chia sẻ.
Không phụ sự tảo tần và kỳ vọng của cha mẹ, hiện ba người con của ông Liêm đã tốt nghiệp đại học, trở thành bác sĩ, dược sĩ, kế toán. Những người con còn lại cũng được lo cho nghề nghiệp ổn định, nhờ chí thú làm ăn nên cũng trở thành những hộ có kinh tế khá giả ở địa phương.
Chị Sơn Thị Thanh Tuyền (ngụ ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, Thành phố Bạc Liêu) chia sẻ, khoảng 10 năm trước đi lại đường đất sình lầy, trời mưa phải đi xuồng (phương tiện đi lại trên sông), những cây cầu bắc qua sông đa số bằng ván gỗ địa phương, nên việc đi lại rất khó khăn.
"Cùng chung tay với Nhà nước xây dựng nông thôn mới, người dân tự nguyện hiến đất, làm đường, góp ngày công xây cầu, ngày nay việc đi lại thuận lợi, khi lộ bê tông hóa nối thông từ ấp đến xã, huyện.
Nhờ vậy, mà việc đi lại, buôn bán, vận chuyển người bệnh ban đêm được kịp thời, nhanh chóng, chính quyền địa phương quan tâm, xây dựng lộ bê tông, thương lái vào thu mua nông sản cũng thuận lợi hơn. Không những vậy, điện nước sạch cũng phát triển theo", chị Tuyền chia sẻ.
Cũng theo chị Tuyền, điều kiện đi lại thuận lợi, các con của chị cũng được cho học hành đến nơi đến chốn, hai người con lớn của chị đang học tại các Trường Đại học, Cao đẳng tại TP.HCM. Riêng, chú nhỏ hiện đang học lớp 8.
Nhờ học giỏi, em cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tại địa phương vận động mạnh thường quân hỗ trợ học bổng 1 triệu đồng/tháng và đã hỗ trợ được 5 năm.
Ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bạc Liêu luôn được quan tâm đặc biệt, được thực hiện đầy đủ và kịp thời, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến rất rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần.
"Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc không ngừng khởi sắc, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đồng bào chung tay cùng với các cấp chính quyền xây dựng cuộc sống, quê hương Bạc Liêu ngày càng phồn vinh, phát triển", ông Thiều nhấn mạnh.
Theo ông Trần Hoàng Duyên, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, trong 9 tháng đầu năm 2024, Hội Khuyến học cũng đã phối hợp với các đơn vị trao 220 suất học bổng và 120 suất quà cho học sinh đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, 140 suất quà cho hội viên là người dân tộc Khmer.
Tính riêng trong năm 2023, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và ngân sách đối ứng của địa phương, tỉnh Bạc Liêu đã giải ngân gần 42 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề.
Cùng với đó là hỗ trợ người giảng dạy tiếng và chữ viết đồng bào dân tộc Khmer… Đến nay, đời sống đồng bào Khmer cũng như người dân ở Bạc Liêu đã khởi sắc. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm nhanh, xuống còn 3,86%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận