Thanh niên xã Mang Bút, huyện Kon Plong, Kon Tum làm cầu tạm cho người dân vì câu treo bị cuốn trôi
Liều mình qua sông thu hoạch nông sản
Theo Sở GTVT Kon Tum, gần một tháng từ khi những cơn bão càn quét gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Kon Tum, người dân vẫn đang đối mặt với bộn bề khó khăn. Tại các địa bàn vùng sâu, ít nhất 19 cầu treo dân sinh bị cuốn trôi khiến cuộc sống của người dân đã cực lại thêm khổ.
Như cầu treo dân sinh nối 2 xã Đắk Nông và Đắk Ang (đều thuộc huyện Ngọc Hồi) bắc qua sông Pô Cô bị cuốn trôi hoàn toàn. Cà phê đã chín đỏ cây, mủ cao su nhiều ngày không cạo, người dân nơi đây như ngồi trên lửa và phải liều mình qua sông Pô Cô thu hoạch nông sản.
Nhiều người đã phải đu dây dọc sông Pô Cô (địa phận 2 xã Đắk Nông và Đắk Ang). Để làm được điều này, họ phải mua cáp treo dài từ 50 đến 400 mét, tùy theo lòng sông, cố định 2 đầu vào những cây lớn ở 2 bờ sông, sau đó tính toán độ dốc nhất định, rồi quấn quanh người vài vòng dây dù. Cuối cùng, người ta gắn ròng rọc có móc sắt vào người đánh đu qua dòng sông Pô Cô nước chảy cuồn cuộn.
19 cầu treo bị tàn phá đều là cầu dân sinh
Ông Phan Thanh Tùng - Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Riêng địa bàn huyện Ngọc Hồi mưa bão đã làm 6 cây cầu treo dân sinh bị cuốn trôi, hư hỏng nặng; 3 cầu treo ở sông Pô Cô nối hai xã Đắk Nông và Đắk Ang bị cuốn trôi hoàn toàn. Ông Tùng cho biết, người dân trên địa bàn đang trong mùa thu hoạch nông sản, nếu chờ làm xong cầu treo sẽ không kịp, hoa màu hỏng hết.
“Huyện đã chỉ đạo về chính quyền địa phương phải nhắc nhở, theo dõi việc qua sông bằng cáp treo của người dân. Không thể cấm người dân qua sông được vì đây là nhu cầu thiết thực. Cũng theo ông Tùng, UBND huyện này đã khảo sát chọn vị trí, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng lại 2 cây cầu tại xã Đắk Nông phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân”, ông Tùng cho biết.
Mượn đường qua xã khác
Trong cơn bão số 9 (ngày 28-10) cầu Đăk Pne nối thôn 2, 3 và 4 với trung tâm xã Đăk Pne đã bị cuốn trôi. Từ đó đến nay, con đường độc đạo vào 3 thôn trên bị cô lập hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của huyện đã căng dây, cảnh báo, không để người và phương tiện qua sông.
Ngay sau khi cầu bị cuốn trôi, Công an tỉnh Kon Tum đã bố trí ca nô cùng các chiến sỹ giúp dân lưu thông qua sông để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Công an tỉnh đã cử 1 đội túc trực tại điểm cầu sắt bị trôi để hỗ trợ dân, chuyển lương thực tiếp tế.
Còn tại cầu treo làng Kon Tuh của xã Đăk Ruồng (H.Kon Rẫy) từ khi cầu treo bị cuốn trôi, hơn 200 dân phải đi đường vòng lầy lội để phá thế cô lập. Ngoài ra, có hơn 400 hộ dân khác có đất sản xuất phía bên kia cầu đang gặp khó khăn khi vận chuyển nông sản.
Ông A Tơi – Trưởng thôn làng Kon Tuh cho biết, cầu treo Kon Tuh bị cuốn trôi ảnh hưởng đến việc đi lại của 2 làng và 1 thôn trong xã. Đặc biệt là các em học sinh tới trường hay nhưng gia đình có việc gấp. Giờ việc đi lại phải đi qua xã khác mới ra được trung tâm xã, tuy nhiên, đường rất lầy lội, khó đi.
Ông Nguyễn Văn Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND H.Kon Rẫy cho biết, cầu Đăk Pne hiện đã được Bộ Giao thông vận tải cho tỉnh Kon Tum mượn cầu giàn sắt để thay thế cầu bị cuốn trôi. Dự kiến đến 15/12/2020 là sẽ thi công xong cầu giàn sắt.
Trong thời gian chờ cầu giàn sắt, huyện đã bố trí lực lượng túc trực, chuyên chở người dân và lương thực qua sông bằng xuồng. Còn cầu treo Kon Tuh đang lên kế hoạch xây cầu mới thay thế. Trước mắt, huyện sẽ nâng cấp đường vòng nối các thôn đi xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) để cho người dân đi lại được thuận tiện hơn.
Theo thống kê của Sở GTVT Kon Tum, tất cả 19 bị cuốn trôi, hư hỏng đều là cầu treo dân sinh được làm từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã hội hoá…
Sắp tới, lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum sẽ họp để có phương án khắc phục, sửa chữa cầu treo dân sinh.
Thống kê ban đầu của UBND tỉnh Kon Tum, mưa bão đã gây thiệt hại trên địa bàn khoảng 386 tỷ đồng; nhiều nhà dân bị hư hỏng, ngập nước, tốc mái và các công trình hạ tầng giao thông hư hỏng, hơn 6 nghìn ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận