Dự án đầu tư nâng cấp QL37 đoạn Km 285+300 đến Km 306+00 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 136 tỷ đồng, Đơn vị tư vấn giám sát Công ty cổ phần Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng giao thông Yên Bái. Thời gian thi công từ cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 10/10, tại Km 285+300 có 2 máy lu nền đường - chỉ duy nhất có 1 chiếc hoạt động, tới lý trình Km 297+00 có thêm 2 chiếc máy xúc đang hạ cốt nền đa phần nhiều trang thiết bị máy móc vẫn nằm yên không có hoạt động gì. Theo quan sát thì một số điểm hạ taluy dương vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang.
Video: Người dân bức xúc trước cảnh xe tải chở đất không che phủ, rơi vãi ra đường gây mất ATGT, nhà thầu thi công kiểu rùa bò.
Dân khốn khổ vì nhà thầu thi công chậm, mất an toàn
Dọc theo tuyến đường Km 285+300 đến Km 306+00 cảnh tượng bụi mù mịt, bám vào nhà cửa, hàng quán, do xe tải chở đất thực hiện dự án đầu tư nâng cấp QL37 hầu như không che phủ, rơi vãi ra đường gây mất ATGT.
Bà Phạm Thị Cậy (ở thôn Liên Phú, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên) bức xúc nói: "Công trình thi công bụi bẩn lắm, đất tha hết vào nhà, việc đi lại của bà con rất khó khăn, các cháu học sinh nhiều người bị ngã xe do đường trơn, mưa xuống là không đi nổi, nhà tôi đây phải mua bạt về để che chắn giảm thiểu bụi”.
Nhiều hộ dân phải mua bạt về che bụi do những xe chở đất làm rơi vãi.
Rất nhiều người cho rằng việc chậm trễ hoàn thành dự án đầu tư nâng cấp QL37 khiến hoạt động buôn bán của nhiều người sinh sống dọc hai bên đường này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quá trình thi công chủ đầu tư cũng không cho xe tưới nước, dẫn đến bụi bay bám vào nhà cửa của dân, phải đóng kín cửa.
Trao đổi với PV Báo Giao thông ông Lưu Việt Trung (Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Chính quyền địa phương mong muốn đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để bà con được đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, trong quá trình đang thi công công trình và yêu cầu các xe chở đất phải che chắn cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đồng thời còn một số đoạn thi công chưa có biển cảnh báo nguy hiểm và đèn cảnh báo ban đêm cho người dân nhìn thấy khi tham gia giao thông được đảm bảo ATGT”.
Nhà thầu phớt lờ kết luận của lãnh đạo Bộ GTVT
Được biết, Yên Bái có 2 dự án QL32C, QL37 phải hoàn thành trong năm 2022 nhưng đến nay tiến độ thực hiện các dự án là quá chậm, cần được theo dõi đặc biệt đó là kết luận của Thứ trưởng Lê Đình Thọ; tại cuộc họp rà soát các dự án công trình giao thông phía Bắc do Bộ GTVT quản lý đầu tháng 10 vừa qua.
Để đảm bảo các phương tiện đi lại thuận lợi, an toàn, tránh ùn tắc trong quá trình nâng cấp QL37 đoạn từ Km 295 đến Km 306, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái đã có công văn số 1485 ngày 7/10 do Giám đốc Sở giao thông Vận tải ký hướng dẫn các phương tiện lưu thông từ ngày 7/10/2022 đến ngày 31/10/2022 nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu thi công. Mặc dù đã được tạo điều kiện hết mức nhưng nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng giao thông Yên Bái đang có biểu hiện “chây ì” không chịu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ngày 7/10, Giám đốc Sở giao thông Vận tải Yên Bái ký hướng dẫn các phương tiện lưu thông nhằm tạo điều kiện cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Rộng đường dư luận, PV đã liên hệ đến Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư để tìm hiểu một số vấn đề về các dự án vì sao chậm tiến độ thi công và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thế nào. Tuy nhiên, đã nhiều lần PV Báo Giao thông liên hệ để làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác(!?).
>>> Một số hình ảnh PV Báo giao thông ghi lại cảnh nhà thầu thi công ì ạch, gây mất ATGT vào sáng 10/10:
Người tham giao thông phải vật lộn trên tuyến đường.
Nhiều máy móc của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông Yên Bái nằm yên không hoạt động mặc dù thời tiết nắng ráo.
Người dân phải vật lộn qua tuyến đường nhưng thi công đường chỉ có 1 máy múc hoạt động.
Không 1 đoạn dây cảnh báo ATGT.
Vực sâu không có dây cảnh báo, hoặc biển cảnh báo gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện.
Những chiếc xe đã hoen rỉ sắt vì lâu ngày không hoạt động.
Đơn vị thi công sử dụng loại đá có trộn lẫn nhiều đất để làm mặt đường.
Gia đình Bà Phạm Thị Cậy (ở thôn Liên Phú, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) phải mua bạt để che chắn cho đỡ bụi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận