Trạm gác đặc biệt
Gần 10h sáng 28 tháng Chạp (30/1/2022), nắng chói chang, chiếc điện thoại cũ kỹ trong trạm gác reo liên hồi. Cựu chiến binh (CCB) Mai Nếp (SN 1951, trú phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhấc máy, nhìn lên bảng giờ chạy tàu dán trên tường, nhẩm: “Tàu SE10” rồi tức tốc chạy ra gác chắn.
9 năm qua, các CCB cùng người dân địa phương tự quản, xóa TNGT tại Km 781+545 đường sắt Bắc - Nam qua Đà Nẵng
Dòng xe máy hối hả qua đường ngang, ông Nếp hạ cần barie, quan sát hai bên đường cảnh báo cho các phương tiện tàu đang đến.
Đoàn tàu xình xịch qua trạm gác, CCB Mai Nếp nâng cần barie lên rồi vào bàn làm việc, lật cuốn sổ sờn cũ ghi lại hướng tàu, loại tàu hàng, tàu khách.
Trạm gác này là một mái hiên lợp tôn, giáp với một miếu thờ nhỏ tại đường ngang giao cắt đường sắt Bắc - Nam tại Km 781+545.
Ông Nếp cho hay, ngôi miếu này có cách đây hơn 10 năm. Đây là nơi thờ cúng, hương khói cho những người không may tử vong do va chạm với tàu hỏa ngay tại đường ngang này.
“Trước đây, đường ngang này không có gác chắn và đèn cảnh bảo, chỉ có biển báo hiệu, lại nằm trong khu dân cư. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe cộ qua lại, số vụ TNGT tại đường ngang này nhiều không đếm xuể”, ông Nếp cho biết.
Những CCB trực gác tại chốt cũng như người dân địa phương vẫn nhớ như in vụ TNGT đường sắt ngay tại đường ngang này khiến một cán bộ phường tử vong.
Ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT TP. Đà Nẵng (áo trắng) kiểm tra đường ngang tại Km 781+545 ngày cận Tết
Khi đó là ngày 12/10/2013, đoàn cán bộ đi viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quận đội Liên Chiểu. Khi đoàn ra về, chiếc ô tô chỗ chở theo 3 người qua gần hết đường ray thì bị tàu hỏa tông khiến một cán bộ phường ngồi trên xe tử vong.
Sau vụ TNGT nghiêm trọng đó, Ban ATGT TP. Đà Nẵng cùng quận Liên Chiểu thành lập một gác chắn. Ban đầu, có 3 CCB tự nguyện ra gác chắn túc trực. Sau thời gian làm việc, có CCB vì lý do sức khỏe nên không còn gác ở chốt. Hiện tổ gác chắn này có 5 thành viên, trong đó có 2 CCB.
Đón Giao thừa tại trạm gác
Là một trong những người đầu tiên tham gia gác chắn, ông Đặng Hòa - Tổ trưởng tổ gác chắn này (SN 1965, trú phường Hòa Hiệp Nam) đã có 9 lần đón Giao thừa tại gác chắn.
Ông Hòa chia sẻ: Đêm Giao thừa, các thành viên tổ gác đều có mặt, dọn lên mâm lễ nhỏ, thắp nén nhang cho những người xấu số tại miếu thờ. Xong, các thành viên cùng chúc nhau sức khỏe, một năm bình an và lập tức bắt tay vào việc.
“Gần 10 năm đón Giao thừa ở gác cũng thành cái quen, anh em ngồi lại gác một lúc. Ca trực của ai thì người nấy gác, những người còn lại về nghỉ ngơi để sáng hôm sau thay ca, không ai dám vui quá đà, sơ sảy một chút là hậu quả khó lường”, ông Hòa nói.
Những người gác chắn tại các đường ngang dân sinh làm việc xuyên Tết, góp phần đảm bảo ATGT trên địa bàn TP.Đà Nẵng
Tại gác chắn Km 977+170 lúc gần tối, ông Tôn Thất Vinh đang miệt mài với cuốn sổ và danh sách tàu chạy qua. Ông Vinh cho hay, gác chắn này có 6 thành viên, chia làm 3 ca, mỗi ca 2 người túc trực thường xuyên, 24/24, đảm bảo an toàn tại đường ngang này.
“Đường ngang nằm ở khu dân cư đông đúc, ngày Tết càng nhiều phương tiện qua lại nên mọi người phải cảnh giới cao độ, nhất là về đêm khi tầm nhìn hạn chế hơn. Anh em quyết tâm đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót tại gác chắn này”, ông Vinh cho biết.
Ông Vinh chia sẻ, đêm Giao thừa đối với các thành viên tại chốt cũng không có gì đặc biệt, vì nhiệm vụ đảm bảo an toàn tại đường ngang quan trọng hơn. Đêm đó sẽ có 2 thành viên túc trực, chúc tụng nhau vài câu rồi lại tập trung công việc.
Theo Phòng Quản lý kết cầu hạ tầng giao thông Đà Nẵng, hiện nay thành phố còn 12 lối đi dân sinh. Trong đó, có 7 vị trí có mật độ lưu thông cao đã bố trí tăng cường Tổ cảnh giới, chốt gác 24/24h để cảnh giới ATGT.
Đối với 5 vị trí còn lại, UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi, đề xuất các giải pháp phù hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho hay, các hạng mục xây dựng đường gom, đường ngang kết nối giao thông thông suốt làm cơ sở xoá bỏ 12 lối đi tự mở còn lại trên địa bàn nằm trong Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020.
Đồng thời Bộ GTVT cũng có Quyết định số 1149/QĐ-BGTVT ngày 15/6/2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đảm bảo quy định.
Theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020, về nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục của Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện, đồng thời cân đối bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện các giải pháp trong Đề án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận