Xe trá hình "bóp nghẹt" xe buýt
Chiều 28/11, Sở GTVT thành phố Đà Nẵng phối hợp Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Sơ kết tình hình hoạt động tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng.
Tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng được khai trương vào ngày 1/1/2020, tiền thân là tuyến cố định Huế - Đà Nẵng với 81 đầu xe. Tuyến buýt liền kề này kỳ vọng sẽ góp phần tăng tỷ lệ hành khách tham gia giao thông bằng xe buýt giữa 02 địa phương, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và đảm bảo trật tự ATGT.
Tuy nhiên, thời gian qua tình hình hoạt động của tuyến buýt này gặp phải nhiều khó khăn do nạn xe trá hình trên tuyến với hàng trăm đầu xe. Mặc dù lực lượng chức năng 2 địa phương vào cuộc xử lý liên tục nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Năm 2020, liên ngành Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý 26 trường hợp xe trá hình với tổng số tiền phạt hơn 125 triệu đồng.
Báo cáo tại Hội nghị, Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho biết, từ khi thay đổi tuyến cố định Huế - Đà Nẵng thành xe buýt đã giảm bớt gánh nặng chi phí cho người lao động có thu nhập thấp, sinh viên… nhờ có giá vé tính theo chặng và giá vé toàn tuyến, từ 30.000 - 70.000 đồng/ lượt. Chất lượng xe buýt được nâng cao nhờ thay đổi toàn bộ thành xe mới, có camera và thiết bị giám sát hành trình.
10 tháng đầu năm 2020, các đầu xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng đạt 679.845 lượt hành khách, bình quân đạt 26,74 lượt khách/ xe.
Tuy nhiên, hoạt động của các tuyến xe buýt này vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, nhiều tuyến buýt bị phản ánh thu tiền vé cao hơn quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định, tình trạng xe chạy chậm để đón khách chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, hoạt động của xe trá hình quá phức tạp. Dù các lực lượng chức năng của 2 địa phương thường xuyên ra quân xử lý nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thừa Thiên Huế, thời gian qua, trên tuyến Huế - Đà Nẵng xuất hiện hàng trăm ô tô các loại hoạt động trá hình, phá tuyến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của tuyến xe buýt này.
Ông Long đề nghị khi cấp phù hiệu thì cơ quan chức năng phải xem có cấp đúng đối tượng không, xác định xe chạy thường xuyên trên cung đường nào. Cấp phù hiệu nhưng phải có hậu kiểm, không nên chỉ cấp xong rồi thả đó.
Ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó chánh TTGT Sở GTVT Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận, trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều phương tiện được cấp phù hiệu hợp đồng, hàng ngày vận chuyển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt người ra Huế. Đây không phải xe dù mà có phù hiệu nhưng hoạt động không đúng tuyến.
Với nhu cầu đi tận nơi, đón tận nhà dẫn đến hành khách lơ là tuyến cố định Huế - Đà Nẵng. Nhiều nhà xe lợi dụng hợp đồng du lịch, sử dụng hợp đồng khống để hoạt động trá hình. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng đánh giá, thực trạng nhiều xe buýt không vệ sinh xe sạch sẽ, không bật điều hòa, thu cước quá giá niêm yết… cũng là nguyên nhân khiến lượng khách sụt giảm.
“Sau dịch Covid-19, Tổ liên ngành xử lý xe trá hình của Đà Nẵng hoạt động trở lại. Chỉ 1 tuần, liên ngành đã xử lý 15 phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp phải nhiều khó khăn do nhà xe dùng đủ chiêu trò khó chứng minh xe trá hình có gom khách, thu tiền do hành khách trên xe không hợp tác”, ông Hoàng cho hay.
Về mặt quản lý, ông Hoàng kiến nghị, ngoài việc xử lý vi phạm của tài xế, chủ xe như thời gian qua, lực lượng chức năng cần kiên quyết thu hồi phù hiệu, tước GPKD của các doanh nghiệp vận tải vi phạm.
Xe buýt phải tự đổi mới mình
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, Sở GTVT không dẹp hẳn được xe dù, chỉ làm cao điểm để hạn chế bớt. Vấn đề cạnh tranh đối với xe trá hình là thời gian và tiện ích đi lại.
“Các đơn vị quản lý vận tải và các HTX cần nghiên cứu tổ chức xe trung chuyển để đón khách đến bến, lên xe cho tiện lợi. Về công tác liên ngành thì nên để CSGT chủ trì bởi CSGT có lực lượng đông, nhiều quyền hạn và phương tiện, thiết bị hỗ trợ hơn. Căn bản lái xe vi phạm cũng sợ CSGT hơn các lực lượng khác”, ông Thành nêu ý kiến.
Ông Võ Phi Cường, đại diện các đơn vị vận hành tuyến buýt Huế - Đà Nẵng cho hay, các tuyến xe buýt này là "miếng cơm manh áo" của hàng chục hộ gia đình với hàng trăm con người. Chấp hành chủ trương của 2 địa phương, có người đã phải thế chấp nhà cửa để vay tiền mua xe mới. "Quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, cả một hệ thống mà không xử lý được nạn xe trá hình là hết sức vô lý", ông Cương nói.
Theo bà Phan Thị Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty CP Quản lý Bến xe Đà Nẵng, để giữ khách hành, chất lượng phục vụ phải được nâng cao, phải yêu xe, yêu khách. Phải xóa bỏ tâm lý của người dân về 1 tuyến xe Huế - Đà Nẵng chạy rề rà, nhồi nhét khách…
Kết luận Hội nghị, ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng chỉ đạo TTGT xây dựng kế hoạch cụ thể để xử lý xe dù bến cóc, xe trá hình, lực lượng chức năng sẽ làm liên tục, kiên quyết xóa bỏ vấn nạn này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận