• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
An toàn giao thông

Xin đừng “tự hại mình” như chúng tôi!

20/02/2018, 08:05

Ký ức vụ TNGT của một ngày cận Tết sau khi nhậu say 7 năm trước chưa bao giờ phai mờ trong anh Mến.

57

Nhóm tuyên truyền viên ATGT chia sẻ câu chuyện cuộc đời tại trường THPT Yên Dũng (Bắc Giang)

Chỉ vì một phút bồng bột, họ đã bị TNGT rồi trở nên tàn phế ở lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời. Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, họ đều đã phải trải qua muôn vàn gian khó. Chính vì thế, khi chia sẻ bài học cuộc đời mình với những người tham gia giao thông khác, đặc biệt là giới trẻ, họ đều dành lời khuyên cửa miệng: “Đừng ai như chúng tôi!” đi tìm hạnh phúc từ đau thương không đáng có.

Hủy hoại cuộc đời sau tay lái

Chiều cuối năm, anh Hà Anh Mến (SN 1987, ở xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, Bắc Giang) cùng vợ, chị Nguyễn Thị Loan (SN 1996) tất bật kiểm tra đơn, chuẩn bị hàng cho khách. Mến bảo, càng gần Tết, khách đặt kẹo gấc, kẹo bỏng của Mến càng nhiều. “Những ngày này, không chỉ vợ chồng em mà huy động cả ông bà, cháu chắt, rồi mấy anh chị gần nhà sang hỗ trợ làm kẹo cho kịp đơn hàng”, Mến vui vẻ nói.

Đang vui, bỗng anh Mến trầm lại, chăm chú nhắn tin trên điện thoại. Một lúc sau, anh ngẩng lên, cho hay có một thanh niên trẻ từ Bình Định mới kết bạn, hỏi về hoàn cảnh tật nguyền của anh Mến. “Tôi kể sơ qua cho bạn nghe về nguyên nhân vụ tai nạn khiến mình thành tật nguyền như thế này và khuyên bạn ấy đừng vì một phút sơ sẩy, chủ quan mà để rơi vào hoàn cảnh như tôi. Dù đã nhiều lần tham gia tuyên truyền ATGT từ câu chuyện của cuộc đời mình, nhưng lần nào nhắc lại, tôi cũng phải cố nén khóc”, anh Mến trải lòng.

Chương trình tuyên truyền ATGT “Câu chuyện của tôi - Bài học của bạn” đang tạm ngừng sau khi tổ chức được gần 40 buổi tuyên truyền tại các trường THPT, các trường dạy lái xe và các công ty, khu công nghiệp. Ước tính, thông điệp ATGT từ các nạn nhân TNGT đã lan truyền đến hơn 23.000 lượt thanh niên và người tham gia giao thông nói chung. Khảo sát cho thấy, sau khi tham gia chương trình này, 80% khán giả tuyên bố đã nhận thức được các hậu quả và ký cam kết lái xe không uống rượu, bia.

7 năm sau vụ tai nạn thương tâm ấy, anh Hà Anh Mến đã khiến mọi người ngạc nhiên, cảm phục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của anh. Dù bị TNGT liệt đôi chân và hai cánh tay, nhưng anh Mến loay hoay tìm đủ mọi cách kiếm sống, từ trồng sắn, nuôi thỏ, làm kẹo, bán hàng online… Với tình yêu kỳ diệu như trong chuyện cổ tích và sự hỗ trợ đắc lực của người vợ trẻ, hai vợ chồng anh Mến đã có nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống cậu con trai kháu khỉnh gần 1 tuổi.

Thế nhưng, ký ức từ vụ tai nạn của một ngày cận Tết 7 năm trước chưa bao giờ phai mờ trong anh Mến. Đêm mùng 8 tháng Chạp năm Canh Dần 2010, anh Mến và đám bạn nhậu đến khuya, rồi ngất ngư chạy xe máy về nhà. Trời mưa lạnh, đêm tối, anh Mến ngồi sau xe máy, người bạn cũng say lại chạy xe khá nhanh nên khi gặp chướng ngại vật trên đường, cả hai ngã văng xuống một vũng nước. Người đi đường phát hiện hai nạn nhân đang nằm tím tái, cứng đờ trong vũng nước lạnh giá, đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng anh Mến đã bị hỏng đốt sống cổ, liệt hai chân, hai tay.

“Tôi đã nhậu say, chạy xe tốc độ cao, thiếu chú ý quan sát dẫn đến hủy hoại cuộc đời, tương lai của mình, mong đừng ai như tôi”, anh Mến nói.

“Em đội MBH vào, đừng chạy xe máy nhanh quá, nhất là đừng uống rượu rồi chạy xe nhé, Tết nhất đến nơi rồi”, anh Nguyễn Quang Tạo (SN 1986, ở thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang) trìu mến dặn người khách đến lấy đôi chim bồ câu tại nhà của mình. Cũng như anh Mến, ngày 18/10/2008, anh Tạo đến hai đám cưới ở thôn Nam Ngạn. Dự xong hai tiệc cưới, cũng như hầu hết trai làng hôm đó, Tạo ngà ngà say. Phấn khích vì có hơi men, dù chỉ có GPLX môtô, anh Tạo vẫn nhảy lên xe tải của một người bạn lái thử trên đường làng. Đến khúc quanh, không làm chủ được tay lái, nên xe lật nhào và anh Tạo bị kẹt cứng bên trong.

Tương lai rộng mở của anh Tạo trở nên mù mịt khi bố mẹ dồn hết 500 triệu đồng, vẫn không cứu được đôi chân vĩnh viễn bị liệt của anh. Nỗ lực chứng minh cho mọi người thấy phương châm sống “tàn mà không phế” của mình, sau vụ tai nạn, anh Tạo học đánh máy vi tính, học chụp ảnh, mở hiệu chụp ảnh chân dung tại nhà, rồi quay sang mở quán bia hơi và giờ là nuôi bồ câu Pháp…

“Gần chục năm trước tôi đã có thu nhập 4 triệu đồng/tháng, đã xây được nhà 2 tầng ở mặt đường chính của làng. Vụ tai nạn đã đẩy cuộc đời tôi sang hướng khác. Vì vậy, nhìn thấy ai vi phạm giao thông, tôi đều nhói lòng, cố nhắc mọi người nhìn vào ví dụ sống là tôi mà đừng vi phạm luật”, anh Tạo nói.

Cũng chung tâm trạng “mong đừng ai rơi vào hoàn cảnh như mình”, anh Đậu Văn Vọ (SN 1987 ở thôn Việt Yên, xã Việt Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn sẵn sàng chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình để răn đe, cảnh báo mọi người tham gia giao thông đúng luật, an toàn. Mở một quán tạp hóa nhỏ ven tỉnh lộ cùng mẹ chăm sóc bố bị tai biến liệt toàn thân, anh Vọ có điều kiện tiếp xúc với nhiều khách hàng, nhiều người tham gia giao thông. Và một cách tự nhiên nhất, anh Vọ như một tuyên truyền viên ATGT với câu chuyện sống động từ chính vụ tai nạn mà mình trải qua, khiến anh mất đi đôi chân và phải sống cuộc sống tật nguyền…

Câu chuyện của tôi - bài học của bạn

Các anh Hà Anh Mến, Nguyễn Văn Tạo, Đậu Văn Vọ hay Nguyễn Hữu Lưu (26 tuổi, trú tại khu phố Nam Hải, phường Trung Sơn, TX Sầm Sơn, Thanh Hóa)… đều có chung hoàn cảnh bị TNGT và trở nên tàn phế. Giờ đây, họ đều là những tuyên truyền viên của chương trình “Câu chuyện của tôi - Bài học của bạn”.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia chương trình, anh Đậu Văn Vọ bảo, khó khăn lắm. Bởi, không ai muốn kể lại câu chuyện buồn của cuộc đời mình, nhất là lại trước cả trăm, cả nghìn người, với micro, máy ảnh, thậm chí cả quay hình. “Chúng tôi vốn chỉ là những công nhân, người buôn bán, kỹ sư… vốn chưa từng nói trước đám đông, tự nhiên phải nói đã run rồi, lại còn nói về câu chuyện của chính mình, càng run hơn. Nhưng các anh, chị ở Ban tổ chức nói về tính thiết thực, ý nghĩa tuyên truyền nhằm thức tỉnh, cảnh báo người khác, nên chúng tôi cố gắng tham gia, mãi rồi thành quen, quen rồi thành phản xạ, trong cuộc sống đời thường cũng sẵn sàng tuyên truyền”, anh Vọ nói.

Anh Mến tâm sự, nhiều lần kể lại câu chuyện buồn của cuộc đời mình, anh cố nén khóc. Nhưng khi nhìn phía dưới hội trường thấy nhiều người cũng khóc, anh cảm thấy bản thân nhận được sự chia sẻ, đồng cảm. “Tuyên truyền ATGT cho mọi người nhưng mình cũng được lợi, đó là sự tự tin, hòa nhập với cộng đồng”, anh Mến nhìn nhận.

Anh Tạo chia sẻ, sau tai nạn, anh cũng như các nạn nhân khác, đều như con ốc thu mình trong vỏ, thấy mình sống thật vô ích. Nhưng chính nhờ tham gia chương trình tuyên truyền ATGT “Câu chuyện của tôi - Bài học của bạn”, anh Tạo thấy mình sống có ích, có niềm tin vào cuộc sống.

“Mỗi lần lên sân khấu, tôi chỉ đơn giản kể lại câu chuyện của chính tôi, chỉ vì ham vui uống rượu bia, lại phấn khích, bồng bột điều khiển phương tiện khi chưa có GPLX hợp lệ, tôi đã trở nên tàn phế. Tôi mong các bạn lắng nghe câu chuyện của tôi để rút ra bài học, từ đó sống có bản lĩnh, trách nhiệm, tuân thủ Luật GTĐB để bản thân mình và người khác không phải là nạn nhân của TNGT. Tôi kể chuyện xong, nhiều phụ huynh học sinh, các bạn trẻ đến cảm ơn, hứa sẽ không vi phạm giao thông nữa”, Tạo kể.

“Câu chuyện của tôi - Bài học của bạn” là chương trình tuyên truyền ATGT được Tổ chức Handicap International triển khai từ năm 2013-2018 tại Bắc Giang và Bình Thuận. Chị Trịnh Thị Vân Giang, nguyên Giám đốc Dự án ATGT cho thanh, thiếu niên, Tổ chức Handicap International cho hay, để thực hiện chương trình, Handicap International phối hợp với Ban ATGT các tỉnh tìm đến những nạn nhân TNGT, thuyết phục các bạn tham gia làm tuyên truyền viên cho chương trình.

“Bản thân các nạn nhân TNGT thường mang tâm lý bi quan, không muốn tiếp xúc với người khác và càng không đủ dũng cảm kể câu chuyện của mình với bất cứ ai. Dần dần qua nhiều lần gặp gỡ, chia sẻ, động viên, các nhân vật đã chấp nhận chia sẻ câu chuyện của mình để làm bài học cho người khác. Sau khi chia sẻ câu chuyện và nhận thấy sự đồng cảm, hữu ích của việc mình làm, các tuyên truyền viên ATGT - nạn nhân TNGT đều cho biết cảm thấy bớt day dứt, lấy lại niềm tin trong cuộc sống”, chị Giang cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.