Tới đây xe Uber, Grab kinh doanh vận tải phải gắn mào tương tự taxi truyền thống - Ảnh: Tạ Tôn |
Vì sao phải gắn mào cho Uber, Grab?
Điều 18 dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 đang được Tổng cục Đường bộ VN trình Bộ GTVT quy định, xe taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử xe Uber, Grab phải có hộp đèn (mào taxi) với chữ ”TAXI E” (E là Electronic) gắn cố định trên nóc xe. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, xe taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử kết nối với thiết bị điện tử của hành khách phải cung cấp cho hành khách hóa đơn điện tử, trong đó có các thông tin về chuyến đi gồm: Tên đơn vị, biển kiểm soát xe, điểm đầu, điểm kết thúc; Hành trình, cự ly di chuyển; Thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi, số tiền hành khách phải trả.
Theo ban soạn thảo, trong quá trình phát triển của hoạt động vận tải, quyền lợi của người dân sẽ được coi là trung tâm, người dân được quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ phù hợp. Chính vì vậy, ban soạn thảo đề xuất đưa loại hình taxi mới này vào quản lý để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để các doanh nghiệp cùng phát triển.
"Lần sửa đổi Nghị định 86 này trên tinh thần công bằng giữa các loại hình vận tải và lực lượng thực thi công vụ phải kiểm tra, xử lý được, nếu đưa ra mà không kiểm tra, xử lý được cũng vô nghĩa”. ông Nguyễn Văn Huyện |
Lý giải về quy định này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, hoạt động của xe Uber đang tồn tại nhiều bất cập như: Xe Uber hoạt động tại Việt Nam nhưng việc quản lý lại nằm ở nước ngoài, phần mềm ứng dụng của Uber chưa có phương án quản lý, không thu được thuế... Đối với xe Grab, để hạn chế những bất cập, hiện Chính phủ đang cho phép tổ chức thí điểm hoạt động của loại taxi này trên 5 tỉnh, thành là: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh, sau đó sẽ rút kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp lý phù hợp để quản lý.
Là doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống, ông Phạm Duy Kính, đại diện hãng taxi Vic cho biết, trong khi taxi truyền thống đang bị ràng buộc bởi nhiều quy định của luật pháp thì xe Grab, Uber lại bỏ qua nhiều quy định như: Không có phù hiệu, niên hạn của phương tiện, thiết bị giám sát hành trình, đồng hồ tính cước, máy in hóa đơn, bảng giá nên giá cước được tự do điều chỉnh theo mong muốn của hãng.
“Loại hình kinh doanh vận tải này được tự do phát triển số lượng xe, tận dụng xe tư nhân để hoạt động kinh doanh gây rối loạn thị trường. Việc xe Uber, Grab hoạt động nằm ngoài sự điều chỉnh của Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang đẩy các doanh nghiệp taxi truyền thống vào tình thế cạnh tranh bất bình đẳng”, ông Kính bộc bạch.
Taxi tính tiền qua phần mềm điện tử hoạt động tại Việt Nam nhưng quản lý ở nước ngoài, nên chưa có phương án quản lý, không thu được thuế - Ảnh: Tạ tôn |
Quản chặt xe Uber, Grab
Theo các chuyên gia, bên cạnh ưu điểm tiện lợi, giá rẻ, hiện tại Grap và Uber bộc lộ nhiều bất cập về tính pháp lý tại thị trường Việt Nam. Dịch vụ này không đăng ký kinh doanh, không đảm bảo được quyền lợi, an toàn của khách hàng, kinh doanh vận tải không logo, đồng hồ tính cước, không tổng đài như taxi truyền thống. Uber cũng không có sự kiểm soát của cơ quan thuế. Trước những thách thức này, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 sẽ có những quy định chặt để quản lý hoạt động của Uber, Grab trên thị trường Việt Nam là hợp lý.
Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, ứng dụng phần mềm hoạt động như Uber hay Grap là xu thế của tương lai, vì vậy phải kịp thời đưa vào là đối tượng cần điều chỉnh. “Những xe này hiện không có mũ taxi, không ai phân biệt được, không có nghĩa vụ thuế, không có sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành vận tải. Vì vậy, phải đưa vào để quản lý thống nhất như một loại hình taxi”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, Grab, Uber đang vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải của Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, loại hình kinh doanh xe taxi là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đơn vị kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện nhất định như đăng ký kinh doanh, bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh; Xe phải gắn thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt bảng hiệu, logo, đồng hồ tính cước… Đây là những điều kiện mang tính bắt buộc để một công ty taxi hiện nay được hoạt động.
Trả lời về các trường hợp khi đã có quy định phải có chữ “TAXI E” gắn cố định trên nóc xe mà không chấp hành, cách nào nhận biết để xử lý, bà Hiền cho rằng, khi quy định được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cũng quy định trách nhiệm xử lý vi phạm trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính xử lý vi phạm. Xe taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử kết nối với thiết bị điện tử của hành khách sẽ phải đăng ký phần mềm với cơ quan quản lý Nhà nước. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ thanh, kiểm tra để xử lý nếu vi phạm.
Để có thông tin đa chiều, Báo Giao thông đã gửi nội dung trao đổi xung quanh vấn đề này đến Uber Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận được câu trả lời từ đơn vị này. Còn đại diện Grap cho biết: “Không đưa ra ý kiến vì chưa đủ thời gian nghiên cứu dự thảo nghị định. Đơn vị sẽ tìm hiểu dự thảo văn bản và đóng góp ý kiến trực tiếp với Ban soạn thảo nếu thấy phù hợp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận