Những chiếc xe cơi nới thành thùng, chở cát “có ngọn” từ Gia Lai đưa cát về Đắk Lắk tiêu thụ
Xe cơi thùng, chở vật liệu, nông sản... có dấu hiệu quá tải hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm dọc nhiều tuyến quốc lộ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, gây mất trật tự ATGT, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý của lực lượng chức năng chưa rốt ráo khiến thực trạng này diễn ra nhức nhối.
“Núi cát di động” trên đường
Những ngày gần đây, có mặt trực tiếp trên nhiều đoạn tuyến QL 25, 26, 29, đường Hồ Chí Minh qua 2 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk..., PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều đoàn xe tải có dấu hiệu quá tải, quá khổ chạy rầm rập.
Dễ thấy các xe này hầu hết cơi nới thành thùng, dấu hiệu quá tải, dán logo: Tân Thành Đạt, Đại Thành, Minh Lợi, Hoàng Giang, Phương Nga, Hải Anh, Thanh Tuấn, Toàn Thắng... chạy nghênh ngang cả ngày lẫn đêm.
Đơn cử, ngày 4/5, tại mỏ cát của Công ty TNHH Xuân Hương (xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), PV bám theo đoàn xe tải BKS: 47C-145.25; 47C-230.67; 47C-242.32; 47C-242.25; 47C-125.86 kéo rơ-moóc BKS 47R-001.77; 81C-171.95; 47H-000.12; 81C-0948; 47H-001.14; 47C-232.69 vào “ăn hàng” rồi chở cát đi các huyện của tỉnh Đắk Lắk tiêu thụ. Các xe cơi nới thành thùng trên dưới 0,5m, được đổ cát “có ngọn”, tài xế vội vàng phủ bạt rồi cho xe ì ạch rời bãi.
Cứ thế, đoàn xe nối đuối nhau chạy ra QL25, lên đường tỉnh lộ 15 - đường tránh Ea H’leo - đường Hồ Chí Minh và điểm đến cuối cùng tại bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) ở huyện Ea H’leo, Krông Búk, TX Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk). Suốt hành trình, nước từ thành thùng chảy từng dòng xuống mặt đường, gây mất ATGT nghiêm trọng.
Tương tự, tại một mỏ cát khác nằm trên dòng sông Ba (thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), những chiếc xe tải cơi nới thành thùng đến cả mét, liên tục ra vào lấy cát chở về tỉnh Đắk Lắk tiêu thụ.
Chỉ trong vài giờ đồng hồ, hàng loạt xe ben BKS: 47C-213.70; 47C-212.58; 47C-201.41; 47H-002.03; 47H-002.60; 47C-132.46; 47C-185.64; 47C-212.67; 47C-176.78; xe đầu kéo 47C-186-15 kéo theo rơ-moóc 47R-003.06 và 47C-128.36 kéo theo rơ-moóc 47R-002.46 nối đuôi nhau vào “ăn hàng”.
Những “núi cát di động” trên thùng xe tải chở “có ngọn” cứ thế di chuyển ra QL25 rồi chạy thẳng về đường Trường Sơn Đông, lên QL29 (thuộc tỉnh Phú Yên). Từ đây, một số xe tiếp tục chạy theo hướng QL29 đưa cát về đổ tại huyện Ea Kar, Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk). Nhiều xe khác rẽ trái lên đường Trường Sơn Đông ra QL26 đưa cát về đổ ở các công trình tại huyện M’drắk.
Ngày 5/5, PV có mặt tại mỏ đá của Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Khánh và mỏ đá của Công ty Khai thác và chế biến đá Tân Phát (thuộc xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), tiếp tục ghi nhận hàng loạt các xe BKS: 47C-233.61; 47C-158.33; 47C-253.68; 47C-124.66; 47C-139.86; 47C-088.40 với thành thùng được cơi nới cao khoảng 0,5m, chở đá “có ngọn” chạy rầm rập, bụi theo lốp xe cuốn lên mù mịt cả đoạn đường.
Vô tư qua chốt TTKS
Xe quá tải tung hoành trên QL25
Nhiều ngày bám theo đoàn xe chở cát “có ngọn” hoạt động rầm rộ từ tỉnh Gia Lai về tỉnh Đắk Lắk trên hành trình gần 100km, tuy nhiên PV ghi nhận đoàn xe trên không gặp bất kì trở ngại nào, vô tư di chuyển như chốn không người.
Nhiều đoàn xe chở đá từ QL29 rồi di chuyển ra đường Hồ Chí Minh để đưa đá về các công trình tại huyện Ea H’leo, Krông Búk, tuy nhiên dọc suốt hành trình khoảng 70km đều không thấy bóng dáng lực lượng chức năng.
Đáng kể từ ngày 29/4 đến 7/5, nhiều xe tải chở cát, chở VLXD lưu thông trên tuyến đường độc đạo dọc QL25 đoạn từ Phú Thiện đến Chư Sê (Gia Lai) với chiều dài khoảng 40km, qua lại khu vực đường đèo... vẫn không bị lực lượng CSGT trên tuyến đường này kiểm tra, kiểm soát. Thậm chí, có gặp tổ TTKS của lực lượng chức năng, không hiểu sao đoàn xe này vẫn dễ dàng lọt qua.
Điển hình, tối 29/4, chiếc xe tải Howo Man, BKS 81H-001.25 và 81C-171.97 chở cát “có ngọn” xuất phát từ khu vực gần trung tâm huyện Phú Thiện ra phía đèo Chư Sê.
Chiếc xe chạỵ rất nhanh, nước văng xuống đường tung tóe. Đến đoạn đèo Chư Sê, chiếc xe mới giảm tốc chạy hướng về trung tâm phố huyện Chư Sê.
Khi đến đoạn giao nhau giữa QL25 với đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Chư Sê, chiếc xe này rẽ vào tuyến tránh rồi đi theo hướng về TP Pleiku. Trong đêm, chiếc xe ô tô đi qua chốt của 2 tổ tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT nhưng không hề bị dừng kiểm tra.
Trưa cùng ngày, ngay quán cơm dưới chân đèo Chư Sê thuộc xã Ayun Hạ (Phú Thiện), nhiều chiếc xe ben chở cát cũng trong tình trạng xe chất đầy tạo thành nóc dừng lại ven đường. Sau bữa ăn, những chiếc xe chở cát ấy lại vượt đèo Chư Sê hướng về phố huyện.
Trưa 29/4, PV ghi lại nhiều xe tải chở cát lưu thông trên tuyến đường QL25 nhưng không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Cụ thể, các xe ô tô BKS: 81C-171.97; 81H-00186 (đầu xe ghi chữ Hùng Lành); 81C-4112; 81C-0991; 81H-000.26; 81H - 178.91 (vật liệu xây dựng Vĩnh Thọ); 81C-115.57; 81H-002.19...
Dân bức xúc, chủ mỏ “ngại” làm căng
Những chiếc xe cơi nới chở đá “có ngọn” vô tư hoạt động trên địa bàn huyện Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’leo
Ông Nguyễn Văn An (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) bức xúc: “Xe chở đá chạy rầm rập cả ngày lẫn đêm khiến người dân mất ăn mất ngủ. Xe chở “có ngọn”, rơi vãi, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT vì đoạn đường có rất nhiều trường học”.
Nhiều người dân xã Hbông (huyện Chư Sê) cũng cho hay, xe chở cát “có ngọn” như vậy nhưng hiếm khi thấy lực lượng chức năng xử lý, dù ngay đầu đèo Chư Sê, trên QL25 có một tổ CSGT thường xuyên ở đó.
Theo ông Trịnh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện (Gia Lai), huyện có 6 mỏ cát, các mỏ cát này đều được quy định lắp camera, cân giám sát tải trọng hàng hóa. Tuy nhiên, tình trạng xe chở cát quá tải trên địa bàn vẫn diễn ra. “Sắp tới huyện sẽ kiểm tra việc lắp đặt các loại cân, camera tại các mỏ này; đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng cắm biển hạn chế tốc độ tại các tuyến đường và yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, kiểm soát”, ông Sang nói.
Ông Nguyễn Đức Phương Toàn, Giám đốc Công ty Khai thác và chế biến đá Tân Phát tại huyện Ea H’leo cho hay: “Hàng năm mỏ đều kí cam kết với TTGT (Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk) về việc không bốc hàng quá khổ, quá tải, nhưng rất khó thực hiện đúng vì các xe vào mua hàng thì mỏ phải bán. Mình làm khó các xe thì họ không mua đá”.
Tương tự, ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Khánh lý giải: “Xe cộ vào mỏ muốn xúc bằng thùng, mỏ muốn làm đúng để xe đi cho an toàn, nhưng dân mua thường xin múc thêm. Mỏ mong muốn tất cả các xe chở bằng thùng cho an toàn, đỡ hư hỏng đường sá, nhưng mình làm căng, còn các mỏ khác không làm thì các xe không vào mỏ mua đá nữa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận