Xe quá tải chở vật liệu xây dựng băm nát đê Tả Đuống |
Xe tải rầm rập suốt ngày đêm
Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, trên tuyến đê Tả Đuống, đoạn từ ngã 5 cầu Đuống vào xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thường xuyên diễn ra tình trạng xe chở vật liệu trọng tải lớn lưu thông gây mất ATGT, dù đây là tuyến đê chỉ cho phép xe trọng tải dưới 10 tấn hoạt động.
Những chiếc xe ben chở cát, sỏi chạy tấp nập không ngừng vương vãi cát sỏi xuống đường đê làm cho xe máy gặp nhiều khó khăn khi lưu thông qua đây. Những “hung thần” quá tải này này khi di chuyển chiếm tới 2/3 chiều rộng của con đường nên người dân thường xuyên phải dừng lại, nép vào một bên.
Người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, đoạn đê Tả Đuống này thường xuyên phải sửa chữa do xe quá tải chạy qua làm hư hỏng. Mặc dù mới được sửa chữa, đổ bê tông nhưng chỉ thời gian ngắn, tuyến đê đã có dấu hiệu xuống cấp. Trên toàn tuyến, nhiều vị trí đã bị nứt, lún đặc biệt nhiều đoạn bị gồ ghề do xe chở áp phan vương vãi xuống mặt đường.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, tuyến đê trên có chiều dài khoảng 4km, bắt đầu từ ngã 5 cầu Đuống đi qua địa phận các xã Yên Viên, Dương Hà, Phù Đổng và kết thúc tại nút giao cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Hàng ngày, ngay từ 8h sáng cho tới tận đêm khuya, hàng chục chiếc xe chở vật liệu xây dựng trọng tải lớn liên tục lưu thông qua đây. Không chỉ gây bụi mù mịt, các đoàn xe tải này là nỗi khiếp đảm đối với những người tham gia giao thông trên đường.
Những người dân sinh sống tại đây cho biết, tình trạng trên đã diễn ra cả chục năm nay, kể từ khi tại bãi sông đầu cầu Đuống thuộc địa phận xã Yên Viên được nhiều doanh nghiệp chọn làm nơi tập kết vật liệu xây dựng. “Không hiểu vì lý do gì, gần chục doanh nghiệp được phép tập kết, vận chuyển cát sỏi, than ở ngay gần bờ sông đem đi nơi khác bán. Hàng ngày, chúng tôi phải chịu cảnh bụi bặm, mất an toàn giao thông nên bức xúc lắm nhưng chẳng biết kêu ai”, một người dân xã Yên Viên bức xúc cho biết.
Chính quyền buông lỏng quản lý?
Biển hạn chế tải trọng bị đối tượng xấu cố tình nhổ gây khó khăn cho lực lượng chức năng |
Làm việc với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Viên giải thích, do đất nông nghiệp tại khu vực bờ sông Đuống nhiều năm nay không có khả năng canh tác nên UBND xã đã có chủ trương cho doanh nghiệp thuê để tập kết vật liệu xây dựng. Tất cả các doanh nghiệp trên đều ký hợp đồng với UBND xã và hàng năm tiền thu thuê đất xã đều nộp ngân sách. Ông Kỷ khẳng định, những chủ trương của xã là đúng và khu đất đã được thành phố quy hoạch.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông Kỷ cho biết, đó là quy hoạch gì và đề nghị cung cấp tài liệu thì ông Kỷ lại nói rằng “không nhớ”, chỉ biết đã được phê duyệt quy hoạch là bãi trung chuyển vật liệu. Trả lời câu hỏi, chính quyền xã có biết việc tồn tại bãi trung chuyển như vậy đã khiến tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động, gây mấy trật tự an toàn giao thông hay không, ông Kỷ lại khẳng định, chưa bao giờ nghe thấy người dân phản ánh về tình trạng trên. Thậm chí, ông Kỷ còn cam kết rằng từ trước đến nay chưa bao giờ có vụ tai nạn nào do xe quá tải gây ra trên toàn tuyến đê này. Câu trả lời này là hoàn toàn trái ngược so với thực tế mà PV đã ghi nhận trong nhiều ngày qua.
>>>Xem thêm video:
Trong khi đó, ông Trần Việt Hải, Đội trưởng Đội TTGT huyện Gia Lâm thừa nhận, trên tuyến đê Tả Đuống có tình trạng xe quá tải. Ông Hải cho biết, thời gian qua, Đội TTGT huyện Gia Lâm cũng đã nhận được phản ánh từ người dân và triển khai nhiều kế hoạch xử lý. Trong quá trình xử lý vi phạm, Đội TTGT huyện Gia Lâm đã xử phạt nhiều trường hợp. Tuy nhiên, trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng trong khi thời gian hoạt động của các xe chở vật liệu này lại rất dài.
“Khi chúng tôi tổ chức tuần tra, kiểm soát hầu như không có xe nào hoạt động. Rất có thể, có đối tượng “chim lợn” khi phát hiện ra lực lượng TTGT đã báo cho các chủ xe dừng hoạt động. Bên cạnh đó, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, hệ thống biển báo hạn chế tải trọng tại đầu cầu Đuống đã bị nhổ đi bất thường khiến công tác xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cơ quan quản lý liên quan để cắm lại và hoàn thiện hệ thống biển cấm trên toàn tuyến nhưng chưa được quan tâm”, ông Hải cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Anh Tú, Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm thừa nhận, tại khu vực bãi sông cầu Đuống đang có một trạm trộn bê tông và gần chục doanh nghiệp kinh doanh than, vật liệu xây dựng. Hiện tại, chỉ có 3 doanh nghiệp được thành phố cấp phép, còn lại chỉ ký hợp đồng thuê đất với UBND xã Yên Viên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn lại đang làm thủ tục và chờ thành phố phê duyệt. Về tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông, UBND huyện nhận được nhiều phản ánh từ người dân và đã có kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực xử lý. |
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận