Lực lượng chức năng Bình Định phải tổ chức cưỡng chế xe đầu kéo do tài xế Nghiệp "ăn vạ" ra khỏi trạm cân |
Tối 28/3, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quả, Chánh TTGT Bình Định, Trưởng trạm cân tải trọng Bình Định xác nhận: Tổng cục Đường bộ VN vừa kết luận chính thức xe “ăn vạ” ở trạm cân Bình Định quá tải 20%.
Theo đó, tối ngày 6/3, tài xế Lê Thành Nghiệp (35 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) điều khiển xe đầu kéo BKS 86H - 4139 kéo rơ moóc BKS 51R - 003.06 lưu thông qua QL1 Bình Định. Đến Trạm kiểm soát tải trọng (trạm cân) Phước Lộc Bình Định, tổ cân kiểm tra cho kết quả xe có tổng tải trọng 49,7 tấn. Trong đó, khối lượng hàng hóa chở (gồm 560 bao phân bón và container) là 36,593 tấn, vượt quá quy định tải trọng cho phép khi tham gia giao thông hơn 6,093 tấn, bằng 20%. Sáng 7/3, trạm cho cân lại xe này lần 2 cũng cho cùng kết quả quá tải 20%.
Tuy nhiên, tài xế Nghiệp một mực phản đối, cho rằng mình không chở quá tải và cho xe nằm “ăn vạ” khu vực đường dẫn vào bàn cân. Đến 18 giờ ngày 07/3, lái xe Nghiệp và phụ xe xin đưa xe vào Trạm cân của Công ty Tân Quốc Hưng (Km1216, QL1) để cân đối chứng. Nhưng khi Trạm cân đồng ý thì phía nhà xe lại "đổi ý", tiếp tục đậu xe trên đường khiến trạm cân này bị tê liệt hoạt động suốt gần 40 tiếng đồng hồ. Chỉ đến khi lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế (trưa ngày 8/3), kéo xe 86H-4139 ra khỏi trạm cân, mọi hoạt động mới diễn ra bình thường. Những ngày sau đó, ông Trần Văn Phương (chủ DNTN vận tải ô tô Trần Phương tại TP.Phan Thiết)- chủ xe đầu kéo trên liên tục gửi đơn thư thắc mắc đến cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Quả, ngay từ đầu chủ xe và tài xế đã hiểu sai về tải trọng hàng hóa được phép chở trên xe. Chủ xe cho rằng hàng hóa là số bao phân, mà không tính thành thùng container là không đúng quy định. Trạm cân đã giải thích nhiều lần, nhưng chủ xe cố tình không chấp thuận. Để khách quan, đơn vị này đã báo cáo cơ quan chức năng, Tổng cục Đường bộ VN để có kết luận khách quan, cụ thể.
Tổng cục Đường bộ VN xác nhận bộ cân của trạm cân Bình Định là bộ cân của hãng Massload do Canada sản xuất, được Công ty Hanel cung cấp theo dự án của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã được kiểm định kỳ lần hai vào ngày 13/10/2015 và còn giá trị đến tháng 10/2016.
Theo kết luận chính thức của Tổng cục Đường bộ VN, quy trình và kết quả cân tại trạm cân Bình Định là chính xác. Xe đầu kéo BKS 86H - 4139 kéo rơ moóc BKS 51R - 003.06 có tổng trọng tải (tự trọng và tải trọng) là 49,7 tấn, trong khi chỉ được phép 43,607 tấn. Tính riêng tải trọng, xe chở đến 36,593 tấn trong khi quy định chỉ cho phép là 30,5 tấn, quá tải 20%. Việc nhà xe tính gộp thùng container vào xác xe (tự trọng) là không đúng quy định.
Ông Nguyễn Quả cho biết, trạm cân hoạt động theo mô hình liên ngành, gồm lực lượng CSGT dừng xe để TTGT tiến hành cân tải trọng. Các xe vi phạm quá tải, sẽ bị CSGT lập biên bản xử lý theo các quy định hiện hành.
Với lỗi chở quá tải ở khung trên 10-30%, tài xế Nghiệp bị xử phạt hành chính 900.000 đồng, chủ xe bị phạt 3 triệu đồng vì giao xe người làm công chở hàng hóa vượt quá tải trọng hàng hóa. Hành vi cản trở lực lượng thi hành công vụ, không theo yêu cầu đưa xe ra khỏi trạm cân, xe này bị phạt theo Nghị định 167 Chính phủ là 2,5 triệu đồng. Đồng thời phía nhà xe phải chịu hoàn toàn tiền thuê xe cẩu kéo, giải phóng phương tiện ra khỏi trạm cân theo hóa đơn của đơn vị cẩu chuyên dụng là 15 triệu đồng. Tổng cộng số tiền phạt là 21,4 triệu đồng.
"Lỗi quá tải ở khung này tài xế không bị tạm giữ GPLX, nên khi phía nhà xe thực hiện đủ các quy định về nộp phạt hành chính thì liên hệ với Phòng CSGT công an tỉnh để lấy lại giấy tờ", ông Quả nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận