Không cần bằng lái, những chiếc xe gắn máy dưới 50 phân khối (50cc) với các chức năng, tốc độ chẳng hề thua kém xe môtô trên 50cc được trao vào tay những cô cậu học trò hầu như chưa được đào tạo kỹ năng.
“Độ chế”, doa nòng tăng tốc độ
Chiều muộn một ngày cuối năm 2019, tại quán nước ven hồ Tây, từng tốp học sinh ngồi uống nước, trò chuyện rôm rả. Cách đó không xa là gần 10 chiếc xe gắn máy BKS bắt đầu bằng các chữ cái: AA, AF, AL… Đó là BKS của xe gắn máy động cơ nhiệt dung tích xi-lanh đến 50cm3. Theo Luật GTĐB 2008, điều khiển loại xe này không cần GPLX. Tàn câu chuyện, những cô cậu học trò đầu không đội MBH nhảy lên những chiếc xe gắn máy, rú ga, lạng lách lao vào dòng người đông nghẹt trên phố.
Chiều 6/12, trên các trục đường như Phan Bội Châu, Mai Hắc Đế, Lê Lợi (TP Vinh), không khó để bắt gặp các học sinh điều khiển xe gắn máy, không đội MBH tới trường.
“Em thích đi xe gắn máy hơn xe điện vì trông nó nam tính mà lại không phải chờ sạc pin sau mỗi lần sử dụng. Xe cũng có nhiều loại, nhiều mẫu mã đẹp hơn”, em Vũ Huy H. (học sinh lớp 11, trường HHT) nói và cho biết, chiếc xe Halim Alpha em đang sử dụng được bố mẹ mua với giá 12,5 triệu đồng. Trên thị trường hiện cũng có nhiều loại xe như: SYM Galaxy, xe giống Serius, Honda Cup, một số xe Trung Quốc...
Thầy Hoàng Minh Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: Trường có 39 lớp với 1.700 học sinh. Qua theo dõi danh sách đăng ký gửi xe thì có trên 90% số học sinh trong trường sử dụng xe máy điện và xe gắn máy dưới 50cc.
“Những năm trước đây các em còn đi xe đạp, xe đạp điện, nhưng giờ thì chủ yếu là xe máy điện và xe gắn máy dưới 50cc. Các xe này ngoài gắn biển AA thì nhìn bề ngoài không khác gì xe máy thông thường”, thầy Lương cho hay.
Còn theo cô Phạm Mai Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), trường hiện có hơn 1.600 học sinh, trong đó khoảng 900 em sử dụng xe gắn máy. Các bậc phụ huynh có xu hướng lựa chọn loại xe gắn máy dưới 50cc ngày càng nhiều vì không phải sạc điện, thay ắc quy như xe đạp điện và học sinh không cần GPLX.
Với lợi thế không cần GPLX và giá chỉ từ khoảng 12 - 22 triệu đồng, xe gắn máy được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để trang bị cho con mình. Anh Nguyễn Văn Thành ở phố Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con trai vào học lớp 10, cháu nói giờ có thể tự đi học được không cần bố phải đưa đón nên muốn mua một chiếc xe để đi. Nhà xa, đi xe đạp sợ cháu vất vả, thấy tại một số cửa hàng bán loại xe gắn máy dưới 50cc, không cần bằng lái nên tôi đã mua cho cháu để tiện đi lại”.
Theo quy định, xe gắn máy có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/h (dung tích xi-lanh không được lớn hơn 50cm3), tuy vậy, trên đường phố không khó để bắt gặp những cô cậu học sinh điều khiển những chiếc xe gắn máy phóng với tốc độ 60 - 70km/h. Theo tìm hiểu của PV, những chiếc xe này đều đã được “độ”, doa nòng để đạt dung tích xi-lanh lên tới 60 - 70cm3 thậm chí là 100cm3. Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng sửa xe không ngần ngại quảng cáo dịch vụ “độ xe”, hướng dẫn cách độ, các loại vật liệu để độ xe. Nếu kiểm tra, số dung tích xi-lanh dập trên thân máy vẫn theo đăng ký, nhưng thực tế tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Trung tá Cao Xuân Cương, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Công an TP Hải Phòng) cho biết, đặc điểm của loại xe này là dù trên giấy tờ đăng kiểm chỉ giới hạn tốc độ thấp nhưng nhiều phương tiện được “độ chế” để đạt được tốc độ lên tới 70 - 80 km/h. Lực lượng CSGT hiện chưa có phương tiện, thiết bị để phát hiện những chiếc xe được “độ chế” theo kiểu “doa nòng” vì chúng không hề bị tẩy xóa. Xe được thiết kế với thông số kỹ thuật chỉ đảm bảo tốc độ dưới 50km/h nhưng lại vận hành thực tế tốc độ cao hơn nhiều (sau khi được “độ chế”) nên khi xảy ra va chạm, TNGT thường để lại hậu quả lớn.
Nguy hiểm rình rập
Thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, đến hết năm 2019 Phòng đã cấp đăng ký cho 43.555 xe gắn máy và 93.210 xe máy điện.
Tại Hải Phòng, đến nay số lượng xe gắn máy dưới 50cc đăng ký đã tăng nhanh, với khoảng 20.000 chiếc. Từ đầu năm 2019 đến nay, xấp xỉ 10.000 chiếc đăng ký mới, tăng gần 100% so với tổng số xe những năm trước cộng lại.
Tại TP Hải Phòng gần đây, hễ vào ban đêm, từng tốp học sinh lại tụ tập quanh tuyến phố đi bộ Tam Bạc (quận Hồng Bàng) chuẩn bị cho một cuộc đua xe đêm dành cho loại xe AA. Hoạt động tổ chức đua xe đó không qua mắt được các cán bộ trinh sát Công an Hải Phòng. Đêm đó, trinh sát Phòng CSHS phối hợp với CSGT bắt được 2 thiếu niên tham gia vào đoàn đua xe là Vũ Huy A. (SN 2004, trú phường Lãm Hà, quận Kiến An) và Bùi Huy H. (SN 2005, trú phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) điều khiển xe gắn máy hiệu Yamaha Sirius 50cc, tham gia vào nhóm đua xe, lạng lách trên tuyến phố đi bộ Tam Bạc. Cả 2 đều chưa đủ 16 tuổi để được điều khiển xe gắn máy theo quy định.
Đây chỉ là một trong vô số vụ việc mất ATGT liên quan đến đối tượng sử dụng xe gắn máy dưới 50cc. Thực tế, vi phạm giao thông và TNGT liên quan đến loại phương tiện này xuất hiện ngày càng nhiều.
Hồi 21h tối 28/9 tại cầu Nhật Tân hướng Đông Anh đã xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa 1 ô tô tải với 1 xe môtô và 1 xe gắn máy. Thời điểm trên, ô tô tải BKS 29H-163.33 đang lưu thông xảy ra va chạm với xe môtô BKS 29Z1-188.35 và 1 xe gắn máy dưới 50cc BKS 29AA-542.03 do nam thanh niên SN 2001 điều khiển. Hậu quả, nam thanh niên điều khiển xe 29AA-542.03 tử vong tại chỗ.
Trước đó, sáng 16/9, tại đường 403 thuộc phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, em Đỗ Thị Thúy Ph. (phường Tân Thành, quận Dương Kinh) điều khiển xe gắn máy dưới 50cc, chở bạn học cùng lớp là Vũ Văn Duy K. (phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn) do không làm chủ tốc độ, khi đến gần 1 chiếc xe ôtô bán tải đi cùng chiều, em Ph. lạng tay lái ngã về bên trái va chạm với ôtô đầu kéo đang đi tới khiến em K. tử vong tại chỗ.
Theo Ban ATGT Hải Phòng, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn có hơn 10 người tử vong vì TNGT liên quan đến xe gắn máy động cơ nhiệt 50cm3 (tăng gấp 4 lần cả năm 2018) cùng hàng chục người bị thương. Người điều khiển xe gắn máy gây tai nạn phần lớn là thanh, thiếu niên tuổi từ 13 - 17, trong số đó có người mất mạng, có người mang thương tật suốt đời.
Cho đến bây giờ, sau nhiều ngày điều trị, anh Bùi Văn Nam ở quận Lê Chân (Hải Phòng), chân vẫn đi tập tễnh. Trước đó, trưa một ngày cuối tháng 9/2019, trong khi đang dừng môtô để chuẩn bị dắt lên vỉa hè ở đường Tô Hiệu, anh Nam bị một chiếc xe gắn máy biển AA đâm thẳng vào, khiến chiếc Jupiter của anh bị vỡ nát vỏ. Chân đau nhói, anh loạng choạng đứng dậy, thấy một gương mặt non nớt, mặc đồng phục học sinh đang dựng chiếc xe máy dậy. Nén đau, anh đành để cho cậu bé dắt xe đi vì thấy cậu ta mếu máo sợ muộn học. Ngoài sửa xe hết gần 2 triệu đồng, anh phải điều trị dài ngày mới đi lại được…
Nên sửa quy định, xe gắn máy cũng cần GPLX
Một ngày cuối năm 2019, 4 chiếc xe gắn máy chở theo 8 cô cậu học sinh đều không đội MBH vô tư lưu thông trên phố Cầu Đất (Hải Phòng). Lực lượng CSGT ra hiệu dừng xe kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, CSGT cũng chỉ xử phạt được lỗi không đội MBH. “Những cô cậu học trò này điều khiển xe gắn máy dưới 50cc không cần GPLX. Chúng tôi chỉ có thể xử phạt các lỗi như vượt đèn đỏ, không đội MBH, mức phạt thấp nên không đủ răn đe”, vị này nói.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước khi có Luật GTĐB 2008 vẫn có quy định yêu cầu phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đối với người điều khiển xe gắn máy. Tuy vậy, khi Luật GTĐB 2008 được ban hành, lại cho phép người điều khiển xe gắn máy không cần phải có GPLX.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2019 có gần 900 xe gắn máy chạy xăng được nhập khẩu, tương đương với con số của năm trước.
Xe sản xuất, lắp ráp trong nước, năm 2018 có hơn 283.000 xe được cấp chứng nhận đăng kiểm, còn trong 11 tháng 2019 là hơn 267.000 xe.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần thiết phải có quy định yêu cầu người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện hay xe gắn máy dưới 50cc phải có GPLX. Vì thế, khi sửa đổi bổ sung Luật GTĐB sắp tới cần phải đưa vào quy định này. Có thể không cần GPLX đầy đủ như người trưởng thành nhưng ít nhất cũng phải là một loại chứng chỉ để đảm bảo các em từ 16 - 18 tuổi sử dụng các loại xe trên được học những kiến thức luật cơ bản, nhận diện các biển báo cơ bản và đặc biệt có những kỹ năng để tránh xe tải, xe buýt thế nào, đi làm sao cho an toàn…
Cũng theo ông Hùng, trước việc nhiều vụ TNGT liên quan đến xe gắn máy, trong đó nhiều người đặt ra nghi vấn về chất lượng của nhiều xe gắn máy, có hiện tượng xe có thông số kỹ thuật dưới 50cc nhưng thực tế động cơ được “độ chế” đến 80cc thậm chí 100cc, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh loại xe này.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng khuyến cáo, tới nay Luật GTĐB chưa yêu cầu phải có GPLX nhưng bản thân nhà trường, phụ huynh cần phối hợp với các cơ sở bán loại xe này hướng dẫn cho các cháu học sinh cách sử dụng phương tiện, hướng dẫn lái xe an toàn, tuân thủ Luật GTĐB vì an toàn của chính các cháu.
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An kiến nghị: Trong khi chờ điều chỉnh về luật, Bộ GTVT và Bộ GĐ&ĐT nên đưa các chương trình đào tạo ngoại khóa về kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy vào các trường học. Việc làm này sẽ giúp cho các em học sinh ở độ tuổi từ 16 - 18 củng cố chắc hơn kiến thức ATGT, kỹ năng lái xe, làm tiền đề cho các em khi tới tuổi cấp bằng.
Cùng quan điểm khi sửa Luật GTĐB nên có những quy định về quy tắc an toàn cho học sinh điều khiển loại xe gắn máy 50cc, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM đề xuất người sử dụng loại xe này cần được đào tạo, hướng dẫn các kỹ năng lái xe thông qua một khóa đào tạo ngắn ngày và được cấp chứng chỉ. Nội dung đào tạo về các quy định đảm bảo ATGT đường bộ, những kỹ năng khi điều khiển xe gắn máy 50cc, kiến thức về quy tắc giao thông như nhận biết biển báo, quy tắc nhường đường khi qua nút giao, quy tắc tránh vượt…
“Quá trình thực tế kiểm soát giao thông trên đường, chúng tôi nhận thấy xe này chẳng khác gì xe môtô. Chúng tôi kiến nghị cần nghiên cứu, đưa vào Luật GTĐB nội dung người điều khiển xe gắn máy cũng phải có bằng hoặc chứng chỉ gần tương đương với GPLX đối với xe môtô”, Trung tá Cao Xuân Cương, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Công an TP Hải Phòng) cho hay.
Nguồn gốc linh kiện xe gắn máy chủ yếu từ Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, xe gắn máy được xác định là phương tiện giao thông chạy bằng động cơ, có 2 hoặc 3 bánh và vận tốc thiết kế tối đa không lớn hơn 50km/h. “Nếu động cơ dẫn động là động cơ thì dung tích không lớn hơn 50cm3, động cơ điện thì công suất không quá 4kw”, ông Phương nói và cho biết, có nhiều mẫu mã, hình thức nhưng trên đường có thể nhận diện các kiểu loại phổ biến như xe Honda Cup, xe ga loại nhỏ…
Theo ông Phương, trước đây loại xe này chủ yếu được nhập khẩu, nhưng hiện nay nhập khẩu rất ít, chủ yếu là xe được sản xuất, lắp ráp trong nước, với nguồn gốc linh kiện có xuất xứ từ Trung Quốc. Các kiểu loại xe trước khi được nhà sản xuất, lắp ráp trong nước đưa ra thị trường đều phải được Cục Đăng kiểm VN thử nghiệm, kiểm định, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cơ sở sản xuất chỉ được sản xuất, lắp ráp khi đảm bảo các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, mẫu điển hình đã được thử nghiệm và chứng nhận chất lượng kiểu loại. Trong quá trình sản xuất, lắp ráp và xuất xưởng từng phương tiện được cơ sở sản xuất quản lý theo quy trình quản lý chất lượng, có sự kiểm tra, giám sát của Cục Đăng kiểm VN.
“Động cơ, kết cấu các bộ phận, chi tiết kỹ thuật của xe gắn máy được tính toán phù hợp với vận tốc lớn nhất của xe để đảm bảo hoạt động ổn định ở mọi chế độ. Trường hợp xe bị thay đổi kết cấu động cơ, “độ chế” nòng gây ra sự mất ổn định khi xe vận hành, nguy hiểm cho người sử dụng, nguy cơ xảy ra tai nạn do mất an toàn kỹ thuật”, ông Phương cho biết.
Huy Lộc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận