Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác ATGT toàn quốc 6 tháng đầu năm 2019 vừa được tổ chức, Bộ GTVT cho biết, 6 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 56 "điểm đen” TNGT và 36 điểm tiềm ẩn TNGT, trong đó có điểm đen tại đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Kon Tum).
Hiện Bộ GTVT đang tập trung các nguồn lực để xóa hết "điểm đen" TNGT trên hệ thống quốc lộ trong năm 2019. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố khi phát hiện các “điểm đen” trên địa bàn, đề nghị báo ngay cho Tổng cục Đường bộ VN để xử lý.
Theo Tổng cục Đường bộ VN, việc xác định “điểm đen” TNGT đường bộ và trình tự xử lý đã được quy định tại Thông tư 26/2012 của Bộ GTVT (quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác).
Cụ thể, “điểm đen” TNGT đường bộ được hiểu một vị trí, một đoạn đường hoặc trong khu vực nút giao mà trong 12 tháng xảy ra một trong các trường hợp: 2 vụ TNGT có người chết; 3 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 1 vụ có người chết; 4 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương.
"Điểm đen" TNGT được lập thành hồ sơ và được xử lý theo trình tự 8 bước: xác định và sơ bộ xếp hạng ưu tiên xử lý; thị sát hiện trường lần đầu; phân tích và sơ bộ xác định nguyên nhân; nghiên cứu hiện trường lần hai để xác định nguyên nhân; lựa chọn biện pháp khắc phục; xác định cơ quan chịu trách nhiệm xử lý; thực hiện xử lý điểm đen; theo dõi và đánh giá kết quả.
Cơ quan chịu trách nhiệm xử lý "điểm đen" là tổ chức trực tiếp quản lý đường bộ, sau khi được cơ quan thẩm quyền chấp thuận biện pháp xử lý (Tổng cục Đường bộ VN phê duyệt đối với hệ thống quốc lộ, UBND cấp tỉnh đối với đường địa phương, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với đường đầu tư theo hình thức BOT). Đơn vị thi công phải tuân thủ theo hồ sơ thiết kế xử lý "điểm đen".
Trường hợp nguyên nhân không liên quan đến cầu, đường và có giải pháp khắc phục khác, cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ kiến nghị cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền. Việc theo dõi và đánh giá kết quả xử lý "điểm đen" tổ chức quản lý đường bộ thực hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đề cập biện pháp khắc phục "điểm đen" TNGT trên đèo Lò Xo, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, các giải pháp xử lý gồm: cảnh báo, tuyên truyền và hạn chế tốc độ phương tiện, cứ 5 - 7 km có 1 biển thông tin cảnh báo để lái xe biết hạn chế tốc độ, đi đúng phần đường, về số thấp; lắp camera để phạt nguội; nâng chiều cao hàng rào hộ lan đường từ 1 tầng lên 2 tầng, sửa chữa 5 đường cứu nạn và làm thêm 12 hốc cứu nạn ở các điểm khó, không thể làm đường cứu nạn để lái xe xử lý trong trường hợp xe mất phanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận