Lực lượng cứu nạn hàng hải ở Việt Nam còn mỏng
Đó là nhận định của ông Phạm Công Đức, Phó Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) tại hội thảo “Khung pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển - Giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực", trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19.
Công tác tìm kiếm, cứu nạn phối hợp giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN hiện còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa
Cụ thể, theo ông Đức, lực lượng, nhân lực, phương tiện của Trung tâm đang quá mỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển nói chung và triển khai hoạt động phối hợp quốc tế tại các vùng biển xa, vùng biển quốc tế.
"Các tàu tìm kiếm, cứu nạn chuyên dụng hiện được trang bị chỉ hoạt động được ở mức sóng cấp 8 trở xuống. Các tàu đã cũ trên 15 tuổi, vùng giới hạn hoạt động trong khoảng 250 - 350 hải lý", ông Đức nói và nhấn mạnh: Các vụ việc tìm kiếm, cứu nạn tại các khu vực biển xa hoặc trong điều kiện bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa mạnh còn hạn chế về năng lực thực hiện nhiệm vụ. Tại các khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các đảo ngoài khơi của Việt Nam, khả năng tiếp cận của lực lượng cứu nạn còn yếu.
Liên quan tới việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Vietnam MRCC đánh giá, sự phối hợp vẫn còn hạn chế trong việc chia sẻ thông tin. Trong nhiều vụ việc phối kết hợp như vụ tìm kiếm máy bay MH370 hay phối hợp ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả của siêu bão Hải Yến năm 2013, ASEAN chưa thể hiện được vai trò của mình.
Đối với việc phân định vùng tìm kiếm cứu nạn, Việt Nam đến nay vẫn chưa thống nhất được với Trung Quốc và Philippines về phân định trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn, chủ yếu trên một số khu vực biển chồng lấn, có tính chất nhạy cảm về chính trị.
Không chỉ Việt Nam mà cả các thành viên của ASEAN cũng cần phối hợp chặt chẽ mới có thể nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn
Phối hợp với ASEAN, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn
Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, nhiều biện pháp đã được áp dụng trong công tác tìm kiếm cứu nạn tại Việt Nam thời gian qua như thực hiện phương châm "4 tại chỗ", phối hợp giữa Trung tâm tìm kiếm cứu nạn với các lực lượng chấp pháp trên biển như Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng...
Được biết, Vietnam MRCC cũng đang triển khai thủ tục tiếp nhận các trang thiết bị chuyên dùng thuộc phi dự án Trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại ODA của Chính phủ Nhật Bản theo đúng tiến độ đã đặt ra. Đồng thời, sẽ đề xuất các dự án mới sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.
Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên chính thức của Công ước Quốc tế về TKCN trên biển năm 1979 (Công ước SAR 79) từ năm 2007. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước SOLAS 1974, thông qua Tuyên bố ASEAN về hợp tác TKCN người và tàu thuyền gặp nạn trên biển, ký kết Thỏa thuận với Chính phủ Cộng hòa Philippines về hợp tác trong lĩnh vực TKCN...
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao là đầu mối phối hợp quốc tế và trực tiếp thực hiện các hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Để công tác tìm kiếm cứu nạn đạt được hiệu quả, ông Đức cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia ASEAN, xây dựng mô hình phối hợp hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và tìm kiếm cứu nạn điện tử, cũng như hệ cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn...
Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin nghiệp vụ qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, cũng như diễn tập TKCN phối hợp quốc tế.
Phía các quốc gia của ASEAN cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phản ứng thảm họa trong khu vực bằng cách nâng cao năng lực của ASEAN-ERAT về nhân lực, trình độ, trang thiết bị, khả năng điều hành phối hợp thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận