“Loạn” vận tải hành khách
Ngày 17/5, liên quan đến tình trạng “xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình” thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trao đổi với Báo Giao thông ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, tình hình vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bắt đầu hoạt động trở lại sau dịch.
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk trao đổi với Báo Giao thông. Ảnh: N.H
Các tuyến xe đã vào hoạt động và đang lấy lại “phong độ” nhưng ngược lại vì dư âm của dịch Covid-19 nên một số xe đã bỏ bến, sang chạy theo hình thức “xe dù, xe hợp đồng trá hình”, xe vào bến chỉ khoảng 40, 50%.
Sau khi Báo Giao thông đăng về tình hình lộn xộn vận tải trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Hiện nay, đối với xe bỏ bến chạy dù, xe hợp đồng trá hình, qua quá trình kiểm tra, giám sát, quản lý của cơ quan chức năng, tất cả các xe xuất nhập bến tại các huyện đã vào bến đến 80 - 90%, không còn tình trạng bỏ bến, ra ngoài chạy dù, bắt khách. Tuy nhiên, ở địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tình trạng trên còn rất lộn xộn.
>>> Video: Xe hợp đồng ngang nhiên gom khách lẻ, thu tiền từng khách đi xe.
“Hiện nay, ngoài xe hợp đồng trá hình chạy liên tỉnh, xe hợp đồng trá hình nội tỉnh cũng rất phức tạp. Đến thời điểm này đúng là loạn vận tải nội tỉnh. Hiệp hội vận tải kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, bằng những giải pháp như: trích suất dữ liệu, camera, giám sát hành trình (GSHT) để xử lý. Và hơn nữa, lực lượng TTKS trên đường tăng cường kiểm tra.
Xe hợp đồng trá hình thường xuyên hoạt động trên tuyến Quốc lộ 26, quần thảo trong trung tâm TP Buôn Ma Thuột đón, trả khách. Ảnh: N.H
Nghị định 10 đã quy định rất rõ, xe hợp đồng hoạt động trùng một lộ trình, liên tục quá 30% tần suất chạy trong tháng, nếu vượt quá là vi phạm, vi phạm thì phải xử lý, kiến nghị thu hồi phù hiệu. Những người lấy phù hiệu “xe hợp đồng” ngoài tỉnh về hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian không quá 70%, nếu quá thì làm văn bản gửi về Sở chủ quản để xử lý”, ông Mạnh khẳng định.
Tạo hệ lụy và gây thất thu thuế
Theo Hiệp hội vận tải Đắk Lắk, tình trạng xe dù bến cóc trên địa bàn Đắk Lắk có xử lý được không? Câu trả lời là xử lý được nhưng với điều kiện là lực lượng chức năng phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phải thực sự kiên quyết chứ làm nửa chừng thì khó. Bởi vì tuyến nào cũng vậy, địa phương nào cũng có, nếu làm không cương quyết thì rất khó, không triệt để.
Nhà xe Tiến Oanh hoạt động hợp đồng trá hình, "lập bến cóc" tại nhà xe ở TP.HCM. Ảnh: N.H
Phải làm triệt để như các xe trá hình ở tuyến Đà Nẵng - Huế, người ta cương quyết làm đúng theo quy định pháp luật. Nếu xe đi được đăng kí, xe có sự quản lý thì khi có tai nạn xảy ra, khách được nhiều quyền lợi hơn, hỗ trợ từ doanh nghiệp, hỗ trợ của vé hành khách,… gia đình ít thiệt hơn. Trong khi đó, xe hợp đồng, xe trá hình thì chẳng có gì.
“Nếu muốn dẹp tình trạng xe trá hình thì các cơ quan chức năng kiểm tra đúng theo quy định là trích suất dữ liệu sẽ thấy rõ ràng, mà thấy vi phạm thì thu hồi phù hiệu hoặc kiến nghị, phối hợp với các tỉnh thu hồi phù hiệu.
Nhà xe Thuận Vân liên tục hoạt động hợp đồng trá hình. Ảnh: N.H
Hiệp hội vận tải kiến nghị các cơ quan chức năng, nhất là Sở GTVT bám sát GSHT và camera theo Nghị định 10. Qua đó, biết được lộ trình, hành trình của các xe nếu xe có phù hiệu hợp đồng nhưng các xe hoạt động trùng một lộ trình, liên tục quá 30% tần suất chạy trong tháng thì đề nghị cơ quan quản lý thu hồi phù hiệu”, ông Mạnh kiến nghị.
Bên cạnh đó, Hiệp hội vận tải Đắk Lắk cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên nếu các xe có gia nhập thì nên định hướng cho các xe hoạt động đúng quy định của pháp luật. Những xe hợp đồng thường xuyên vi phạm, doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý phải nhắc nhở, động viên vào bến chạy, chứ chạy theo hình thức trá hình gây mất an toàn giao thông, không bảo đảm an ninh trật tự và gây rất bức xúc trong dư luận.
Cũng theo ông Mạnh, nếu để tình trạng “xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình” hoạt động tự do thì mô hình bến xe dần dần bị triệt tiêu, bởi vì người ta (xe khách-PV) chẳng vào bến làm gì. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã bỏ tiền tỷ ra đầu tư bến bãi theo quy hoạch của địa phương, nhưng xây dựng xong để đó, xe không vào.
Xe Anh Thư hoạt động "dù" bị lực lượng TTGT phát hiện, xử lý. Ảnh: N.H
“Xe hợp đồng trá hình gây ra sự thất thu thuế rất lớn. Những xe hoạt động trá hình, xe dù gần như không chịu bất kỳ đồng tiền thuế nào. Đơn cử, nếu xe vào bến, loại xe 16 chỗ vào bến một tháng đóng hơn 1 triệu tiền thuế (thuế ấn định); xe giường nằm thì cao hơn, phải đóng hơn 3 triệu/1 tháng (thuế ấn định).
Như vậy xe hợp đồng trá hình rất lợi, không phải đóng thuế, không chịu bất kì cái gì cả, chạy thì phá giá để chiếm khách,… Nếu mình quản lý chắc thì thất thu thuế ngành vận tải giảm rất nhiều, chứ không như bây giờ. Lúc nào cũng kêu thất thu thuế vận tải, nhưng thất thu là do mình, mình quản lý không chắc”, ông Mạnh nhấn mạnh.
Sau dịch, các xe vận tải khách hoạt động trở lại xuất hiện tình trạng "xe dù bến cóc", xe hợp đồng trá hình. Ảnh: N.H
Như Báo Giao thông đã đưa tin, từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã sôi động trở lại. Tuy nhiên, kéo theo là tình trạng xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình cũng tái diễn, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị vận tải làm ăn chân chính.
Quá trình thực tế, PV ghi nhận các nhà xe như: Thuận Vân, Anh Thư, Tiến Oanh, Quang Danh, mặc dù được cấp phù hiệu “xe hợp đồng”, nhưng các nhà xe bất chấp quy định, vô tư xác nhận đặt vé cho khách qua tổng đài; nhận khách lẻ; thu tiền từng khách tùy theo cự ly đi, dừng đón, trả khách khắp nơi… gây mất trật tự vận tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận