Xe tải logo Thuận Đức xếp vào múc đất tại mỏ đất lậu, trái phép phía sau trụ sở DNTT Phước Toàn |
Mỏ "đất lậu" giữa phố
Hơn tháng trời vào cuộc điều tra, PV Báo Giao thông phát hiện đường dây vận chuyển “đất lậu” có tính hệ thống, mua bán công khai và vô tư chở vào dự án đường phía Tây (ĐT.639B, đoạn Km 113 - Km 145 và phân đoạn Km 137+580 - Km 143+787, TP Quy Nhơn, Bình Định).
Sáng 10/10, PV theo chân đoàn xe ben nối đuôi nhau từ đường Âu Cơ (QL1) bẻ lái vào cổng trụ sở Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phước Toàn (Tổ 11, khu vực 7, P. Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) về ngọn đồi núi phía sau. Chưa được cấp phép mỏ, nhưng hoạt động khai thác đất tại đây diễn ra rất rầm rộ. Chiếc máy đào công suất lớn liên tục rền vang, múc đất đổ “có ngọn” vào các thùng xe ben chờ sẵn. Ghi nhận của PV, ngọn đồi bị bạt sâu nham nhở, gặm vào lòng taluy. Mỗi ngày, hàng chục xe ben tấp nập ra vào.
Hơn 10h cùng ngày, các xe ben 3 trục BKS 77C-162.33, 77C-165.30… in logo Thuận Đức (Công ty TNHH Thuận Đức, Bình Định) được múc đầy thùng đất “có ngọn”, rồ ga chạy từ mỏ đất ra phía cổng Phước Toàn, bẻ lái vào QL1 vô tư lưu thông về phía ngã ba Phú Tài, tiếp tục ra khu vực ngã ba Long Vân. Tại đây, tài xế xe BKS 77C-162.33, 77C-165.30... chuyển lái đi vào đường công vụ gập ghềnh, men theo nền đường dự án đường phía Tây để vào gói thầu san lấp, cách QL1D chừng vài cây số. Thấy có người quan sát, cánh tài xế tắt máy, nghỉ trưa sớm. Đến đầu giờ chiều, cả hai xe BKS 77C-162.33, 77C-165.30... nâng thùng, đổ khối đất ra nền đường sát mé đồng ruộng. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, hàng chục xe ben khác cũng nối đuôi nhau ra vào, đổ thùng đất “có ngọn” để san lấp nền đường. Hầu hết các xe đều mang logo Thuận Đức.
Theo bà Vân, người bán nước gần khu vực ngã ba Phú Tài, ngày nào cũng có vài chục xe ben chở đất chạy nườm nượp xuống khu vực Long Vân, gây ra tình trạng đất vương vãi, ô nhiễm, mất ATGT.
Trước đó, những ngày cuối tháng 9/2018, PV ghi nhận hoạt động khai thác tại các mỏ đất ven sườn đồi trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân khá phổ biến. Sáng 29/9, gần 10 chiếc xe tải tất cả đều mang logo Thuận Đức với các BKS: 77C-004.21, 77C-162.33, 77C-105.42… nối đuôi nhau ra vào cổng DNTN Phước Toàn để nhận đất. Chừng vài ba phút, những thùng xe ben nhanh chóng chất đầy đất “có ngọn” trực chỉ về phía dự án đường phía Tây. Quan sát của PV, dọc ngọn đồi núi khu vực phường Bùi Thị Xuân có hàng loạt vết đào bới nham nhở, dấu tích của các hoạt động múc đất trái phép diễn ra ồ ạt thời gian qua. Cứ thế, đoàn xe Thuận Đức vô tư về phía dự án đường phía Tây tỉnh để san lấp.
Xe tải logo Thuận Đức vô tư vào nhận đất tại mỏ đất lậu, trái phép phía sau trụ sở doanh nghiệp tư nhân Phước Toàn (Chụp sáng 10/10) |
“Tiền trao - đất múc", vô tư rút ruột tài nguyên
Để có thể mua đất san lấp, PV được cánh xe tải hướng dẫn đến gặp một người đàn ông trạc gần 60 tuổi ngồi ngay khu vực đồi đất phía sau DNTN Phước Toàn. Mọi hoạt động mua bán đều do người đàn ông này quản lý. Ông này cho biết: Cứ có “tiền tươi” bao nhiêu đất cũng có, giá đất tại mỏ múc lên xe là 15.000 đồng/m3, nhiều thời điểm giá tăng giảm khác nhau do nhu cầu. Trong đó, chủ yếu các xe logo Thuận Đức, và một số đơn vị vận tải do Thuận Đức thuê lại…
Trong vai doanh nghiệp vận tải cần hợp tác đổ đất san lấp đường phía Tây, PV điện thoại cho bà Nh. (được biết đến là người quyết định các hợp đồng vận tải đất san lấp cho DNTN Thuận Đức). Bà Nh. cho hay: Đang cần khối lượng lớn đất để san lấp đường trục phía Tây, đơn giá (thời điểm tháng 8/2018) đổ tại dự án là 42.000 đồng/m3.
Điều tra, làm rõ vi phạm tài nguyên Ông Lê Từ, Giám đốc Ban QLDA giao thông Bình Định cho hay: Đơn vị đã kiểm tra, rà soát và làm rõ thông tin dùng đất lậu san lấp nền đường. Theo ông Từ, có thể do tình trạng khan hiếm vật liệu, áp lực tiến độ, nhà thầu vào mua đất của dân, lấy đất các dự án cải tạo đất đồi… để san lấp. Phía lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh cũng đang điều tra, làm rõ. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường xác nhận đang tiến hành điều tra vi phạm quy định khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt tại công trình dự án đường phía Tây Bình Định. “Mọi việc đang trong quá trình điều tra và sẽ thông báo cho các báo khi có kết quả cụ thể”, vị lãnh đạo này nói. Được biết, Dự án đường phía Tây (ĐT.639B, đoạn Km 113 - Km 145 và phân đoạn Km 137+580 - Km 143+787 có tổng mức đầu tư hơn 940 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP, vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Định làm chủ đầu tư. Thời gian triển khai 2017-2020. |
“Người ta sao mình vậy, cứ thế mà đổ, có khối có tiền”, bà Nh. nói. PV đặt vấn đề về hợp đồng, bà Nh. cho rằng, không cần thiết, nếu cần thì làm giấy viết tay giữa hai bên. “Xuất hóa đơn thanh toán ra sao?”, bà Nh. quả quyết: “Có hóa đơn đất thì xuất hóa đơn đất, không thì xuất hóa đơn vận chuyển, còn lại là chuyện của bên nhận”.
Làm việc với PV, bà Nguyễn Thị Tường Vy, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân xác nhận, trên địa bàn từng có mỏ đất đá của công ty Phúc Lộc nhưng đã ngưng hoạt động, còn lại không có mỏ đất đá nào được cấp phép thời gian qua. Theo bà Vy, phường chỉ đạo lực lượng kiểm tra, xác định mỏ đất phía sau doanh nghiệp Phước Toàn trái phép. Địa phương đang cho mời bà Cao Thị Phúc (người đại diện pháp luật DNTN Phước Toàn) lên làm việc.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Quy Nhơn xác nhận trên địa bàn thành phố không có mỏ đất, riêng 2 mỏ đá cũng vừa bị dừng hoạt động. Hoạt động khai thác đất lậu vô tư tồn tại trên “điểm nóng” phường Bùi Thị Xuân, nhưng theo vị Phó phòng Tài nguyên - Môi trường của TP Quy Nhơn, đơn vị chưa có đợt kiểm tra, xử lý vi phạm nào trong thời gian vừa qua (?).
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định Huỳnh Quang Vinh cho hay, đơn vị kiểm tra, rà soát hiện trạng khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý trước hết thuộc về các địa phương. Để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép dẫn đến hàng loạt hệ lụy về lãng phí, rút ruột tài nguyên, thất thu thuế phí môi trường theo quy định…
Tìm hiểu PV, Công ty Thuận Đức là nhà thầu liên danh gói thầu số 5 đường phía Tây (cùng Công ty Trường Sơn, Coma25, Hiếu Ngọc, Đinh Phát). Chỉ riêng nhà thầu này có khối lượng đắp đất nền đường gần 25.000m2. Theo báo cáo mới nhất của Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định (chủ đầu tư dự án) đến nay, Thuận Đức huy động hơn 13.000m3 đất để đắp nền, đạt tiến độ hơn 20%. Tuy nhiên, với vấn nạn sử dụng “đất lậu” từ các mỏ không phép, một khối lượng lớn tài nguyên được đắp đất nền đường không đúng quy định pháp luật, đồng thời đặt ra dấu hỏi lớn về việc “hợp thức hóa” hồ sơ nghiệm thu, xuất hóa đơn khống cho khối lượng “đất lậu”, cần được điều tra, làm rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận