Ban Quản lý Dự án 2 (QLDA) - Bộ GTVT cho biết, tại dự án nâng cấp, mở rộng QL19 tại Gia Lai có nguy cơ chậm tiến độ, khả năng sẽ gia hạn dự án rất cao.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tân - Giám đốc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên tuyến Quốc lộ 19 cho biết, dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng ký kết với ngân hàng Ngân hàng Thế giới (WB).
Ông Tân cho biết, dự án dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7/2023. Tuy nhiên, hiện nay khối lượng xây lắp tổng thể toàn dự án là 35%.
Trong tổng thể dự án qua tỉnh Gia Lai, hiện nay cơ bản đáp ứng tiến độ xây lắp, đáp ứng tốt tiến độ thi công. Tuy nhiên, riêng gói 4A đoạn từ Km 131 + 300 đến Km 155+0 (hơn 24km) đang có tiến độ rất chậm, nguy cơ chập tiến độ rất cao. Gói thầu trên do công ty TNHH Hợp Tiến và công ty Cổ phần Vinadelta liên danh trúng thầu thi công.
"Quá trình tổ chức thi công của 2 đơn vị này không khoa học. Chỗ nào cũng bày ra rồi lại không thu dọn cẩn thận. Thi công kiểu “giật gấu vá vai” không đảm bảo tiến độ chung của dự án, quá trình triển khai thi công gói 4A cũng gây ra tình trạng mất ATGT. Đơn vị quản lý đường bộ III đã nhiều lần ra quyết định xử phạt vì gây mất ATGT”, ông Tân nói.
Ông Tân cho biết, Ban QLDA 2 đã đặt điều kiện, nếu đơn vị thi công không đáp ứng tiến độ đề ra, nếu đến cuối tháng 3/2023 không đạt được sản lượng do Ban đề ra thì sẽ chấm dứt hợp đồng với 2 đơn vị liên danh nhà thầu trên.
Cũng theo ông Tân, nếu đơn vị trên không đảm bảo tiến độ sẽ xử phạt chậm tiến độ, xử phạt tiền bảo lãnh đối với dự án. Bên cạnh đó, dự án chậm tiến độ sẽ buộc phải đàm phán lại với Ngân hàng Thế giới (WB) để gia hạn thời gian triển khai dự án”, ông Tân nói.
UBND huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn đã xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 8 người và làm bị thương 04 người tại đoạn triển khai dự án thi công. Ngoài ra, việc thi công đã ảnh hưởng rất lớn đời sống như bụi bặm, ảnh hưởng kinh doanh và nhất là không đảm bảo ATGT quá trình triển khai dự án.
Dự án nâng cấp QL19 khu vực Tây Nguyên dài khoảng 143km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km) có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng).
Cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc khoảng 2,1 triệu USD cho công tác thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận