Theo công an tỉnh Gia Lai, tai nạn giao thông (TNGT) tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Trong đó, số vụ TNGT do thanh thiếu niên gây ra chiếm gần 50%.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, ý thức chấp hành pháp luật một bộ phận người đồng bào DTTS chưa cao. Ở vùng sâu, vùng xa, ít có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát nên khó quản lý được người dân đi lại. Các vi phạm không được kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý.
Một vấn đề nữa là chất lượng của phương tiện của người dân rất kém. Xe không đèn, không phanh, không gương chiếu hậu, không còi… vẫn tham gia giao thông. Bà con còn độ chế xe để phù hợp với vận chuyển nông sản, đi lại đường rừng núi. Và đây cũng là nguy cơ rất lớn dẫn đến tai nạn.
Một vấn đề đáng lưu tâm hơn, ở người đồng bào DTTS, lớp trẻ có nhiều người nghỉ học sớm. Các thanh thiếu niên này ở nhà làm rẫy phụ giúp gia đình rồi tụ tập uống rượu bia, ở độ tuổi này lại thích sử dụng xe phân khối lớn.
Lớp trẻ thích sử dụng xe phân khối lớn do tâm lý đua đòi bằng bạn bằng bè mà phụ huynh lại rất chiều chuộng con cái.
Nhiều gia đình bán đất, bán rẫy để mua chiếc xe theo ý của con. Và khi có xe rồi, các thanh thiếu niên này lại bắt đầu tụ tập, uống rượu, thậm chí còn tổ chức đua xe để thể hiện bản lĩnh.
Vị đại diện Ban ATGT phân tích và cho biết đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỉ lệ TNGT tăng cao liên quan đến đối tượng thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước thực trạng này, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành chức năng sớm vào cuộc.
Có nhiều mô hình hiệu quả được áp dụng trong vùng đồng bào DTTS như việc Công an huyện Mang Yang triển khai hoạt động “dẹp thanh niên phá làng phá xóm”. Theo đó, công an huyện này đã triển khai lập danh sách thanh thiếu niên hư hỏng để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Lực lượng chức năng mời người có uy tín trong cộng đồng và cán bộ địa phương vào tận nhà để “răn”. Răn từ điều rất đơn giản như cho xem những video ghi lại cảnh tai nạn. Cho xem những hình ảnh người bị thương không thể làm gì được; Khuyên răn và yêu cầu cam kết. Hoặc đưa các em vi phạm ra giữa làng để kiểm điểm giúp các em tiến bộ.
Hoặc như ở công an Ia Pết, huyện Đăk Đoa sau khi xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm thanh thiếu niên ở làng vi phạm giao thông bằng cách lao động công ích, bắt cuốc đất trồng rau, kiểm điểm trước làng và yêu cầu không tái phạm.
Công an tỉnh Gia Lai cũng triển khai các hoạt động đa dạng đơn cử như việc đưa cán bộ có trình độ hoặc nói thành thạo tiếng địa phương để bố trí làm công tác tuyên truyền, đồng thời cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng tuyên truyền; hạn chế việc luân chuyển vị trí công tác đối với số cán bộ này.
Bên cạnh đó cần tranh thủ tiếp xúc, thăm hỏi, tặng quà, đồng thời cấp phát tài liệu tuyên truyền, phát huy vai trò của người có uy tín; vận động họ tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trong thôn, làng của mình và tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình trong việc quản lý, giáo dục con cái, người thân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận