Tài xế toát mồ hôi khi qua cầu
Quốc lộ 91B đoạn từ ngã tư giao với đường 3/2 ở quận Ninh Kiều đến ngã tư giao quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ dài hơn 15km. Đoạn này được mở rộng, tăng cường nền mặt đường và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016.
Sau 8 năm sử dụng, 15km quốc lộ 91B chất lượng vẫn đảm bảo lưu thông. Dù vậy, thời gian gần đây, 22 cây cầu trên tuyến bị sụp lún khá nghiêm trọng ở vị trí sát mố cầu, gây không ít khó khăn cho phương tiện qua lại.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên tuyến đường này, hầu hết các cây cầu trên tuyến đều có tình trạng sụp lún sát mố cầu. Trong đó, có ba cầu ở khu vực nội ô (đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu, thuộc quận Ninh Kiều) tình trạng sụp lún tương đối nhẹ, các cầu còn lại trên tuyến tình trạng khá nghiêm trọng.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ này rất đông, đa phần là xe tải trọng lớn. Những cây cầu trên tuyến đều có một độ dốc thoải nhất định, các phương tiện qua cầu phải giảm tốc độ để lên và xuống cầu.
Qua thời gian dài sử dụng, những phần mố cầu này bị sụp lún khiến độ dốc ở đường lên cầu càng tăng.
Clip ghi nhận hiện trạng đường lên các cầu trên tuyến quốc lộ 91B.
Tài xế Lê Chí Thiện, ngụ huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cho biết, anh thường lái ô tô qua tuyến đường này và nhận thấy tình trạng sụp lún sát mố cầu diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
"Nếu tài xế quen thì nhớ đường để cẩn trọng khi đi qua, còn các tài xế khác phần lớn lúc đi gần tới cầu mới nhận ra và thắng gấp, khiến các phương tiện đi sau cũng phải phanh gấp.
Điều này rất nguy hiểm, đặc biệt vào ban đêm. Ngoài ra, các xe tải, container chở đầy tải còn chật vật hơn khi lên xuống cầu", tài xế Thiện nói.
Vay ngân hàng 27 tỷ đồng để sửa chữa
Ở vùng sông nước, nhiều tuyến đường ở miền Tây thường dày đặc cầu vượt sông, kênh, rạch. Tuyến quốc lộ 91B cũng không ngoại lệ, có những cây cầu cách nhau chưa đầy 200m. Việc các phương tiện phải giảm tốc độ tối đa để lên xuống cầu gây không ít khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Ghi nhận của PV trên những cầu Rạch Cam, Rạch Miễu Trắng, Ông Tường, Nam Đông... đều có tình trạng này. Có những thời điểm hàng dài xe phải nối đuôi nhau qua cầu. Không chỉ các xe tải, ô tô con, người dân đi xe máy cũng thấy "toát mồ hôi" khi lên xuống cầu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về tình trạng trên, ông Trần Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang - đơn vị đầu tư mở rộng tuyến đường cho biết: "Chúng tôi đã nắm tình trạng này từ người dân và các ngành chức năng thông tin và đã có kế hoạch sửa chữa các mố cầu trong thời gian tới".
Theo ông Đạt, đơn vị đang hoàn thịện hồ sơ thiết kế để đầu tháng 8 trình Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thẩm tra. Sau đó, hồ sơ cũng được gửi đến ngân hàng để bố trí vốn và sẽ triển khai sửa chữa trong khoảng hai tháng tới.
"Kinh phí sửa chữa cho những hạng mục này khoảng 27 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ ưu tiên sửa chữa mố ở 22 cầu, sau đó đến mặt đường tại các nút giao và các hạng mục khác", ông Đạt nói.
Một số hình ảnh PV ghi nhận hiện trạng đường lên các cầu trên tuyến quốc lộ 91B:
Quốc lộ 91B dài hơn 15km, có điểm đầu tại Km 0+000 (giao với đường 3/2 và đường Nguyễn Văn Ninh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) điểm cuối tại Km 15+793 (giao quốc lộ 91, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ).
Năm 2015, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung dự án mở rộng, tăng cường nền mặt đường tuyến quốc lộ này vào dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Km 14+000 - Km 50+889 theo hình thức BOT, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2016.
Thời điểm đó, dự án mở rộng, tăng cường nền mặt đường quốc lộ 91B có kinh phí xây dựng khoảng 480 tỷ đồng. Tuyến quốc lộ này hiện do Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang quản lý trực tiếp, có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận