Ngày 19/6, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Thuận cho biết đã đề xuất khu đất có diện tích rộng hơn 2ha làm bãi đổ thải tạm phục vụ nạo vét khơi thông cửa sông Cà Ty bị bồi lắng, gây nguy cơ mất an toàn chạy tàu cao tốc, tàu thuyền của ngư dân cập bến cảng Phan Thiết.
Mượn đất dự án bất động sản làm bãi đổ thải
Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, qua rà soát và lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Sở đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh chọn vị trí có diện tích khoảng 2ha (có thể mở rộng thêm lên 7ha) khu đất giáp biển làm bãi đổ thải.
Phạm vi bãi đổ thải tạm nằm phía trong đoạn kè biển đã thi công của dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long, TP Phan Thiết (dự án được tỉnh cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải thi công).
Vật chất nạo vét lưu trữ ở đây có thể sử dụng vào các dự án tạo bãi chống xói lở bờ biển sau này.
Qua khảo sát, ngoài vị trí này không còn vị trí nào thích hợp hơn; chất thải có thể dùng san lấp mặt bằng các dự án sau này.
Tuy nhiên, khu vực dự án lấn biển đang gặp vướng mắc do Bộ Công an đang xác minh, điều tra các hành vi có dấu hiệu sai phạm liên quan thủ tục đất đai.
Tháng 5/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xin ý kiến trong thời gian điều tra, xử lý theo quy định, tỉnh tạm thời bố trí khu vực bãi chứa các chất sau nạo vét để phục vụ thi công hoạt động công ích, nạo vét luồng hàng hải.
Ngoài ra, một phương án khác Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh giới thiệu cho Cục Hàng hải VN các vị trí đổ thải, nhận chìm trên biển thuộc vùng quy hoạch phục vụ thi công nạo vét luồng hàng hải.
Loay hoay tìm giải pháp
Ông Nguyễn Quốc Đạt, Chánh văn phòng Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: Để giải quyết xử lý bồi lấp, nạo vét luồng lạch, khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát từng cửa sông, cửa biển có tàu thuyền đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Nhiều năm qua việc nạo vét, xử lý bồi lấp luồng lạch cửa sông, cửa biển, khu neo đậu, cảng cá đang rất cấp bách, cử tri nhiều địa phương đã phản ánh.
"Các dự án nạo vét khó khăn gặp khó khăn chung về xử lý vật chất sau nạo vét, Sở đang tích cực phối hợp với đơn vị liên quan để giải quyết, thống nhất các vị trí nhằm sớm triển khai các dự án", ông Đạt thông tin
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở TN&MT nghiên cứu phối hợp với các sở, ngành liên quan tìm các vị trí đổ chất nạo vét theo kiến nghị của Cục Hàng hải Việt Nam để làm cơ sở phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải Phan Thiết trong năm 2024.
Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cho biết, nguồn vốn duy tu luồng hàng hải đã có, nhưng hơn ba năm qua chưa thể triển khai nạo vét luồng do chưa tìm được bãi đổ thải.
Theo thống kê trên toàn tỉnh Bình Thuận có 8 cửa sông, cửa biển có tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân đều bị bồi lắng nghiêm trọng gồm: Cửa Liên Hương, cửa Phan Rí (huyện Tuy Phong), cửa Phú Hải, cửa Cà Ty (Phan Thiết), cửa Ba Đăng, cửa La Gi (thị xã La Gi) cửa Hồ Lân, cửa Hà Lãng (huyện Hàm Tân).
Trong số này, có 5 cửa đã đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu trú bão cho tàu cá. Điểm chung các cửa sông đều bồi lắng gây khó khăn tàu, thuyền ra vào bến cảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận