Trưa ngày 3/9, đoàn tàu SE9 đang lưu thông theo hướng Hà Nội - TP.HCM, khi đi qua xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) thì bất ngờ tông mạnh vào ô tô 4 chỗ BKS: 76A-083.02 do tài xế Trần Công Vụ (36 tuổi, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) điều khiển đang cố băng qua đường ray. Hậu quả, tài xế ô tô bị thương nặng, được người dân địa phương đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong trạng thái nguy kịch.
Người dân xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) vẫn chưa thôi ám ảnh về vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng giữa taxi Mai Linh và đoàn tàu SE1 khiến tài xế và 4 người trong một gia đình thương vong hồi ngày 9/7 vừa qua. Nguyên nhân ban đầu được xác định là tài xế thiếu quan sát, băng qua đường khi đoàn tàu đang đến. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi đã có mặt kiểm tra nút giao Km 900+400 thuộc xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, địa điểm xảy ra tai nạn) đồng thời có những chỉ đạo "nóng". Đúng một năm trước, tại vị trí nút giao trên cũng xảy ra vụ tai nạn giữa xe bán tải BKS: 29C-317.34 và tàu hàng mang số hiệu HH7. Vụ tai nạn làm một người chết, một người bị thương nặng.
Theo quan sát, tại hai "điểm đen" tai nạn đường sắt trên đều có biển cảnh báo nguy hiểm, giao nhau với đường sắt nhưng chưa có gác chắn, chưa có đèn tín hiệu cảnh báo. Theo người dân, điểm giao này có lưu lượng người dân qua lại đông đúc nên thường xảy ra TNGT. Đáng nói, đây là những điểm có tầm nhìn thông thoáng, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do người điều khiển ô tô chủ quan hoặc cố tình băng qua đường khi đoàn tàu đang đến.
Theo thống kê, năm 2018 tỉnh Quảng Ngãi xảy ra đến 10 vụ TNGT đường sắt (trong đó có 3 vụ nghiêm trọng), làm chết 5 người, bị thương 3 người. 6 tháng đầu năm 2019 mới xảy ra 1 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng; làm chết 1 người; giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2018 nhưng tính chất phức tạp hơn.
Theo cơ quan chức năng, việc tồn tại nhiều bất cập qua địa bàn Quảng Ngãi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đường sắt.
Cụ thể, trong chiều dài khoảng 99,5km (từ Km 989+000 thuộc khu gian Núi Thành - Trì Bình đến Km 997+500 thuộc khu gian Sa Huỳnh - Tam Quan) đi qua 6 huyện và TP Quảng Ngãi của tỉnh Quảng Ngãi thì tồn tại đến 88 lối đi tự mở.
Con số này nhiều gấp nhiều lần so với các địa phương lân cận. Nhiều lối đi tự mở có mật độ phương tiện cơ giới qua lại nhiều, đa số là mặt đường không bằng phẳng, độ dốc lớn, tầm nhìn bị hạn chế. Thậm chí, không ít vị trí giao nhau với QL1, người dân tự ý dỡ bỏ các tấm gác chắn để đi qua. Đây là những tồn tại gây nguy cơ mất ATGT, tiềm ẩn tai nạn.
Tuy nhiên, bên cạnh hạ tầng giao thông, còn có nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận lái xe. Việc thiếu quan sát, cố gắng qua đường khi đoàn tàu đang đến là những nguyên nhân gây ra tai nạn. Trong cả hai vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng tại nút giao xã Bình Nguyên đều do ý thức lái xe. Vụ tai nạn giữa xe tải 29C-317.34 và tàu hàng mang số hiệu HH7 làm một người chết, một người bị thương nặng được xác định là do tài xế vừa lái xe, vừa nghe điện thoại, thiếu quan sát.
Trong buổi làm việc với ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi ngày 10/7, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân viên có văn hóa giao thông cũng như tuyên truyền, phổ biến luật giao thông đến bộ phận lái xe cũng như người dân sống hai bên khu vực có đường sắt đi qua...
Ông Khôi đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở GTVT, Ban ATGT, chính quyền địa phương có đường sắt đi qua tổ chức kiểm tra, rà soát các vi phạm về trật tự hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn để có báo cáo lên cục đường sắt, cùng phối hợp xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở. Làm sao cho đến năm 2025, không còn lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn Quảng Ngãi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận