Sáng nay (11/10), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Cà phê đường tàu và những ẩn họa trên đường sắt”.
Tham dự cuộc tọa đàm có các khách mời: Ông Uông Đình Hùng, Phó trưởng phòng Vận tải - ATGT Cục Đường sắt VN; Ông Lê Quang Huy, đại diện Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT; Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội.
“Cà phê đường tàu” vi phạm nghiêm trọng Luật Đường sắt
Tại cuộc tọa đàm, bà Nguyễn Hồng Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông nêu vấn đề: "Thời gian qua, phố “cà phê đường tàu” khu vực đường ngang Trần Phú, phố Phùng Hưng Hà Nội thu hút rất đông khách du lịch, người dân đến quay phim, chụp ảnh “check in”. Tuy nhiên, theo Luật Đường sắt hiện hành, đây lại là điểm nóng vi phạm hành lang ATGT đường sắt, nguy cơ tai nạn cao. Chính vì vậy, những ngày qua các cơ quan chức năng đã xử lý, giải tỏa. Cuộc ra quân lần này nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên cho "cà phê đường tàu" tồn tại để thu hút du lịch, cùng đó có giải pháp đảm bảo an toàn.
“Nếu cho tồn tại, nếu xảy ra tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Vì sao phải dẹp mô hình kinh doanh này. Việc dẹp vi phạm cà phê đường tàu đang được làm triệt để, có công an chốt chặn hướng dẫn người dân không vi phạm, nhưng giải pháp nào để duy trì được trật tự lâu dài ở khu vực này?”, bà Nga đề nghị các khách mời cùng làm rõ.
Về vi phạm hành lang ATGT đường sắt khu vực “cà phê đường tàu”, Thiếu tá Đào Việt Long cho biết, do lịch sử để lại, người dân sinh sống sát khu vực đường tàu nhiều năm nay. Nếu theo Luật Đường sắt hiện hành, các công trình nhà dân ở đây đều vi phạm vì nằm trên hành lang ATGT đường sắt. Bộ GTVT và TP Hà Nội đã có quy hoạch, kế hoạch giải quyết những bất cập này. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, việc đảm bảo an toàn, không để phát sinh thêm các điểm nóng, nguy cơ mất an toàn cao lại càng là việc cấp thiết".
Còn theo ông Uông Đình Hùng, các hành vi đi, đứng, ngồi trên đường sắt để uống cà phê, chụp ảnh, quay phim đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đường sắt, nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Việc Hà Nội nhanh chóng vào cuộc, giải tỏa tụ điểm “cà phê đường tàu” sau văn bản đề nghị của Bộ GTVT, các khách mời đều đánh giá cao động thái quyết liệt của chính quyền địa phương.
Thiếu tá Đào Việt Long cho biết, 2 ngày hôm nay, các đơn vị đã tuyên truyền, vận động, sau đó dùng rào cứng, có biển cấm người đi bộ với 2 thứ tiếng Việt - Anh để không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài cũng hiểu được. Các lực lượng đã tập trung nguồn lực, vận động quần chúng nhân dân, kêu gọi tuyên truyền người dân, khách du lịch trong và ngoài nước tuân thủ quy định.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu các biện pháp này có duy trì được lâu dài, vì không thể có nhân lực để chốt chặn mãi? Thiếu tá Long cho biết, biện pháp hàng đầu vẫn là tuyên truyền, vận động kết hợp với rào chắn. Ngoài ra, công an thành phố đã kiến nghị quận Hoàn Kiếm không cấp phép kinh doanh cho các hộ gia đình sinh sống hai bên đường tàu. Về lâu dài, sẽ phối kết hợp với các sở ban ngành có liên quan, như Sở Du lịch để có khuyến cáo khách du lịch tôn trọng pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật giao thông.
Còn theo ông Uông Đình Hùng, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Việc thực hiện giải tỏa vừa qua tại phố “cà phê Phùng Hưng” đã cho thấy hiệu quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT và các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã, phường. Theo Luật định, trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ TTATGT hành lang đường sắt thuộc về chính quyền địa phương.
Ông Hùng bày tỏ: “Tôi tin chính quyền địa phương ở Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp theo đúng trách nhiệm đã được Luật Đường sắt quy định. Riêng với khu vực cà phê đường tàu, Cục Đường sắt VN sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các giải pháp chống tái lấn chiếm và các hành vi vi phạm khác. Cần nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác, không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn cả các tỉnh, thành khác vì hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia còn tồn tại trên 4.000 lối đi tự mở, hơn 5.000 vị trí vi phạm hành lang TTATGT đường sắt cần phải xử lý, xóa bỏ”.
Đường tàu không phải điểm du lịch
Các khách mời đã trả lời các ý kiến của bạn đọc cho rằng tụ điểm “cà phê đường tàu” là điểm du lịch “độc, lạ”, nét riêng của Hà Nội. Vì vậy, không nên giải tán, xóa bỏ mà nên có giải pháp cho tồn tại, vừa giải quyết được bài toán về an toàn giao thông đường sắt, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế du lịch, dân sinh.
Ông Lê Quang Huy nhấn mạnh không thể duy trì cà phê đường tàu bởi đây là đường sắt quốc gia đang tổ chức khai thác, chạy tàu, không phải là đường sắt phục vụ du lịch.
Hơn nữa, theo Luật, giao thông đường sắt là ưu tiên đặc biệt, mọi người dân và phương tiện khi qua đường sắt đều phải dừng lại quan sát, cho tàu qua trước; các công trình kiên cố, mọi hoạt động đều không được thực hiện trên phạm vi hành lang ATGT đường sắt, nếu không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Việc uống cà phê, chụp ảnh trên hành lang đường sắt là rất phản cảm, không phải là nét đẹp du lịch. Nếu muốn làm du lịch thì chính quyền địa phương phải có quy hoạch, phải đảm bảo an toàn và trên hết là vẫn phải đáp ứng được tiêu chí là không vi phạm Luật.
“Cần phải đặt câu hỏi là: Đây có phải điểm du lịch không? Địa phương có quy hoạch là điểm du lịch không? Cần xem xét lại kinh doanh cà phê tại khu vực này là kinh doanh có điều kiện hay không? Chúng ta không cổ súy cho những hành vi nguy hiểm cho tính mạng của chính người dân. Không thể vì phát triển kinh tế mà đánh đổi tính mạng người dân, du khách và cả khách đi tàu”, ông Huy nói và cho biết thêm, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đang chuẩn bị đầu tư, sau khi hoàn thành, đường sắt sẽ đi trên cao, khi đó đường sắt hiện tại sẽ không chạy tàu nữa.
Ở góc nhìn khác, trên quan điểm cá nhân, ông Uông Đình Hùng cho rằng, để hài hòa lợi ích người dân, nhu cầu phát triển du lịch và đảm bảo an toàn, địa phương có thể nghiên cứu, quy hoạch những điểm có đủ hành lang an toàn, làm hàng rào ngăn giữa đường ray và lối đi dọc theo các hộ dân. Khách du lịch có thể đứng trong phạm vi hàng rào để quay phim, chụp ảnh tàu."Dù thế nào mục tiêu, trách nhiệm hàng đầu vẫn là đảm bảo ATGT, an toàn cho người dân”, ông Hùng nói.
Khi được hỏi tại sao ở Đài Loan người dân vẫn chụp ảnh du lịch trên đường sắt, Việt Nam có nên học tập, ông Hùng cho biết chưa nghiên cứu kỹ quy định của Đài Loan, nhưng ở Việt Nam trong thời gian quá độ chờ hoàn thiện các công trình đường sắt mới, xóa bỏ những điểm không đảm bảo hành lang an toàn, có thể có những giải pháp hài hòa giữa việc đảm bảo an toàn và phục vụ du lịch nhưng nhất thiết phải được ngành du lịch, giao thông và chính quyền địa phương bàn bạc, nghiên cứu kỹ.
Không đồng tình quan điểm này, Thiếu tá Đào Việt Long cho rằng, không thể để tồn tại hình thức kinh doanh trên “phố đường tàu” được, kể cả là làm rào chắn. “Ở đây, lợi ích kinh tế không thể đặt lên trên an toàn. Chúng ta đang làm vì an toàn tính mạng của người dân”, Thiếu tá Long nhấn mạnh.
Các bạn trẻ không nên vì một tấm ảnh "check-in" mà đối mặt nguy cơ mất an toàn
"Trả lời ý kiến của bạn đọc cho rằng, các hộ dân sinh sống sát đường tàu đã rất lâu, hàng quán cà phê cũng không phải mới xuất hiện, sao giờ lại cấm?, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết: Có nhiều điểm bất cập về hạ tầng do lịch sử để lại, trong đó có cả những khu nhà dân sát đường tàu. TP. Hà Nội đang phối hợp với Bộ GTVT có kế hoạch, lộ trình đảm bảo hành lang ATGT đường sắt. Việc giải tỏa phố "cà phê đường tàu" là việc làm cấp thiết hiện nay và cũng nằm trong kế hoạch này. Người dân cần phải hiểu rằng, việc kinh doanh, bán hàng cà phê trên dọc đường tàu, trong hành lang an toàn giao thông là vi phạm pháp luật, không được phép diễn ra..."
Thiếu tá Long mong muốn các bạn trẻ hiểu biết pháp luật, thượng tôn pháp luật, không vì một tấm ảnh chụp làm kỷ niệm, để check-in trên mạng xã hội mà đối diện nguy cơ tai nạn, mất an toàn, vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
Không cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật
"Theo tôi, không nên cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chiểu theo Luật Đường sắt và các Nghị định dưới Luật. Việc lấn chiếm hành lang để kinh doanh của người dân không bao giờ được cấp phép, nếu có xảy ra ở đâu đó thì là do chúng ta chưa xử lý hết nhưng chắc chắn không ai cấp phép để kinh doanh buôn bán trên đường tàu. Các hàng quán kinh doanh như vậy đương nhiên là trốn thuế, về lợi ích kinh tế Nhà nước không thu được gì mà tai nạn nguy hiểm luôn rình rập. Về giải pháp căn cơ, lâu dài, thì không phải chỉ một tụ điểm cà phê đường tàu này, mà hàng nghìn các vi phạm an toàn đường sắt đang diễn ra trên cả nước cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mới xử lý triệt để được. Mới giảm được tai nạn đường sắt. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương quyết liệt nhưng ở cấp cơ sở, chính quyền địa phương không vào cuộc sẽ không bao giờ thành công.", ông Lê Quang Huy, chuyên viên Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận