Ngày 12/10, ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho biết, huyện đã có báo cáo về kết quả xử lý vụ việc vi phạm về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, đối với bến của Công ty TNHH MTV Quốc Việt Cà Mau, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành Đường thủy nội địa số 1 kiểm tra, lập biên bản, công ty đã thực hiện các thủ tục liên quan trình cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính, đã được huyện công bố tại Quyết định số 5228 ngày 2/10/2023.
Trên cơ sở đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực IV đã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành tại văn bản số 1034/CVĐTNĐIV-QLCB ngày 4/10/2023.
Còn đối với vụ việc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, báo cáo của huyện Thới Bình cho rằng, công ty đã biết lỗi vi phạm và đã tháo dỡ các biển báo hiệu đường thủy.
Đối với nội dung vi phạm neo đậu, xếp dỡ hàng hóa tại vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định. Hiện tại, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đã ngưng hoạt động neo đậu, xếp dỡ hàng hóa tại vị trí vi phạm nêu trên.
"Phía công ty cũng cam kết không hoạt động trái phép và thực hiện các thủ tục liên quan trình cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính theo quy định", ông Bạo cho hay.
Với những lý do trên, UBND huyện Thới Bình đã không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai chủ bến thủy nội địa vi phạm.
Như Báo Giao thông đã đưa tin trước đó, qua công tác kiểm tra thường xuyên trên tuyến sông Trèm Trẹm (qua địa phận xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), đoàn kiểm tra liên ngành Đường thủy nội địa số 1 phát hiện hai trường hợp vi phạm về đường thủy nội địa.
Cụ thể, tại bến của Công ty TNHH MTV Quốc Việt Cà Mau (do ông Đặng Quốc Việt làm Giám đốc), lực lượng chức năng phát hiện chủ bến cho phương tiện ST-06234 vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa tại vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định.
Còn tại bến của Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường (do ông Vương Khánh Toàn làm đại diện), người đại diện không xuất trình được hồ sơ có liên quan đến quyết định công bố hoạt động bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định, vi phạm tự ý lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa.
Sau đó, hai vụ việc vi phạm trên được đoàn kiểm tra liên ngành Đường thủy nội địa số 1 lập biên bản và giao cho UBND huyện Thới Bình xử lý.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa: "Phạt tiền từ 20.000.000 - 35.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cho phương tiện vào neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận