Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay, công trình cải tạo các nút giao Km17+800- Km18+200 QL49 (trước Đàn Nam Giao, TP Huế) mới chỉ hoàn thiện hệ thống thoát nước dọc, các hố ga và đào đắp đất cấp phối đá dăm phía trái tuyến. Còn lại hạng mục bê tông lề, lát đá vỉa hè và thảm mặt đường vẫn còn dang dở...
Công trình cải tạo các nút giao tại Km17+ 800 - Km18+ 200 QL49 có tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng (trong đó giá trị xây lắp khoảng 2,5 tỷ đồng), từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, do Cục QLĐB II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư, Chi cục QLĐB II.6 là đơn vị quản lý dự án, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hà, thời gian thi công 60 ngày.
Ngoài mở rộng mặt đường, đảm bảo ATGT trên tuyến QL49 khi đi vào khu vực đông dân cư, công trình cải tạo các nút giao còn chỉnh trang bộ mặt trước khu vực di tích Đàn Nam Giao (TP Huế).
Theo nhà thầu thi công, sau nhận bàn giao mặt bằng (từ ngày 28/6), đến ngày 9/7 đơn vị tập trung thi công để sớm hoàn thành công trình. Tiến độ theo hợp đồng dự kiến đến 24/8 sẽ hoàn thành, nhưng đến nay còn vướng mặt bằng, chờ điều chỉnh một số hạng mục.
Ông Hồ Văn Thiệu, Chỉ huy trưởng công trình cho biết, công trình còn vướng mặt bằng phía phải tuyến, đoạn từ cây xăng gần nút giao đường Điện Biên Phủ đến nút giao đường Lê Ngô Cát. Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đề xuất địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung phương án thiết kế lát vỉa hè đường khu vực Đàn Nam Giao và hệ thống thoát nước phù hợp.
Ông Ngô Văn Đoán, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.6 cho biết, theo thiết kế được phê duyệt, hè đường đoạn trước Đàn Nam Giao rộng 6m, đỉnh bó vỉa hè cao hơn mặt đường 15cm được thiết kế lát gạch Terrazzo, riêng khu vực cổng tam quan rộng hơn 1,7m, dài gần 20m, tận dụng gạch lát (Bát Tràng) hiện có.
Đây là khu vực đặc thù, tiếp giáp di tích Đàn Nam Giao nên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề xuất hạ hè, tạo lối vào Đàn Nam Giao thuận tiện, đồng thời lát gạch Bát Tràng phạm vi lối vào cổng để đảm bảo tính đồng bộ; diện tích hè đường còn lại lát bằng đá.
Ngoài ra, theo hồ sơ thiết kế được duyệt, hệ thống thoát nước bên phải tuyến chuyển qua cống ngang bổ sung tại Km18+ 051 để đấu nối vào rãnh hở hiện có phía bên trái đến cống ngang Km18+ 198 chảy về kiệt 8 đường Minh Mạng. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, việc bố trí nước từ rãnh dọc thoát về đây không phù hợp, lượng nước đổ về kiệt này rất lớn, thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân.
Chủ đầu tư đã họp bàn với các bên liên quan và đi đến thống nhất, điều chỉnh hạ hè lối vào Đàn Nam Giao, cao độ đỉnh bó vỉa đến mặt đường 5cm, phạm vi từ mép lát gạch cũ đến mép bó vỉa lát gạch Bát Tràng để đảm bảo tính đồng bộ và nguyên trạng.
Diện tích hè đường còn lại dọc la thành Đàn Nam Giao điều chỉnh từ lát gạch Terrazzo sang lát đá ghi. Điều chỉnh giảm trừ không thi công cống thoát nước ngang tại Km18+ 051 để giảm áp lực nước đổ về kiệt 8 đường Minh Mạng; bổ sung rãnh dọc phải nối từ hố thu đến Km18+ 060 (kiệt 14 đường Lê Ngô Cát), kết cấu rãnh dọc kín bằng ống cống như thiết kế được phê duyệt và xây dựng thêm 10m rãnh kín chịu lực để đấu nối vào mương dọc hiện có.
Ông Đoán cho biết, các hạng mục điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế hiện trường và đề xuất của địa phương. Tuy nhiên, công trình sau khi điều chỉnh vượt giá gói thầu và tổng mức đầu tư được phê duyệt, nên chủ đầu tư đã cho tạm dừng thi công, trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, quyết định.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại công trường:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận