Với thiết bị giám sát hành trình, cơ quan quản lý chỉ cần “ngồi một chỗ” có thể biết được doanh nghiệp hoạt động đúng bản chất xe hợp đồng hay không. Thế nhưng vì sao dữ liệu từ hệ thống này vẫn chưa thể sử dụng để xử lý xe dù?
Thiếu vốn nâng cấp hạ tầng
Đến nay đã có hơn 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Tạ Hải
Theo Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng là trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp.
Việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu giám sát hành trình (GSHT).
Quy định là vậy, nhưng hiện nay hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT chưa được nâng cấp để truy xuất được dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến của xe trong thời gian một tháng.
Cũng chính vì thế mà tình trạng xe hợp đồng trá hình ngày càng nở rộ, thách thức cơ quan quản lý.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, đến nay đã có hơn 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị GSHT.
Với thiết bị này, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể phát hiện xe hoạt động đúng bản chất xe hợp đồng hay không. Tuy nhiên, dữ liệu từ “hộp đen” thu được chỉ gần như chỉ để “lưu kho” nhằm hậu kiểm, không được dùng làm công cụ để kiểm tra, xử lý xe hợp đồng vi phạm.
Lý giải về các bất cập này, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, hệ thống thiết bị GSHT hoạt động từ năm 2017 đến nay nhưng chưa được cấp nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Đến nay, hệ thống đã gần như quá tải nhưng không có kinh phí để nâng cấp. Hiện nay nhà đầu tư hệ thống đang “khóc dở mếu dở” vì chưa được trả kinh phí đầu tư và duy trì hệ thống.
Giải thích cụ thể hơn, ông Đỗ Công Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là không có kinh phí xây dựng phần mềm để tự động lọc được xe nào chạy sai lộ trình, hành trình theo loại hình vận tải hay “chạy dù” trong tổng số hàng trăm nghìn phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống.
Bên cạnh đó, cũng không đủ nhân lực và thời gian để ngồi kiểm tra thủ công trên hệ thống từng xe xem có vi phạm hay không.
“Khi xe vi phạm tốc độ có thể biết được ngay, trong khi để kiểm soát hành trình của phương tiện, từ dữ liệu thiết bị GSHT phải đối chiếu với hợp đồng vận chuyển hay luồng tuyến cố định mới có kết luận chính xác”, ông Thủy giải thích.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tính năng của thiết bị GSHT còn bất cập nên có lúc phải dùng nhân lực “dò” thủ công để đối chiếu từng trường hợp vi phạm hành trình xe chạy, thời gian làm việc của lái xe. Nếu dùng biện pháp “dò” thủ công để hậu kiểm số lượng lớn là không khả thi.
“Mua” dữ liệu GSHT để xử lý xe dù?
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, thiết bị GSHT ghi lại các thông tin dữ liệu của phương tiện làm căn cứ để cơ quan quản lý điều chỉnh doanh nghiệp vận tải và lái xe, nhất là hành vi vi phạm tốc độ.
Thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam, các sở GTVT đã căn cứ vào dữ liệu này để xử lý các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, một số loại dữ liệu như vi phạm tốc độ, thời gian lái xe liên tục có thể dùng để xử lý được ngay, song một số chỉ số cần nâng cấp để có độ thông minh của phần mềm. Tuy vậy, không phải phần mềm nào cũng đáp ứng được theo nhu cầu của người dùng.
Cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo theo hướng, kết quả dữ liệu từ thiết bị GSHT có thể ra được đáp số ngay, từ đó đối chiếu với các quy định tại thông tư, nghị định để xử phạt vi phạm đi sai hành trình và các quy định khác được ngay mà không cần phải qua công cụ phần mềm hay sự toan tính của công chức.
“Công nghệ thông tin thay đổi nhanh chóng theo từng ngày, Cục Đường bộ không có tiền để đầu tư. Thời gian tới, Cục sẽ báo cáo Bộ GTVT và thay đổi cách sử dụng dữ liệu thiết bị theo hướng mua thông tin dữ liệu GSHT để phục vụ cho công tác quản lý.
Có nghĩa là Nhà nước không đầu tư hạ tầng công nghệ mà sẽ áp dụng cơ chế thuê hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Những dữ liệu nào cần thiết từ thiết bị GSHT sẽ được mua để quản lý tốt hoạt động vận tải, đảm bảo công bằng, minh bạch”, ông Cường cho hay.
Trong khi đó, theo một chuyên gia công nghệ, việc xây dựng phần mềm không khó và kinh phí chỉ vài tỷ đồng là giải quyết được vấn đề, trích xuất được ngay xe nào trùng lặp, giải quyết được xe hợp đồng trá hình. Phần mềm này sẽ lọc được xe hợp đồng chạy lặp lại hành trình để xử lý.
Ngày 25/1 vừa qua, Cục Đường bộ VN đã công bố doanh nghiệp vi phạm điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại TP Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng.
Theo đó, kiểm tra xác suất một số ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại các địa phương qua trích xuất dữ liệu thiết bị GSHT trong tháng 12/2022, đã phát hiện một số ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có tần suất hoạt động liên tục, lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định. Cục Đường bộ VN cho hay, đã yêu cầu các Sở GTVT địa phương rà soát để chấn chỉnh, xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận