Nay bị phạt, mai lại vi phạm
Những ngày cuối tháng 11/2022, Tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) phát hiện xe ôtô chở khách tuyến Hà Nội - Phú Thọ BKS 19F-000.41 dừng xe bắt khách dọc đường Phạm Hùng.
Theo ông Đỗ Mạnh Cường, cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết, tra cứu dữ liệu xử lý vi phạm, Tổ công tác phát hiện trước đó, chiếc xe khách này đã từng vi phạm lỗi dừng xe đón khách dọc đường và đã bị tạm giữ giấy phép lái xe, đăng ký xe.
Cần có chế tài xử lý thật nghiêm hành vi tái phạm giao thông (ảnh minh họa)
Lái xe Nguyễn Tư H. (SN 1993, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển xe BKS 19F-000.41 phân bua, dù biết dừng xe bắt khách dọc đường vi phạm luật nhưng do muốn kiếm khách, tăng thêm thu nhập nên… đành bắt khách.
Trong lần vi phạm này, ngoài việc bị xử phạt hành chính mức kịch khung theo quy định pháp luật, Tổ công tác sẽ tạm giữ đăng kiểm của xe.
Tiếp đó, Tổ công tác phát hiện xe khách BKS 19B-011.15 do lái xe Nguyễn Hà T. (SN 1986, trú tại tỉnh Phú Thọ) điều khiển đang dừng xe bắt khách.
Tổ công tác lập biên bản, xử lý vi phạm. Tra cứu dữ liệu xử phạt, Tổ công tác phát hiện chỉ cách đây 4 ngày, lái xe Nguyễn Hà T. cũng đã bị lập biên bản xử lý vi phạm về hành vi tương tự. Do tái vi phạm, tài xế Nguyễn Hà T. bị xử phạt ở mức cao nhất là của lỗi này là 2 triệu đồng.
Tài xế T. bối rối thanh minh, biết dừng xe bắt khách dọc đường là vi phạm, nhưng “thấy khách vẫy nên tiếc, muốn đón khách để có thêm thu nhập”.
Biết bị xử phạt ở mức kịch khung, tài xế T. than: “Bắt thêm được 1 khách thì mất 1/3 lương tháng, lần sau thì xin chừa”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, quá trình xử lý vi phạm giao thông, khi nhập hồ sơ dữ liệu vi phạm, CSGT sẽ phát hiện được tài xế đó có vi phạm liên tiếp không. Nếu trong một tuần, một tháng, tài xế có cùng một lỗi vi phạm, thì lần 2 sẽ bị áp dụng xử phạt ở mức cao nhất.
Phạt kịch khung đã đủ sức răn đe?
Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết, lỗi lái xe thường tái vi phạm là dừng bắt khách dọc đường, đi sai làn, vượt đèn đỏ…
Để nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB, ngoài những biện pháp tuyên truyền giáo dục thì xử phạt hành chính cũng là hình thức để răn đe những người vi phạm, nhất là những trường hợp tái phạm nhiều lần thì cần phải có chế tài xử phạt nặng hơn.
Một tháng mà tài xế vi phạm giao thông 3, thậm chí 5 lần thì quả thật ý thức tham gia giao thông của người này quá kém. Những trường hợp tái phạm nhiều lần thì cần phải có hình thức xử phạt nặng hơn. Không chỉ là tăng tiền xử phạt mà cần phải nghiên cứu những hình phạt bổ sung như tước GPLX, hoặc nếu vi phạm quá nhiều thì buộc người này phải đi thi lại GPLX.
ĐBQH Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Với các hành vi tái phạm vi phạm giao thông được coi là tình tiết tăng nặng trong xử phạt hành chính và sẽ bị xử phạt kịch khung mức vi phạm đó. “Tuy nhiên, nhiều trường hợp áp dụng mức phạt kịch khung, tài xế vẫn chưa sợ. Do đó, có thể nghiên cứu, xem xét áp dụng mức phạt cao hơn”, ông Chinh nói.
Cùng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với những trường hợp tài xế tái vi phạm những lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như sử dụng ma túy, rượu bia, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... không chỉ phạt kịch khung, mà cần có biện pháp nghiêm khắc hơn, như tước GPLX vĩnh viễn, cấm hành nghề...
Có như vậy, tài xế mới biết sợ để không tái vi phạm.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) dẫn chứng, ở Pháp, các GPLX đều được “gán” 12 điểm là số điểm nhất định.
Mỗi lần người điều khiển phương tiện giao thông phạm lỗi, tùy vào mức độ, bằng lái của họ sẽ bị trừ từ 1 - 8 điểm và được ghi vào hệ thống dữ liệu. Nếu bị trừ 8 điểm hoặc vi phạm các lỗi nghiêm trọng, GPLX sẽ tự động không còn giá trị.
Cảnh sát có thể kiểm tra GPLX còn giá trị hay không thông qua thiết bị kết nối mạng không dây cầm tay và người vi phạm sẽ phải trải qua một khóa đào tạo lại để thi lấy GPLX mới.
Đồng thời, các tài xế nhiều năm chấp hành tốt pháp luật trật tự ATGT được khuyến khích, khen thưởng. Hay như ở Úc, người nào điều khiển phương tiện lưu thông 20 năm không vi phạm thì được cấp một GPLX màu vàng để được ưu tiên đi vào làn xe vắng hơn.
“Hiện theo quy định, những hành vi vi phạm giao thông nhiều lần ở Việt Nam cũng chỉ xử lý hành chính. Nhiều quốc gia, hành vi tái phạm, vi phạm giao thông nhiều lần có thể bị phạt tù”, ông Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận