• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Nhiều vi phạm sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn?

28/10/2019, 07:00

Trước thực trạng lái xe uống rượu bia, ma túy gây tai nạn đặc biệt nhức nhối, Tổng cục ĐBVN đề xuất tước GPLX vĩnh viễn với một số trường hợp...

Đội CSGT số 8, Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên tuyến QL1 cũ qua địa bàn huyện Phú Xuyên. Ảnh: Văn Huế

Nhức nhối vi phạm nồng độ cồn, ma túy

Ngày 15/7, Công an TP Pleiku (Gia Lai) tiến hành kiểm tra nồng độ cồn tại đường Phạm Văn Đồng (phường Thống Nhất, TP Pleiku). Tổ CSGT đề nghị tài xế ô tô BKS 81A-131.15 đo nồng độ cồn. Tuy vậy, lái xe là Thượng úy Nguyễn Văn Hòa - quân nhân Tổng công ty 15 (Bộ Quốc phòng) không hợp tác, liên tục lấy lý do gọi điện thoại để bỏ đi. Với lỗi vi phạm không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ, ông Hòa chỉ bị tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) 5 tháng, phạt hành chính 17 triệu đồng.

Trước đó, ngày 22/5, Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phạm Hùng đã phát hiện xe ô tô BKS 30A-672.56 có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng xe. Tuy nhiên, sau khi xuống xe, tài xế có biểu hiện say xỉn, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Với hành vi chống đối, tổ công tác đã lập biên bản và xử phạt 17 triệu đồng và tước GPLX 5 tháng.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn vụ vi phạm nồng độ cồn lực lượng chức năng xử lý thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành quy định chế tài đối với người sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe vẫn được xem là chưa đủ mạnh. Theo Nghị định 46/2016 thì người đi xe ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép bị phạt cao nhất là từ 16 - 18 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước bằng lái 4 - 6 tháng. Người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép thì bị phạt cao nhất là 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng.

Điều này có nghĩa là tài xế vi phạm vẫn có cơ hội lái xe, dễ dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc. Dư luận vẫn chưa quên vụ việc lái xe đã sử dụng rượu, bia vẫn lái xe, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội ở đường Láng, hầm chui Kim Liên (Hà Nội); vụ tài xế dương tính ma túy, đâm thẳng vào đoàn người đi viếng nghĩa trang làm chết 8 người ở Hải Dương; Hay vụ nữ đại gia đã uống rượu, bia vẫn lái xe, đâm 7 xe máy đứng chờ đèn đỏ ở hầm chui Hàng Xanh (TP HCM). Việc những người này vẫn có thể tiếp tục lái xe sau khi ra tù khiến dư luận không khỏi nghi ngại: Liệu họ có tiếp tục gây tai nạn?

Đề xuất tước GPLX vĩnh viễn

Để đảm bảo tính răn đe, giảm TNGT thảm khốc có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy, góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, hiện một số hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy… có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây TNGT với hậu quả rất nghiêm trọng. Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng hoặc 22 - 24 tháng trong dự thảo sửa đổi Nghị định 46 là chưa đủ sức răn đe.

“Lý do dự thảo sửa đổi Nghị định 46 chỉ quy định thời hạn tước GPLX tối đa 24 tháng vì tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn tước GPLX, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động là 1 - 24 tháng”, Tổng cục Đường bộ VN nêu.

Do vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này, Tổng cục Đường bộ VN đề xuất tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX, có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước.

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, khi có quy định này, buộc tài xế phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo hành nghề an toàn phục vụ cuộc sống của mình và mọi người. Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, đối với hành vi uống rượu, bia cần nghiên cứu kỹ vì mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn đến hành vi lái xe là khác nhau.

Phân tích cụ thể hơn ông Quyền cho rằng, một vụ tai nạn cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nên cần phân định rõ tỷ lệ nguyên nhân, sau đó mới có hình thức xử lý phù hợp. “Việc tước vĩnh viễn ảnh hưởng lâu dài, nếu tước vĩnh viễn tài xế sẽ không biết làm gì khác, ảnh hưởng đến đời sống việc làm không chỉ lái xe mà cả thế hệ sau, gia đình, vợ con họ. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhưng không nên quy định phải đặc biệt nghiêm trọng mới thu bằng vĩnh viễn mà phải căn cứ vào nguyên nhân gây tai nạn. Nếu nguyên nhân chủ quan của tài xế hoặc xe kinh doanh vận tải hoặc sử dụng ma túy, rượu, bia gây TNGT thì mới thu vĩnh viễn. Còn tai nạn do nguyên nhân khách quan hay hỗn hợp thì phải xem xét”, ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho rằng, việc tước vĩnh viễn GPLX của tài xế cần xem xét kỹ lưỡng bối cảnh lái xe vi phạm quy định của pháp luật về ATGT, nhất là trường hợp lái xe gây TNGT. Phải xác định đúng nguyên nhân gây tai nạn là do tài xế, hạ tầng hay phương tiện. “Riêng trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy gây TNGT thì cần tước GPLX vĩnh viễn, kể cả lái xe thương mại, phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hay phi thương mại để xã hội không phải chứng kiến sự việc đau lòng như vụ TNGT thảm khốc tại Long An hồi tháng 1/2019 do lái xe vừa nghiện ma túy, vừa có nồng độ cồn trong người gây ra”, ông Thạch nói.

GS. TS. Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng hãy thực hiện ngay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là xử lý nghiêm, sửa luật để phạt nặng, tước bằng lái vĩnh viễn với người vi phạm. Tuy nhiên, ông Sùa cho rằng, việc xem xét tước vĩnh viễn quyền sử dụng GPLX đối với lái xe thực hiện các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực ATGT cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để, vì “phần gốc” của vấn đề là công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, kiểm định phương tiện vận tải, công tác hậu kiểm.

Có lo tài xế sử dụng GPLX giả?

Trong dự thảo tờ trình trình Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ Tư pháp đánh giá, sau 6 năm thi hành, vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên; thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhiều bất cập… Bộ Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực.

Trước những ý kiến cho rằng nếu quản lý không tốt, tài xế bị tước bằng lái vĩnh viễn có thể dùng bằng giả để tiếp tục hành nghề, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cấp, quản lý bằng lái xe với CSGT để ngăn chặn. Theo ông Quyền, các nước tiên tiến đều có cơ sở dữ liệu quốc gia cập nhật các lỗi vi phạm, người từng bị tòa án kết tội để các cơ quan liên quan tra cứu. Cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý một cách có hệ thống lực lượng lái xe; Đồng thời phát hiện, ngăn chặn những người bị tước bằng vĩnh viễn đi học lái xe. Việc kiểm tra bằng lái thật hay giả không khó khăn, doanh nghiệp tuyển dụng lái xe và lực lượng chức năng có muốn kiểm tra hay không thôi”, ông Quyền cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thạch, trong những vụ TNGT, trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải cũng phải được xem xét, truy cứu cụ thể. Trong kinh doanh vận tải thương mại đã quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn theo dõi giờ làm việc, chạy xe của tài xế hàng ngày? Kiểm soát việc khám sức khỏe định kỳ của lái xe ra sao? “Việc điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia là lỗi của tài xế. Nhưng việc để tài xế nghiện ma túy cầm lái trên đường là lỗi của doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra an toàn của doanh nghiệp vận tải”, ông Thạch chia sẻ.

Đại diện Vụ ATGT cũng cho rằng, việc “luật hóa” tước GPLX vĩnh viễn chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía các lái xe. “Tuy nhiên, trong tham gia giao thông, tính mạng con người luôn là trên hết. Tài xế nếu bị tước GPLX, không đủ điều kiện hành nghề lái xe có thể chuyển sang nghề khác, nhưng một người thiệt mạng do sự chủ quan, tắc trách của lái xe thì không gì đền bù lại được, tổn thất cả về mặt tinh thần và kinh tế đối với các gia đình nạn nhân là rất lớn”, ông Thạch nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Cần thiết cưỡng chế và xử lý hình sự

Tình trạng lái xe, người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, ma túy là vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đặc biệt quan tâm.

Do tầm quan trọng của vấn đề này, Quốc hội đã quyết tâm rất cao khi đồng thuận thông qua quy định “đã tham gia giao thông thì không uống rượu, bia” trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quốc hội cũng đã có nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT, trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

Đây là vấn đề liên quan đến tính mạng của con người và tính mạng của chính người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Theo tôi cần tước bằng lái vĩnh viễn đối với những trường hợp vi phạm quy định này, cần thiết phải cưỡng chế và xử lý hình sự, đó là giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Có thể sửa luật, nghị định để áp dụng

TNGT hiện nay là vấn nạn, để lại những hậu quả rất thương tâm, làm xáo trộn đời sống của rất nhiều gia đình. Việc hạn chế, giảm thiểu TNGT để tránh gây ra những hệ lụy cho xã hội là việc cần tiếp tục làm.

Tôi cho rằng, với những vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe cộng đồng, nếu tiếp tục tham gia giao thông có nguy cơ gây hành vi tương tự trong tương lai thì hoàn toàn có thể tính đến chuyện tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Những cá nhân thường xuyên sử dụng rượu, bia hoặc những người có tiền sử sử dụng ma túy là những đối tượng có thể cân nhắc áp mức phạt này. Nếu luật chưa có quy định về vấn đề này thì có thể sửa luật, sửa nghị định, sửa thông tư.

T.Bình - An Na (Ghi)

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP HCM:
Cần sửa cả Luật Giao thông đường bộ

Trong thời gian sửa đổi bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông phải sửa đổi lại, hạn chế quyền của các tài xế uống rượu, bia say gây tai nạn chết người.

Các tài xế này đã học Luật GTĐB, họ biết rằng uống rượu, bia có hại cho sức khỏe và trước tay lái của họ là biết bao nhiêu mạng sống của con người. Do đó, cần phải tước vĩnh viễn GPLX đối với những tài xế say rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người.

Cần phải sửa Luật GTĐB để hạn chế quyền đối với những lái xe khi đã uống rượu, bia mà gây TNGT nghiêm trọng, cụ thể là phải tước vĩnh viễn quyền lái xe của họ. Vấn đề này phù hợp với Hiến pháp, bởi quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo luật định, vì lý do trật tự an toàn xã hội theo Điều 14 của Hiến pháp.

Dù chế tài xử phạt rượu, bia đã được điều chỉnh, bổ sung xử phạt nặng nhưng dường như các tài xế vẫn không sợ. Vì vậy, lần này chúng ta cần phải cương quyết, tước GPLX vĩnh viễn thì mới hy vọng giảm được TNGT liên quan đến rượu, bia.

PV

Anh Nguyễn Hữu Châu, lái xe Công ty CP xe khách số 1 Sơn La (3 năm liền đoạt giải thưởng “Vô lăng vàng”):
Cấm trước để phòng trừ hậu họa

Để làm nghề tài xế, trước tiên phải có bằng lái. Nếu một người bị tước bằng lái vĩnh viễn, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi chén cơm nuôi sống bản thân và gia đình. Đây là một chế tài rất nặng, nhưng là điều cần làm, rất nên làm. Khi cầm vô lăng, họ phải biết trong tay họ đang nắm rất nhiều sinh mạng con người. Nếu đang lái xe mà lên cơn nghiện, không kiềm chế được hành vi sẽ gây ra tai nạn cho người vô tội. Hiện nay, một bộ phận tài xế rất tinh vi, che giấu việc sử dụng ma túy, chất kích thích trước các biện pháp kiểm tra. Vì vậy, không có lý do gì để những tài xế này có thể tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông, tiếp tục gây nên những vụ tai nạn thương tâm khác.

Trần Duy

Các nước Âu, Mỹ có chế tài tước bằng lái xe vĩnh viễn

Cảnh sát Mỹ xử phạt lái xe vi phạm luật giao thông

Tại các quốc gia như Mỹ và ở châu Âu, Luật Giao thông đường bộ của các nước này đều có chế tài để cơ quan chức năng có nền tảng pháp lý để tiến hành áp dụng khung hình phạt là tước bằng lái vĩnh viễn đối với tất các tài xế, không phân biệt lái xe riêng hay lái xe chở khách nếu họ vi phạm nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần đối với các hành vi liên quan đến lái xe nguy hiểm hoặc không đủ tiêu chuẩn điều khiển phương tiện cơ giới.

Người vi phạm luật, ngoài bị tước bằng lái hết đời cũng vẫn phải chịu trách nhiệm về luật pháp cũng như bồi thường cho các nạn nhân, hậu quả thiệt hại về vật chất do tai nạn mà họ gây ra. Tại Anh, nếu một tài xế vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hành vi lái xe nguy hiểm, ở cấp độ gây chết người và dính nhiều lỗi phạt vi phạm giao thông liên tục, bên cạnh việc bị tước bằng lái trọn đời, khung hình phạt cao nhất có thể ngồi tù 14 năm.

Đơn cử, năm 2010, Tòa án Crown ở Vương quốc Anh đã kết tội và buộc thi hành án tù 7 năm đối với tài xế Dennis Putz sau khi ông này gây ra một vụ tai nạn giao thông làm chết một người phụ nữ đi xe đạp có tên Catriona Patel. Tài xế Dennis Putz trước khi gây tai nạn đã sử dụng đồ uống có cồn vượt nồng độ cho phép, sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe. Bên cạnh án tù 7 năm, ông Dennis Putz cũng bị tước bằng lái xe vĩnh viễn do trước đó Cảnh sát Anh ghi nhận Dennis Putz vi phạm giao thông 20 lần trong đó có 3 lần uống rượu, 3 lần lái xe bất cẩn gây va chạm.

Hòa Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.