Phương tiện “chôn chân” trên cầu
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 11/10, từ phía đầu cầu Thanh Trì hướng về Hà Nội, dòng người kéo dài cả km nối đuôi nhau nhích từng mét trên cầu. Trong đó, có hàng chục chiếc xe tải nặng, xe container di chuyển ở nhiều hướng xếp hàng vào nội đô. Nhiều tài xế chờ đợi sốt ruột bấm còi inh ỏi, khiến giao thông trên cầu càng hỗn loạn. Tài xế Đào Văn Thăng, chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội bức xúc: “Lần nào qua cầu Thanh Trì cũng phải “chôn chân” thế này. Chạy tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 100km chỉ mất khoảng 1 giờ, nhưng đi qua cầu Thanh Trì chỉ vài km mất ít nhất 15-30 phút. Nếu gặp ùn tắc thì mất hàng tiếng và chỉ biết xếp hàng chờ đợi, chẳng có đường nào khác mà thoát cả”.
Anh Vũ Ngọc Chiến, lái xe taxi hãng Group thường xuyên chở khách qua cầu cho biết, khu vực cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra va chạm và TNGT. Mỗi lần va chạm hay tai nạn là ùn tắc cả nửa ngày. “Tình trạng này diễn ra như cơm bữa và kéo dài nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp tổ chức lại giao thông qua cầu cho phù hợp, bởi lưu lượng qua cầu hiện tại đang rất lớn. Cần tách riêng hẳn làn của xe máy với ô tô, bởi tốc độ hai loại xe này vốn thiết kế đã khác nhau”, anh Chiến bày tỏ.
Tìm hiểu của PV, cầu Thanh Trì hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều. Trong đó, có 1 làn rộng 5,2m dành cho xe ô tô con và xe mô tô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc đa 50km/h; 2 làn 3,75m/làn dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc tối đa 80km/h.
“Việc tổ chức làn xe ô tô con và xe mô tô, xe gắn máy lưu thông trên cùng một làn đường, trong khi tốc độ của ô tô tối đa 80km/h, xe máy 50km/h hiện nay rất bất cập và là một trong những nguyên nhân thường xuyên xảy ra các vụ va chạm và tai nạn giữa ô tô và xe máy thời gian qua. Cùng đó, việc này hạn chế tốc độ của các phương tiện ô tô vốn được phép lưu thông với tốc độ lớn hơn”, tài xế Chiến bày tỏ.
Nghiên cứu hạn chế tốc độ, tổ chức lại giao thông
Hầu hết tai nạn do lái xe không làm chủ tốc độ
Từ 1/1 đến hết ngày 14/9/2019, trên cầu Thanh Trì xảy ra 84 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 19 người. Trong số này, có 51 vụ do ô tô va chạm với ô tô với nguyên nhân do lái xe không làm chủ tốc độ đâm vào đuôi nhau. Ô tô va chạm với dải phân cách mềm 22 vụ, nguyên nhân cũng do lái xe không làm chủ tốc độ, lấn làn làm vỡ, đổ dải phân cách mềm. Ô tô va chạm với xe máy 3 vụ. Xe máy va chạm với xe máy 3 vụ và 5 vụ xe máy tự ngã.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì lên đến 121.000 xe/ ngày đêm. So với lưu lượng thiết kế ban đầu khoảng 15.000 xe/ngày đêm, lưu lượng qua cầu vượt khoảng 8 lần.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Thanh Trì nằm trên trục Vành đai 3, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các phương tiện giao thông từ QL1A, QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên có mật độ giao thông rất cao. Cầu được Bộ GTVT thiết kế, xây dựng và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý từ năm 2013. Cầu có chiều dài 3km, mặt cắt ngang rộng 33m, được chia thành hai chiều riêng biệt bằng dải phân cách cứng. Hiện, Sở GTVT tổ chức giao thông trên cầu 2 làn dành riêng cho ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h; 1 làn hỗn hợp cho ô tô con và xe máy lưu thông hỗn hợp với tốc độ tối đa 50km/h.
“Với mật độ phương tiện giao thông qua cầu rất lớn như hiện nay, qua quá trình khai thác cầu Thanh Trì nhiều lần xuất hiện hư hỏng. Từ khi tiếp nhận đến nay, Sở GTVT nhiều lần phải thực hiện duy tu, sửa chữa để khắc phục các hư hỏng, nhất là tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên mặt cầu. Hà Nội cũng tiến hành thay thế 24/28 khe co giãn cao su”, ông Tuấn nói.
Thừa nhận mật độ giao thông qua cầu Thanh Trì hiện quá lớn, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết sẽ nghiên cứu tổ chức lại giao thông qua cầu Thanh Trì hợp lý hơn. “Chúng tôi đang tiến hành theo dõi, khảo sát để có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp hơn, trong đó có việc điều chỉnh tốc độ lưu thông trên cầu, gắn camera xử phạt nguội, chỉ đạo Thanh tra GTVT, đơn vị quản lý phối hợp với các lực lượng CSGT, công an và chính quyền địa phương ứng trực vào các giờ cao điểm để kịp thời hướng dẫn giao thông, xử lý các va chạm, TNGT kịp thời”, ông Tuấn thông tin.
Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, mới đây mặt cầu Thanh Trì đã được thảm lại êm thuận hơn, vận tốc lưu thông tối đa qua cầu cũng đã được hạ từ 90km/h xuống còn 80km/h. “Hiện, TP Hà Nội cho phép phương tiện chạy với vận tốc 80km/h vẫn là quá cao. Cùng đó, việc không quy định cấm vượt, không có dải phân cách giữa 2 làn ô tô nên phương tiện lưu thông rất lộn xộn, phát sinh nguy cơ mất ATGT lớn. Với điều kiện thực tế hiện nay, cầu Thanh Trì chỉ nên cho phép lưu thông an toàn ở vận tốc tối đa 60km/h”, Trung tá Tuân nói.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, chuyên gia giao thông, nguyên nhân dẫn đến việc cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra ùn tắc là bởi vì sự phân bố các làn xe chưa hợp lý. Với làn ngoài cùng, ô tô chỉ được đi với tốc độ 50km/h, tuy nhiên phần trong bao gồm 2 làn ô tô lại được đi với tốc độ 80km/h, khiến các xe làn ngoài bị hạn chế và khai thác không hiệu quả.“Hà Nội cần tổ chức lại theo hướng di chuyển dải phân cách phân thành 2 làn ô tô và 1 làn xe máy riêng biệt; đồng thời cần sớm hạn chế tốc độ qua cầu. Bởi mặt cầu khá hẹp, lưu thông với tốc độ 80km/h là không hợp lý, rất dễ xảy ra TNGT”, ông Sơn chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận