Xe lắp thêm đèn Led vào sửa chữa tại một gara
Dù bị phạt nặng nhưng tình trạng ô tô "độ" đèn vẫn diễn ra khá phổ biến, gây hại mắt cho người tham gia giao thông, dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn.
Nguy hiểm rình rập
Đầu tháng 3/2021, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên một số tuyến đường ở Hà Nội như: QL6, QL32, QL21, đường Phùng Hưng, Tố Hữu... có rất nhiều trường hợp xe ô tô lắp đèn phía đầu xe khác lạ so với xe thông thường.
Cụ thể, các xe này có thêm dải đèn Led màu vàng gắn ở giữa xe, phát ra ánh sáng lòa. Nhiều xe con loại đời cũ còn lắp thêm hai đèn chiếu sáng ở chính giữa đầu xe. Xe trộn bê tông, xe tải chở vật liệu xây dựng lắp thêm đèn pha chiếu ngược bên sườn xe… gây chói mắt cho các phương tiện khác.
Anh Nguyễn Hữu Nguyên (xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội), làm nghề lái xe du lịch nhiều năm chia sẻ, thông thường phía đầu xe ô tô chỉ có cụm đèn pha phía trước và đèn phụ (đèn vị trí phía trước) hai bên dưới hắt xuống đường, còn xe có thêm các đèn phụ khác rất sáng, chiếu xa hoặc chói lòa là xe “độ” thêm đèn.
“Có những xe ban đêm bật cả đèn chính lẫn đèn phụ, với đủ loại đèn Led màu vàng, trắng hoặc Bi Led. Đèn phụ không chiếu xuống mặt đường mà rót lên cao, gây hại mắt và khiến người đối diện khó quan sát đường đi, rất dễ xảy ra tai nạn”, anh Nguyên nói.
Một số lái xe khác cho biết, gần đây phổ biến các xe ô tô, nhiều nhất là loại xe 7 chỗ, xe gầm cao lắp đèn Bi Led ở vị trí đèn phụ phía trước để “độ” thêm cho đèn pha, đèn gầm, với ánh sáng rọi xa và mạnh không thua kém đèn pha.
“Có xe lắp đèn Bi Led khi chạy dùng chế độ chiếu gần (cốt) nhưng bật đèn phụ Bi Led sáng không khác gì đèn pha. Bực nhất là có xe liên tục “nháy”, “đá” đèn Bi Led hoặc khi lên dốc đèn hất ánh sáng màu xanh, trắng lên cao khiến người lái xe đối diện rất hại mắt, khó quan sát”, anh Ngọ, một lái xe khác cho biết.
Về đặc điểm loại đèn trên, theo một số thợ sửa xe, đèn Bi Led có hình dạng gương cầu lồi, kích thước to hơn, có chóa mini và thấu kính gương cầu nên ánh sáng tập trung và đi xa hơn đèn pha có chóa thông thường.
“Phần lớn xe ô tô dùng đèn Halogen và không gây chói mắt cho người lái xe đối diện. Có những xe đời mới được sản xuất với đèn Led, Bi Led. Nhưng với xe “độ”, nhất là đèn Bi Led cho đèn pha, đèn gầm (đèn sương mù) đều không đảm bảo về góc chiếu sáng, dễ gây lóa mắt cho người lái xe đối diện, cũng như ảnh hưởng đến tâm lý người lái xe phía trước khi quan sát từ gương chiếu hậu”, anh Dũng, kỹ sư ô tô của một ga ra tại Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) nói.
Vẫn khó kiểm soát
Theo đại diện một số trung tâm đăng kiểm xe ô tô, từ năm 2020, sau khi Nghị định số 100/2020 có hiệu lực với chế tài xử phạt khá nặng (xử phạt 800.000 - 1.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe 2 - 3 tháng), tình trạng xe ô tô lắp thêm đèn chiếu sáng, “độ” đèn giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, gần đây, nhiều trường hợp khi đến đăng kiểm vẫn còn nguyên đèn “độ” thêm so với thiết kế nguyên bản của xe.
“Phổ biến là xe lắp dải đèn vài chục centimet phía trước, trên biển số xe, thậm chí có xe tải lắp cả dàn trên nóc xe. Xe nào còn đèn đều phải tháo mới được tiếp nhận đăng kiểm, song sau đó có lắp lại hay không thì khó biết. Vì thực tế trên đường rất dễ gặp xe lắp thêm đèn”, ông Trịnh Thành Công, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 28-01S cho biết.
Tương tự, ông Đỗ Hải Nam, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 89-04D thông tin, hầu như tuần nào cũng có một vài trường hợp xe đến đăng kiểm còn nguyên đèn “độ”, đèn Led lắp thêm.
“Có chủ xe nói lý do xe cũ nên lắp thêm đèn cho sáng, mong được bỏ qua, nhưng quy định chung là không tiếp nhận đăng kiểm đối với các xe tự ý lắp thêm kết cấu, lắp thêm đèn. Vì thế, đơn vị dán thông báo của Cục Đăng kiểm VN, đưa chủ xe xem để tránh phải đôi co”, ông Nam cho biết.
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, Cục thường xuyên chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm kiên quyết từ chối, không cấp chứng nhận kiểm định đối với xe lắp thêm đèn so với thiết kế của nhà sản xuất.
“Các xe vào kiểm định đều được lưu trữ bằng hình ảnh, video để giám sát việc thực hiện của trung tâm đăng kiểm. Do đó, hầu hết các trung tâm đăng kiểm tuân thủ nghiêm việc từ chối kiểm định đối với xe lắp thêm đèn”, ông Khanh nói, song cũng cho biết khi tham gia giao thông vẫn dễ gặp các trường hợp xe lắp thêm đèn.
“Khó khăn hiện nay là không có dữ liệu online để tra cứu ngay, trong khi việc phát hiện và xử lý chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Do đó, bên cạnh việc tăng cường xử lý vi phạm, chủ phương tiện cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định về lắp đặt, sử dụng đèn xe ô tô”, ông Khanh cho biết.
Nhận biết xe “độ” đèn thế nào?
Theo ông Đặng Trần Khanh, các đèn xe ô tô chiếu sáng phía trước nếu được thiết kế, lắp đặt đúng chuẩn đều không gây lóa mắt cho người lái xe, người đi đường đối diện. Trường hợp xe bật đèn chiếu gần mà vẫn gây lóa mắt người đi đường chắc chắn là không đúng tiêu chuẩn, xe “độ” thêm đèn. “Chủ xe ô tô không nên tự ý lắp thêm đèn chiếu sáng để tránh bị xử phạt, cũng như sử dụng đèn chiếu xa, chiếu gần đúng cách để không gây hại cho người tham gia giao thông ban đêm”, ông Khanh khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận