Tối 19/8, tại đoạn giao đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM), Đội CSGT Nam Sài Gòn, thuộc phòng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM (PC08) đã lập chốt đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế và xử lý vi phạm đối với người điều khiển ô tô, xe gắn máy vượt quá mức cho phép.
Tổ công tác đã áp dụng phương pháp đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế nên hiệu quả hơn. Sau hơn 1 giờ kiểm tra khoảng 30 ô tô và 4 xe gắn máy, CSGT đã phát hiện 1 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1 bằng lái và 1 ô tô.
Cụ thể, khoảng 20h45 cùng ngày, CSGT phát hiện anh D.V.P (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có nồng độ cồn lên tới 0,392mg/lít khí thở.
“Tôi đi làm về nên tranh thủ gặp bạn bè và có uống 2 lon bia. Tôi có từ chối uống tiếp và nhanh chóng lái xe ra về. Khi đang về thì giữa đường gặp CSGT gọi vào yêu cầu đo nồng độ cồn”, anh P. nói.
Theo Điều 5 Nghị định 100, anh P. phải nộp phạt 17 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản xử phạt, thu giữ phương tiện cá nhân 7 ngày cùng GPLX, giấy đăng ký và kiểm định xe trong vòng 16 tháng. Anh D.V.P tỏ ra hối hận và hứa lần sau sẽ gọi xe công nghệ khi sử dụng bia rượu.
Anh P. sẽ bị phạt 17 triệu đồng, tước GPLX 16 tháng vì có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/ L.
Trước đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết, trong thời gian thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông từ ngày 20/6 đến ngày 31/7, đơn vị đã lập biên bản xử lý 47.174 trường hợp vi phạm.
Theo đó, PC08 đã lập biên bản xử phạt 6.127 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 3.230 trường hợp chạy quá tốc độ; 446 trường hợp chở hàng quá tải; 125 trường hợp chở hàng quá khổ và 145 trường hợp cơi nới thùng xe. PC08 đã tạm giữ 180 ô tô, 8.592 xe máy và 62 phương tiện khác. Đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đối với 9.193 trường hợp. PC08 dự kiến số tiền phạt thu được khoảng hơn 44 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM xảy ra 1.042 vụ TNGT đường bộ, làm chết 326 người, bị thương 670 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT trên địa bàn TP.HCM giảm 92 vụ (giảm 8%), tăng 15 người chết (tăng 5%) và giảm 51 người bị thương (giảm 7%).
Trước đây, CSGT dùng máy do nồng độ cồn cũ phải yêu cầu tài xế xuống xe thổi vào máy đo mới có thể phát hiện được nên rất mất thời gian. Còn theo cách mới, khi phương tiện vào làn đường kiểm tra, lái xe không cần xuống xe, chỉ cần nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: "Anh tên gì?, "anh có mang theo giấy tờ không?" là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có nồng độ còn trong hơi thở tài xế hay không.
Nếu có, máy sẽ hiện dòng chữ "Cảnh báo" thì lái xe được yêu cầu xuống xe để thổi vào máy đo nồng độ cồn chuyên dụng để xác định được cụ thể mức độ vi phạm. Nếu không có, CSGT sẽ cảm ơn và mời lái xe tiếp tục lộ trình.
Một số hình ảnh do PV ghi nhận CSGT đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế:
CSGT ra hiệu dừng kiểm tra đối với các tài xế đi qua chốt kiểm tra nồng độ cồn.
Tổ công tác sẽ tiến hành đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.
Tài xế không cần ngậm và thổi ống đo như trước, mà chỉ cần thổi nhẹ hoặc đếm 1, 2, 3,... để máy đo.
CSGT trang bị camera trên mũ để đảm bảo chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngoài ô tô, các tài xế xe máy cũng được đo nồng độ cồn theo phương pháp này,
Nhiều người tỏ ra đồng tình trước phương pháp ngăn chặn, giảm bớt TNGT này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận