Nghề may giúp anh Hậu quên đi nỗi đau bệnh tật và sự cô đơn |
Nỗ lực vượt lên số phận
Trong căn nhà khang trang trong con ngõ nhỏ khu 4, thôn Dư Ba, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, anh Phan Văn Hậu (37 tuổi) chống nạng bước đi, đôi tay thoăn thoắt làm được mọi việc. Khi chứng kiến anh say mê bên bàn cắt, máy may, những người mới gặp đều không khỏi bất ngờ.
Cách đây 17 năm, Phan Văn Hậu là chàng trai 20 tuổi khỏe mạnh, hành nghề lái xe công nông. Hôm đó, anh Hậu đang lái xe chở vật liệu trên đường làng thì từ trong ngõ, một đám trẻ nhỏ chạy ùa ra. Quá bất ngờ, anh Hậu vừa đánh lái, vừa phanh gấp, khiến người anh bay về phía trước, đập xuống lòng đường, bất tỉnh.
"Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để đón các bạn khuyết tật về dạy nghề, hiện nhà tôi đã xây xong khu phòng ở cho những người khuyết tật muốn đến học nghề, xây cả khu vệ sinh, nấu ăn, đường đi lại sao cho phù hợp và thuận lợi nhất để người khuyết tật sinh hoạt. Ngay cả dụng cụ dạy nghề như bàn cắt vải, tôi cũng thiết kế có tay vịn, có chỗ tựa riêng, máy khâu cũng được thiết kế riêng dành cho những người khuyết tật sử dụng dễ dàng nhất. Nếu có ai đó cùng cảnh ngộ muốn được học nghề, hãy liên lạc với tôi qua số điện thoại 0978103837." Anh Phan Văn Hậu |
Anh Hậu nhập viện trong tình trạng chấn thương cột sống, dập gan, dập lá lách, bác sỹ chẩn đoán 90% là không qua khỏi. Sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) không có tiến triển, bác sỹ khuyên gia đình đưa anh về nhà. “Còn nước còn tát”, gia đình ngược xuôi tìm cách chạy chữa cho anh bằng cách đắp thuốc nam. “Những ngày đó, ai cũng nói tôi sống được là một điều kỳ diệu. Vì cột sống bị chấn thương nặng nên tôi chỉ được nằm trên một chiếc bàn phẳng, đắp thuốc 24/24h, tôi không biết đến mặc quần áo là gì, mọi sinh hoạt đều nhờ tới mẹ già và anh chị chăm sóc. Cuộc sống bế tắc, tương lai mù mịt, tôi từng nghĩ đến cái chết”, anh Hậu nhớ lại.
Nhưng rồi thương mẹ, thương anh chị, anh Hậu lại gắng gượng từng ngày. Rồi một người bạn đi làm thợ xây trên Hà Nội về thăm, mua tặng anh chiếc áo, nói anh hãy cố tự mặc lấy chiếc áo vào người để mẹ và anh chị đỡ khổ. Thế là anh Hậu tìm cách học ngồi dậy, học cử động lại đôi tay.
3 năm sau ngày TNGT, anh Hậu từ chỗ sống thực vật đã có thể tự ngồi dậy, bước đi dưới hỗ trợ của cây nạng gỗ. Nhìn mẹ già sọm đi sau TNGT của con, anh quyết phải học một nghề nào đó, làm một việc gì đó đỡ đần mẹ, cũng là để sống tiếp cuộc đời của mình.
Được sự hỗ trợ của bạn bè, anh Hậu tìm và học các nghề dành cho người khuyết tật, từ cắt tóc, làm thủ công đến chẻ que kem… Rồi một hôm, anh trai anh mang về một chiếc máy may cũ, khuyên anh thử nghề may. “Nhìn thấy cái máy may, tôi thích ngay, dù gặp muôn vàn khó khăn, từ việc đứng để cắt vải đến ngồi may vá”, anh Hậu chia sẻ.
Có máy may, anh Hậu thức ngày thức đêm tập luyện, rồi nhờ anh chị em, bạn bè mua giùm những quyển sách dạy cắt may, những quyển catalog thời trang về tự mày mò tìm hiểu. Anh nhờ người thân chở ra các cửa hàng vải, năn nỉ được mua chịu vải về học may. Cần cù, quyết tâm và có đầu óc thiết kế, 3 năm sau, anh Hậu đã thành thợ may có tiếng ở xã Tuy Lộc, thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
|
Ước mong dạy nghề miễn phí cho người tàn tật
Lao vào làm đêm ngày những mong kiếm tiền xây căn nhà khang trang cho mẹ già đỡ khổ, anh Hậu bị viêm xương, phải dừng công việc 2 tháng để điều trị. Khi bệnh tình được cải thiện, anh trở về nhà thì mẹ anh lâm bệnh, qua đời, để lại trong anh nỗi đau lớn khôn nguôi.
“Mẹ cả đời vất vả vì tôi, bao năm qua chịu khổ cực để cứu sống tôi, sát cánh chăm sóc tôi từng giờ. Giờ tôi mới thành nghề, chưa kịp báo hiếu thì mẹ đã mất. Nghĩ đến mẹ, tôi quyết tâm sống có ích để mẹ dưới suối vàng cũng yên lòng”, anh Hậu xúc động tâm sự.
Sau 13 năm gắn bó với nghề may, xưởng may nhỏ của anh Hậu ngày càng đông khách. Công việc bộn bề, một mình không thể làm hết, anh đã thuê thêm 3 thợ may khác trong xã đến phụ giúp việc. Tuy nhiên, công đoạn thiết kế và cắt vải, anh vẫn đảm nhận.
Vừa làm vừa tích cóp, đến giờ, anh đã tự xây dựng cho mình một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi vừa làm nơi sinh hoạt, vừa làm xưởng may. Giờ anh đang nỗ lực thực hiện ước mơ giúp đỡ người có cùng hoàn cảnh như một cách sống có ích để báo hiếu với mẹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận