Người tham gia giao thông trên trục đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội) gần đây rất bức xúc khi liên tục rơi vào cảnh ùn ứ tại nút giao đường Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn do bất cập trong phân bổ thời lượng đèn tín hiệu giữa các hướng.
16h30 ngày 31/1, có mặt tại nút giao này, PV Báo Giao thông phải “chôn chân” trong một trạng thái giao thông hỗn loạn với tiếng còi xe inh ỏi để tranh nhau phần đường lưu thông.
Ghi nhận của PV, tình trạng trên diễn ra là do thời điểm hiện tại, trong khi hướng đường Nguyễn Thái Học - Phan Bội Châu có thời lượng đèn đỏ là 32 giây, đèn xanh là 60 giây thì các phương tiện hướng Nguyễn Thái Học vào đường Lê Duẩn chỉ có 36 giây đèn xanh, thời gian đèn đỏ là 55 giây.
Với sự phân bổ đó, khi phương tiện hướng về đường Phan Bội Châu đã được di chuyển thì các xe hướng vào đường Lê Duẩn vẫn phải đứng chờ thêm 38 giây đèn đỏ. Trong khoảng thời gian chênh lệch này, dù đã được bố trí làn đường rẽ rộng khoảng 7 - 8m, song ô tô, xe máy rẽ phải vào Lê Duẩn vẫn tràn lên lấn gần hết làn đi thẳng để không phải chờ nhiều nhịp đèn, cản trở các xe hướng Phan Bội Châu lưu thông.
Anh Hiếu, một người dân sống tại đường Nguyễn Thái Học cho biết, bất cập tại trên không chỉ khiến giao thông khu vực thường xuyên tê liệt “lâm sàng” mà có thời điểm, các chủ phương tiện đã va chạm nhau ngay giữa đường do “người chờ đèn đỏ thì cố tình lấn làn, còn người được đi thì bị ngáng đường không lối thoát”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho rằng, cách phân bổ thời gian đèn tín hiệu giữa các hướng giao thông tại nút giao Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn trong 3 - 4 năm qua là bất hợp lý.
“Thực tế, lưu lượng phương tiện trên cung đường Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn không quá lớn. Hơn nữa, sự xung đột giữa hướng rẽ phải và hướng đi thẳng gần như không có. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, cân bằng lại thời gian giữa các hướng đi tại nút giao này theo cách cùng đi, cùng dừng để đèn tín hiệu không trở thành “nút thắt” gây ách tắc trên toàn tuyến”, ông Thạch nói.
Cũng theo ông Thạch, hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của Thủ đô liên tục thay đổi, các tuyến đường không ngừng được nâng cấp, mở rộng, tăng quy mô và tính kết nối. Thực tế đó đòi hỏi công tác tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu phải liên tục cập nhật và có sự điều chỉnh phù hợp với số lượng phương tiện trong từng thời điểm, đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận