Giữ vững an ninh, an toàn giao thông đường sắt
Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn có chiều dài 93km tính từ km 73+810 đến km 166+899,5 và gần 31km tuyến nhánh Yên Trạch - Na Dương (Km 0+000 đến Km 30+900). Về địa lí, tàu chạy qua 1 thành phố và 4 huyện của tỉnh Lạng Sơn (các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình và TP. Lạng Sơn).
Trong đó có các xã nghèo, khó khăn được Nhà nước và chính quyền địa phương công nhận như tại huyện Chi Lăng có xã Bắc Thủy km128, xã Vân Thủy km138 tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; Các xã Vân An và Chiến Thắng ở khu vực đèo dốc Bản Thí. Tại huyện Hữu Lũng có xã Hương Sơn...
Các lực lượng công an, đường sắt kiểm tra, xử lý lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn hoặc song song với đường bộ, có nhiều lối đi tự mở qua đường sắt do người dân “bám” mặt đường sinh sống; Hoặc qua khu vực địa hình nguy hiểm, nếu xảy ra tai nạn do vi phạm hành lang, công trình bảo vệ đường sắt thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng cho biết: Khu vực đèo dốc Bản Thí là khu đoạn chỉ dài trên 30km, từ ga Đồng Mỏ đến ga Yên Trạch nhưng có đến 10 cầu, trong đó có nhiều cầu cao và dài, điển hình là cầu Bắc Thủy dài 295,6m, cao trên 40m. Đoạn đường này cũng có 8 hầm với chiều dài 1.992m, trong đó hầm Pắc Khánh dài nhất với chiều dài 1.069m.
Bà con ở các xã này chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, sinh sống quanh khu vực đường sắt nên bà con, học sinh thường xuyên đi lại hoặc đi dọc đường sắt, đi trên cầu đường sắt, nguy cơ mất an toàn khi tàu qua. Ngoài ra, còn có hiện tượng trẻ em chơi trên đường sắt, lấy phụ kiện đường sắt...; hoặc còn xảy ra các vụ mất cắp vật tư, thiết bị đường sắt.
Mặt khác, hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn có đến 164 lối đi tự mở, tập trung nhiều ở địa bàn huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc... Đây là những vị trí nguy cơ xảy ra tai nạn tàu đâm, va, cán người và phương tiện qua đường sắt rất cao.
“Tuy nhiên, đáng mừng là những năm gần đây, tình hình ANTT, ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh chuyển biến rất tốt. Đặc biệt từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ mất cắp vật tư, thiết bị đường sắt nào. Tình hình tai nạn giao thông đường sắt do người dân vi phạm các quy định về ATGT đường sắt như phóng nhanh, vượt ẩu, đi, đứng trên đường sắt giảm hẳn so với trước”, ông Quyền cho biết.
Nhiều giải pháp tuyên truyền, đảm bảo ATGT đường sắt
Ông Quyền cho biết, để đạt được kết quả này là quá trình nhiều năm ngành Đường sắt phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp đến “tận nơi, tận tay” người dân.
Các lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang ATGT đường sắt tuyến Mai Pha - Na Dương (Lạng Sơn)
Công ty CP Đường sắt Hà Lạng phát động phong trào “Em yêu đường sắt quê em” trong các trường học trên địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ vật tư thiết bị đường sắt, đảm bảo TTATGT đường sắt, hành lang ATGT đường sắt. Kiểm tra rà soát các lối đi tự mở, các điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt và ký cam kết với chính quyền địa phương đảm bảo ATGT tại các lối đi tự mở này, đồng thời kiên quyết không để phát sinh lối đi tự mở mới.
Ông Nguyễn Xuân Trọng, Trưởng Tiểu ban ANTT đường sắt tỉnh Lạng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lạng cho biết, trên tuyến có tổng số 28 đường ngang các loại, trong đó có 19 đường ngang có người gác, 4 đường ngang cảnh báo tự động, 5 đường ngang phòng vệ bằng biển báo; 164 lối đi tự mở, 549 điểm vi phạm hành lang.
Thời gian qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh Lạng Sơn với Tiểu ban ANTT đường sắt tỉnh Lạng Sơn trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt, cũng như Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND tỉnh, các đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường sắt trong người dân sinh sống gần khu vực đường sắt cũng như người dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, thường xuyên phát thanh trên loa tại các nhà ga và các khu dân cư về nội dung bảo đảm ANTT và ATGT đường sắt. Huy động sự vào cuộc của tất cả các tổ chức chuyên môn, đoàn thể với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên, tổ chức phát tờ rơi tại khu dân cư có nguy cơ cao về mất ATGT; Tuyên truyền về chấp hành các quy định của pháp luật, chấp hành các quy tắc khi tham gia giao thông, chấp hành các quy định bảo vệ hành lang ATGT đường sắt v.v…
Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm ANTT, ATGT đường sắt, ngăn chặn có hiệu quả các vụ việc lấy cắp vật tư, thiết bị và lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, đấu tranh ngăn chặn việc mở lối đi lại qua đường sắt trái phép. Chỉ đạo lực lượng bảo vệ trên tàu và bảo vệ các ga, đến từng địa bàn dân cư phối hợp với chính quyền và lực lượng công an địa phương để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên khu vực đường sắt...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận