Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong phần quy định hành vi vi phạm và mức xử phạt liên quan đến đường sắt, dự thảo bổ sung hàng loạt hành vi liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng đường ngang vào diện vi phạm và có mức xử phạt khá cao.
Cụ thể, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh, chủ quản lý, sử dụng đường ngang chuyên dùng không bố trí định biên gác đường ngang trong phạm vi quản lý theo quy định.
Phạt 8-10 triệu đồng nếu không thông báo kịp thời, không phối hợp với lực lượng chức năng điều hành giao thông để bảo đảm ATGT qua đường ngang khi xảy ra sự cố hư hỏng đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang thuộc phạm vi quản lý.
Phạt 5-10 triệu đồng đối với tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt không lập danh mục quản lý đối với các đường ngang không phù hợp với quy định của Luật Đường sắt; không lập, không cập nhật hồ sơ các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở qua đường sắt;
Đối với cá nhân, mức phạt 500.000 đến 1 triệu đồng đối với nhân viên gác đường ngang, cầu chung không điều hành giao thông khi chắn bị hỏng, đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định.
Đáng chú ý, hành vi khá phổ biến trong thời gian qua là người qua đường ngang tự ý mở rào chắn đường ngang để đi qua bị quy định vào lỗi: tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng, kèm mức phạt 3-5 triệu đồng.
"Hành vi trên xuất hiện nhiều trong thực tiễn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt. Đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại Điều 31 Thông tư 25/2018 của Bộ GTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt”, dự thảo nêu.
Liên quan đến giải quyết TNGT đường sắt, dự thảo bổ sung quy định phạt 8-12 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dùng có hành vi: không thành lập Hội đồng giải quyết sự cố, TNGT đường sắt hoặc Hội đồng phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt khi có sự cố, TNGT đường sắt xảy ra theo quy định; không lưu trữ hồ sơ các vụ sự cố, TNGT đường sắt; không quy định trách nhiệm của các đơn vị tham gia hoạt động trên đường sắt quốc gia trong việc giải quyết các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt. Phạt 15- 20 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, kinh doanh đường sắt không thành lập tổ ứng phó cứu viện để giải quyết sự cố, TNGT đường sắt.
Dự kiến dự thảo được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đến hết ngày 20/7/2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận