Ngày 19/7, phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị chức năng liên quan về vụ lật xe khách trên đèo Khánh Lê, QL27C, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng yêu cầu cần làm rõ, nguyên nhân mất phanh của xe ô tô là do kỹ thuật phương tiện hay kỹ năng tài xế khi điều khiển xe.
Theo ông Hùng, trường hợp xe đổ đèo, tài xế rà phanh quá nhiều, gây nóng phanh và dễ dẫn đến hư hỏng. Xe lao với quán tính, tốc độ lớn và không thể trả về số thấp... Ông Hùng đề nghị cơ quan điều tra sớm có kết luận vụ việc.
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: C.S).
Rõ ràng không chỉ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn kỹ thuật phương tiện, tâm lý và kỹ năng lái xe là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo ATGT cho người, phương tiện khi lưu thông khu vực đèo dốc, quanh co...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hồ Văn Quân, thầy dạy lái tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Đại Lợi (Đắk Nông) chia sẻ: Với kinh nghiệm đi đường đèo tài xế nên chủ động về số thấp trước khi xuống dốc, chủ động phanh, không nên đổ đèo với số lớn, lạm dụng phanh liên tục rất nguy hiểm.
Trường hợp mất phanh, tài xế cần bình tĩnh, dồn số (về số thấp), chủ động cho xe tựa vào taluy dương để giảm tốc độ, nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản.
"Tuy nhiên, để xử lý một tình huống khi xe mất phanh rất khó một phần do đường đèo dốc, phần nữa do đa số tài xế đều rơi vào tâm lý hoảng sợ. Do đó kinh nghiệm và bản lĩnh, tâm lý vững sẽ giúp tài xế thoát khỏi cửa tử này", thầy Quân phân tích.
Tương tự, tài xế Đoàn Năm (ngụ TP Buôn Ma Thuột), người có hơn 15 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách tuyến Đắk Lắk - Huế, đi trên đường Hồ Chí Minh qua đèo Lò Xo, Kon Tum và đèo Khánh Lê, QL27C nhìn nhận: “Để xảy ra vụ tai nạn trên, có thể tài xế lạ đường, đổ đèo với số lớn và đạp phanh liên tục dẫn đến mất phanh. Thông thường, các lái xe có kinh nghiệm khi đổ đèo đều cho xe về số thấp, và nhấp thả phanh chứ không đạp phanh liên tục, tránh làm nóng đĩa phanh".
Các chuyên gia đào tạo lái xe và tài xế kinh nghiệm chạy xe đường dài cũng đồng tình với việc khi xe leo dốc, đổ đèo tài xế tuyệt đối tránh lạm dụng phanh. Lúc này, việc cho xe về số thấp cũng chính là cách để kìm tốc độ và quán tính của xe. Trường hợp này nếu xe may mắn gặp các hốc hoặc đường cứu nạn thì sẽ dễ dàng xử lý, cho xe lao vào các điểm này để giảm tốc và dừng phương tiện...
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Khu QLĐB III (Cục Đường bộ VN) cho biết, khu vực đèo Khánh Lê, QL27 nói chung và vị trí xảy ra lật xe mặt đường êm thuận, đảm bảo hệ thống ATGT, biển báo.
Đoạn QL27C qua Khánh Hòa cũng có bốn đường cứu nạn gồm: Km 43+430 (trái tuyến); Km 48+00 (phải tuyến); Km 58+060 (phải tuyến); Km 61+280 (trái tuyến). Các đoạn taluy âm, vực sâu đều được lắp đặt hộ lan, đảm bảo ATGT...
Tuy nhiên, với hướng tuyến xe chạy từ Đà Lạt xuống Nha Trang và gặp nạn ở Km 56+200, như vậy lúc này xe đã qua gần 2km đường cứu nạn ở Km 56+060 và còn gần chục cây số nữa mới tới đường cứu nạn ở Km 48, QL27C.
Theo ông Bình, hiện trường đoạn tuyến này bên tay trái là vách núi cao, bên hướng tay phải chiều lưu thông là taluy có hộ lan tôn sóng. Tài xế đã cố cho xe tỳ vào hộ lan để giảm tốc độ. Nhưng lực quá lớn khiến hộ lan bị bung bật, xe khách trượt ra ngoài và lật ở khu đất ngoài hành lang.
Các cơ quan chức năng đánh giá, cách vị trí TNGT này tầm hơn chục mét là vực sâu. Nếu xe gặp nạn bị lật phương ở vị trí này thì hệ lụy càng thảm khốc.
Theo khu QLĐB III, QL27C dài 130km, trong đó, đoạn qua địa bàn Khánh Hòa từ Km0 - Km 65+453 (đèo Khánh Lê từ Km31 - Km 65+453). QL27C đoạn đèo Khánh Lê có quy mô đường cấp 3 miền núi, bề rộng mặt đường 7m, nền 9m. Hiện, trạng mặt đường êm thuận, hệ thống ATGT đầy đủ gồm: Sơn tim đường, hộ lan tôn sóng 1 tầng, mắt phản quang, tiêu phản quang mũi tên dẫn hướng, đinh phản quang tim đường; biển báo hạn chế 50km/h.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 15h15 chiều 18/7, tại Km 56+200, quốc lộ 27C (đoạn qua đèo Khánh Lê, thuộc thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) xảy ra vụ TNGT khi ô tô BKS 29B-405.83 chở 24 khách du lịch (chủ yếu là người Trung Quốc), lưu thông hướng Đà Lạt - Nha Trang bất ngờ đâm vào hộ lan mềm bên trái đường. Hậu quả, vụ tai nạn khiến bốn du khách Trung Quốc tử vong, 9 người khác bị thương đã được đưa đi cấp cứu.
Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Trần Viết Hà, luật sư thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) phân tích: “Nếu qua quá trình điều tra xác định tài xế điều khiển xe đi đúng tốc độ, không vi phạm các quy định khi điều khiển phương tiện và nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do hệ thống phanh của xe gặp sự cố thì tài xế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngược lại, nếu qua điều tra xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn là do lỗi xuất phát từ phía tài xế thì khi đó tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 với tình tiết định khung làm chết từ ba người trở lên thì khung hình phạt tù từ 7-15 năm.
Trong vụ việc này vì người chết là người nước ngoài nên phải thông báo trực tiếp cho cơ quan đại diện nước ngoài liên quan, đồng thời thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao. Sau đó, liên hệ chủ khách sạn (hoặc nơi người nước ngoài ở) để các cơ quan chức năng liên quan tiến hành lập biên bản, khám nghiệm hiện trường, kiểm kê tài sản cá nhân (kể cả hộ chiếu, giấy tờ tùy thân) của người nước ngoài, niêm phong tài sản khi trao lại cho cơ quan đại diện nước ngoài hoặc thân nhân của người chết".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận