Cháy xe khách có do "độ" đèn?
Thời gian vừa qua, trên một số tuyến cao tốc, liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe khách, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông cho hành khách và người tham gia giao thông khác.
Điển hình như khoảng 12h40 trưa 24/5, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cầu Giẽ (Hà Nội) - Ninh Bình, xe khách BKS 29B - 203.82 lưu thông theo hướng từ Ninh Bình đi Hà Nội, bất ngờ tự bốc cháy khi qua địa phận huyện Ý Yên (Nam Định). Rất may thời điểm xảy ra vụ cháy, trên xe không có hành khách.
Trước đó chỉ 1 ngày, trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, xe khách 16 chỗ lưu thông đến Km14 qua huyện Thuận Nam (Bình Thuận), bất ngờ bốc cháy ở phần đầu xe. Ngay lập tức, tài xế tấp vào làn khẩn cấp, cùng hành khách phá cửa xe thoát ra ngoài. Vụ cháy may mắn không có thương vong nhưng chiếc xe khách bị ngọn lửa thiêu rụi, hư hỏng gần như hoàn toàn.
Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ cháy xe xảy ra từ đầu năm 2024 đến nay. Tại Hội nghị sơ kết TTATGT quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ quý II/2024, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh: Các vụ cháy xe trên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT và có thể gây hậu quả lớn.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân, chia sẻ thông tin đến nhân dân, các chủ xe kinh doanh vận tải, từ đó chủ động có các biện pháp phòng tránh, chủ động trong công tác khắc phục khi sự cố xảy ra.
Về vấn đề này, Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cháy xe như: Rò rỉ hệ thống đường dẫn nhiên liệu; Lỗi hệ thống điện; Pin của xe điện, xe hybrid; Động cơ bị quá nhiệt; Không thường xuyên bảo dưỡng xe.
Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác đến từ các hoạt động dân sinh phơi rơm rạ ở đường tạo ra các vật liệu dễ gây cháy khi tiếp xúc với các bộ phận có nhiệt độ cao của xe.
"Hiện nay, thời tiết đang ở cao điểm của nắng nóng nên nguy cơ cháy rất cao, nhất là đối với các xe đường dài phải liên tục vận hành trong điều kiện nhiệt độ cao (xe khách giường nằm, xe khách chạy liên tỉnh…)", Phòng Kiểm định xe cơ giới nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo một Trung tâm Đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, hầu hết các vụ cháy xe đều xuất phát từ hệ thống điện, ắc quy bị quá tải. Nguyên nhân là do đấu nối hệ thống điện cẩu thả, tăng công suất phụ tải lên ắc quy một cách bừa bãi.
Lấy ví dụ, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm này cho biết, nếu xe chỉ thiết kế một hệ thống điều hoà nhưng chủ xe lắp thêm một hệ thống nữa để tăng khả năng làm mát nhanh hơn, lạnh hơn; hay "đấu" lắp đặt thêm đèn phía trước xe nhằm tăng độ sáng khi tham gia giao thông buổi tối. Tất cả những hành vi này đều có thể khiến hệ thống điện bị quá tải, sinh nhiệt cao dẫn đến cháy dây dẫn điện, gây ra cháy xe.
Thực tế, theo quan sát của PV Báo Giao thông, hiện nay, nhiều xe khách lưu thông trên đường, phía trước đầu xe, khu vực giữa hai đèn pha thường lắp thêm loại đèn led bar (thanh hình chữ nhật được gắn lên các mắt led) có chức năng trợ sáng cho các phương tiện vào ban đêm.
Khi bật, đèn ánh sáng sẽ trải ra trên một vùng rất rộng với cường độ sáng rất cao, không có độ chụm sáng vào một điểm nhất định. Nếu chiếu thẳng vào mắt của người đối diện sẽ khiến cho người này bị mù sáng tạm thời trong một thời gian nhất định, rất nguy hiểm.
Chưa kể, nguồn điện của các loại đèn này thường không tương thích với xe chính hãng, nên khi lắp đặt sẽ ảnh hưởng đến dòng điện sạc của ắc-quy, làm tăng nguy cơ cháy nổ ắc-quy.
Ngoài ra, do cường độ phát sáng rất lớn, dẫn đến lượng tỏa nhiệt cũng cực kỳ lớn nên có thể gây chập cháy hệ thống dây điện trên xe, thậm chí có thể gây cháy xe.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm, một trong những nguyên nhân cháy xe khách còn do loại hàng hoá chở trên xe.
"Không hiếm trường hợp, xe khách chở cả xe máy trên nóc xe, hay thậm chí còn đập thông cốp xe để chở dưới gầm. Dù xe máy đã rút xăng trong bình chứa tuy nhiên với điều kiện thời tiết nắng nóng, lượng nhiệt toả ra cao vẫn tiềm ẩn rủi ro gây cháy xe", chuyên gia này cho hay.
Ngăn cháy xe khi đang lưu thông cách nào?
Theo Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN, để ngăn cháy xe khách xảy ra, chủ xe, lái xe cần thận trọng, không chủ quan khi chở hàng hóa trong hầm hàng, khoang hành lý, đặc biệt khi chở xe máy phải đảm bảo không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy.
Cùng đó, cần thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon… bởi thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp cháy xe do đi qua các khu vực phơi nhiều rơm rạ.
Song song với đó, chú ý bảo dưỡng xe định kỳ đảm bảo xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt, đặc biệt không nên độ chế, lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe (đèn, loa, tủ lạnh…) không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất xe.
Hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao (cần có thời gian nghỉ phù hợp).
Đặc biệt, cần sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại các cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp; không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc.
Cục Đăng kiểm cũng khuyến cáo, về phía các cơ quan quản lý, cần phải tăng cường kiểm soát để đảm bảo các cây xăng cung cấp nhiên liệu đúng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Đồng quan điểm, chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm cũng nhấn mạnh, lực lượng chức năng, bến xe cần kiểm tra chặt chẽ việc xếp hàng hoá trên xe khách trước khi xuất bến và khi tham gia giao thông trên đường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc chở hàng có rủi ro gây cháy nổ. Từ đó tuyên truyền, thậm chí xử phạt để nhắc nhở, tăng tính răn đe, tránh tái phạm các hành vi gây mất an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận