Nhiều người uống rượu bia vẫn lái xe
Ngày 21/10, trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu), Trần Thanh H (26 tuổi, trú TP Đà Nẵng) điều khiển xe máy BKS 43D1 - 964.46 đâm bà Trần Thị T (74 tuổi) đang đi bộ khiến bà T bị thương nặng. H được xác định vi phạm nồng độ cồn mức 1,054 miligam/lít khí thở, gấp 2,5 lần mức bị xử phạt kịch khung.
Tại Tiền Giang, chiều 7/10, ông Võ Tấn Phương điều khiển ô tô BKS 63A - 010.38 lưu thông trên quốc lộ 50 xảy ra va chạm với 2 xe máy, trong đó có xe BKS 63B8 - 642.39 chở theo hai cháu bé 9 tuổi và 6 tuổi. Hậu quả bé 6 tuổi tử vong, 2 người còn lại bị thương. Kết quả test nhanh, ông Phương có nồng độ cồn 0,416 miligam/lít khí thở.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên toàn quốc trong 9 tháng đầu năm 2024 liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.
Tính riêng tại Hà Nội, đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 17.500 tài xế do vi phạm nồng độ cồn.
Theo các chuyên gia, nhờ sự ra quân quyết liệt của lực lượng CSGT toàn quốc, số vụ TNGT và vi phạm nồng độ cồn có xu hướng giảm, song vẫn ở mức cao. Điều này chứng tỏ, nhiều người dù biết uống rượu bia điều khiển xe bị nghiêm cấm nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Không giảm mức phạt, thêm trừ điểm bằng lái
Tại dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới nhất, thay vì đề xuất giảm mức phạt tiền đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất như trước đó, Bộ Công an giữ nguyên mức phạt tiền theo quy định hiện hành.
Cụ thể, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở, bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng. Cùng mức vi phạm này, người điều khiển mô tô, xe gắn máy bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.
Ngoài ra, Bộ Công an còn đề xuất tăng số điểm giấy phép lái xe (GPLX) bị trừ lên 3 thay vì 2 điểm như dự thảo trước đó.
Với mức vi phạm vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển ô tô bị phạt từ 16 – 18 triệu đồng, người điều khiển mô tô, xe gắn máy bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng (như quy định hiện hành) nhưng sẽ bị trừ 10 điểm GPLX.
Với mức vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển ô tô bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng, người điều khiển mô tô, xe gắn máy bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng (giữ nguyên quy định hiện hành) nhưng sẽ bị trừ 12 điểm GPLX.
Đáng chú ý, dự thảo mới nhất còn bổ sung quy định với các trường hợp tài xế ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tái phạm hoặc vi phạm nồng độ cồn nhiều lần ở mức 2 và 3 cũng sẽ bị trừ toàn bộ điểm GPLX.
Theo lãnh đạo Cục CSGT, việc bỏ đề xuất hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn, tăng thêm chế tài xử lý đối với hành vi tái phạm, vi phạm nồng độ cồn dựa trên những ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học.
Đảm bảo tính răn đe, ngăn tai nạn
PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng cho biết, với người có nồng độ cồn ở mức 50 miligam/mililít máu (mức vi phạm thấp nhất) khi tham gia giao thông vẫn có những tác động nhất định.
"Khi cơ thể người dung nạp một lượng cồn dù nhỏ đều có tác động đến hệ thần kinh. Có thể một số người không bị tác động nhiều nhưng phần đông khi sử dụng rượu bia dù chỉ nửa lon hay một cốc đều có thể khiến phản xạ bị chậm, không chính xác, tiềm ẩn rủi ro", ông Cường nói.
Theo ông Cường, việc duy trì xử phạt ngay cả với mức vi phạm nồng độ cồn thấp nhất là phù hợp nhằm tăng tính răn đe, nâng cao ý thức: "Thậm chí, đây sẽ là "cái cớ" phù hợp nhất giúp người lái xe tránh được tình trạng bị ép uống rượu, qua đó, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia có thể xảy ra".
Về phía các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Trọng Khánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam cho biết, việc giữ nguyên mức phạt tiền cũng như tăng chế tài xử lý với trường hợp tái phạm nhiều lần, thậm chí thu hồi GPLX là cần thiết bởi đây là những vi phạm có tính chất nguy hiểm, khi gây TNGT thường để lại hậu quả lớn.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật, trừ điểm GPLX đối với vi phạm nồng độ cồn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tăng tính răn đe trong xử lý vi phạm.
Theo Luật TTATGT đường bộ, tài xế nếu bị trừ hết điểm GPLX sẽ không được lái xe trong vòng 6 tháng và phải kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức, đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.
Bên cạnh đó, khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng cần kết hợp giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về sự nguy hiểm của hành vi này, dần hình thành thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận