Sáng 9/9, nhiều người tham gia giao thông di chuyển trên đường Láng (đoạn đường Nguyễn Chí Thanh giao với cầu 361) tỏ ra vô cùng bức xúc khi những xe cắt tỉa cây xanh xuất hiện làm việc đúng trong khung giờ cao điểm (7h00) khiến tuyến đường ùn ứ nghiêm trọng.
Ngay khi tiếp nhận phản ánh, thông tin với báo chí, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết đã thực hiện điều chỉnh giờ cắt tỉa từ 9h - 9h15 để tránh giờ cao điểm.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, ngày 15/9 cũng trên đường Láng, tài khoản FB Nghiêm Hổ tiếp tục đăng tải hình ảnh ùn tắc kéo dài vào thời điểm 8h sáng. Nguyên nhân chính là do một nhóm công nhân cắt tỉa cây xanh cùng trang thiết bị, phương tiện choán 1/3 mặt đường làm cho diện tích lưu thông của các phương tiện bị thu hẹp.
Mới đây nhất, ngày 23/9, tài khoản FB Thỏ Bun khi lưu thông trên đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) vào lúc 8h10 sáng đã đưa bức ảnh chụp nhóm công nhân thi công cắt tỉa cây xanh lên mạng xã hội với sự bức xúc: “Đường thì bé xe thì nhiều nhưng nhất định phải cắt tỉa cây vào giờ cao điểm buổi sáng…”.
Một số người cho rằng, mỗi nghề đều có đặc thù riêng. Việc cắt tỉa cây với đặc thù chiếm nhiều diện tích lòng đường thì phải sắp xếp công việc vào giờ vắng xe, như khoảng 9h - 11h, không thể làm trong giờ hành chính hay giờ cao điểm, mật độ phương tiện cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều cư dân mạng lại tỏ thái độ gay gắt trước những lời phàn nàn của một số chủ xe, đồng thời là chủ nhân của các bức ảnh trên mạng xã hội.
“Suy nghĩ ích kỷ quá. Bạn đi làm, họ cũng đi làm. Số lượng cây cần cắt rất nhiều, không cắt nhanh để kịp thời gian, vài hôm bão vào lại ngã đổ thì người đi đường lại khổ”, “Mình mưu sinh, người ta cũng phải mưu sinh. Mình muốn làm việc hành chính lại muốn người ta làm vào nửa đêm hay sao mà chửi. Ích kỷ nhỏ mọn”,… là một trong số những bình luận.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, công tác cắt tỉa cây xanh là việc phải làm thường xuyên, liên tục, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão. Nếu không cắt tỉa kịp thời, những vụ cành cây rơi gây tổn thất về người và tài sản sẽ tiếp tục xảy ra.
“Tuy nhiên, cơ quan quản lý việc cắt tỉa cây xanh cũng cần nghiên cứu, lên phương án chia khối lượng công việc thành hai nhóm. Nhóm 1 là những cây nằm trên các tuyến đường rộng, bố trí được hài hòa phương tiện cắt tỉa và diện tích lưu thông của các phương tiện khác thì có thể thực hiện cắt tỉa trong mọi khung giờ. Nhóm 2 là những hàng cây nằm trên các tuyến đường có diện tích lưu thông hẹp thì phải căn chỉnh cho công nhân làm lệch giờ cao điểm, tránh tình trạng các thiết bị phục vụ công tác cắt tỉa cây xanh xung đột với mật độ phương tiện cao trên đường dẫn tới hiệu quả công việc của các bên đều bị ảnh hưởng”, TS. Tạo nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận